Thông tin chung đề tài:
Tác giả: TS. Trịnh Thị Thanh Thủy
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, khoa học và công nghệ. Trong đó: Hệ thống hóa cơ sở lý luận, xác định khung lý thuyết nghiên cứu phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ra bài học cho Việt Nam; Đánh giá kết quả, hiệu quả và tác động của chính sách phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam từ năm 1986 đến nay; Nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách về thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam hiện nay. Dự báo nhu cầu phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến năm 2030; Đề xuất quan điểm, giải pháp, chính sách cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính, khoa học và công nghệ) vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển thị trường là giải pháp căn bản, cấp thiết để người dân có động lực gia tăng sản xuất hàng hoá, tiếp cận các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ vùng miền khác, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập, từ đó thay đổi đời sống. Đến nay các thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hầu hết vẫn còn chậm hoặc chưa phát triển, đặc biệt là thị trường cốt lõi như thị trường hàng hoá, dịch vụ (tài chính, lao động, khoa học và công nghệ), cấp độ phát triển còn lạc hậu khá xa so với các khu vực trong cả nước và đang kéo giãn với tốc độ ngày càng nhanh. Vì vậy, đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu thấu đáo về những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển thị trường, từ đó có những giải pháp và chính sách khả thi, phù hợp với điều kiện và trình độ của Vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng tiến kịp với các vùng miền khác trong cả nước, tạo nên bức tranh kinh tế thị trường hoàn chỉnh ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Các nội dung nghiên cứu như đề cập ở trên đã đáp ứng các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận giải và đề xuất có căn cứ khoa học các giải pháp chính sách cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến năm 2030, những kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện tại: các Báo cáo là sản phẩm của đề tài (Báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, Bản kiến nghị); các Kỷ yếu Hội thảo quốc gia (3 cuốn Kỷ yếu được xuất bản có mã số ISBN); sách chuyên khảo (xuất bản 02 cuốn có mã số ISBN); 03 công bố quốc tế (trong đó có 02 công bố tại Tạp chí thuộc danh mục SCOPUS Q2); 07 công bố tại các Tạp chí trong nước; góp phần đào tạo nhiều nghiên cứu sinh và thạc sỹ. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu, nhận thức và tinh thần phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam còn được lan toả trong cộng đồng, đến các giới chức trong xã hội qua các hoạt động trong khuôn khổ của đề tài như trao đổi, tập huấn trong quá trình điều tra, khảo sát thực tế, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo. Đội ngũ tham gia nghiên cứu đề tài đã được nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn nghiên cứu và giảng dạy.