Phóng viên của Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi với ông Trần Thế Hiển, Phó giám đốc Ban Công Nghiệp Số Siemens Việt Nam về những nỗ lực đồng hành của Công ty nhằm hỗ trợ các khách hàng công nghiệp trong và hậu đại dịch COVID-19.
PV: Là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp trên thế giới, xin ông cho biết những đóng góp cụ thể của Siemens trong cuộc chiến chống COVID-19?
Ông Trần Thế Hiển: Ngay khi dịch bệnh COVID-19 trở nên phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Siemens đã cho phép cộng đồng y tế toàn cầu tham gia Mạng lưới Công nghệ Sản xuất Bồi đắp (AM) và công nghệ in 3D của Siemens, mục đích đẩy nhanh việc thiết kế và sản xuất các linh kiện y tế. Ở Trung tâm AM khu vực tại Singapore, chúng tôi sử dụng công nghệ 4.0 để chế tạo và sản xuất các tấm chắn giọt bắn 3D có độ bền và tính bảo vệ cao dành cho các y bác sĩ và nhân viên y tế do Bệnh viện Tan Tock Seng thiết kế.
Kết hợp các công nghệ tự động hóa có tính đột phá cao với các sản phẩm số hóa, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát triển và cung cấp các giải pháp phù hợp trong các tình huống y tế đặc biệt. Tại Trung Quốc, với sự hỗ trợ của phần mềm NX và TIA Portal, Siemens cùng Aucma đã phát triển một robot khử trùng thông minh. Trong một tuần, từ khâu thiết kế đến sản xuất mẫu, các robot này có thể thay thế con người đảm nhiệm việc khử trùng trong các bệnh viện và các khu vực công cộng, ngăn chặn sự lây lan của vi rút corona.
Giải pháp Simcenter của Siemens đã giúp Vyaire Medical – công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu về công nghệ y tế, cung cấp các dòng máy thở - phát triển một bản sao số của các máy thở, nhờ vậy giảm đáng kể thời gian phát triển sản phẩm bằng việc loại bỏ khâu chế tạo và sản xuất thử nghiệm.
PV: Vậy, xin ông cho biết, Siemens đã hỗ trợ khách hàng trong các ngành công nghiệp như thế nào?
Ông Trần Thế Hiển: Khi đại dịch nổ ra, tất cả các công ty sản xuất gặp khó khăn lớn khi đội ngũ nhân viên đột nhiên buộc phải làm việc tại nhà, không được tiếp cận trực tiếp với nhiều giải pháp kỹ thuật số hoặc các hệ thống tự động hóa. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Siemens đã cho phép khách hàng làm việc với các giải pháp phần mềm như phần mềm thiết kế và mô phỏng NX ngay tại nhà, cung cấp nền tảng phát triển Mendix miễn phí (khách hàng có thể nhanh chóng và dễ dàng phát triển ứng dụng). Khách hàng cũng có thể làm kỹ thuật cho dây chuyền sản xuất tại nhà bằng cách sử dụng nền tảng tự động hóa TIA Portal trên đám mây. Nhờ các quy trình tự động hóa và số hóa, Siemens có thể giám sát máy móc và toàn bộ hệ thống trực tuyến và thậm chí giúp khách hàng sửa chữa máy móc từ xa.
Trong đại dịch, các ngành công nghiệp thiết yếu như thực phẩm và dược phẩm cần phải duy trì khả năng cung cấp và khi cần, nhanh chóng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao… Các ngành công nghiệp khác do nhu cầu giảm mạnh phải ngừng sản xuất trong nhiều tuần, hoặc buộc phải điều chỉnh dây chuyền sản xuất để chuyển qua sản xuất các thiết bị y tế vốn đang cần gấp. Điều này chỉ có thể thực hiện được với các nhà máy linh hoạt và hiệu quả cao, có khả năng sản xuất một sản phẩm nhất định với số lượng cụ thể trên một dây chuyền sản xuất, đồng thời có khả năng sản xuất các sản phẩm khác nhau với các quy mô lô hàng khác nhau.
Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi toàn bộ chuỗi giá trị của nhà máy được tự động hóa và số hóa hoàn toàn. Các công nghệ đáp ứng được cho mục tiêu này đã có sẵn, ví dụ như danh sách các công nghệ dùng cho doanh nghiệp số của Siemens. Với sự trợ giúp của các công cụ mô phỏng, các sản phẩm và quy trình sản xuất được thiết kế và tối ưu hóa ở dạng bản sao số trước khi bắt đầu sản xuất thực tế.
PV: Còn với các khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, những hỗ trợ này như thế nào?
Ông Trần Thế Hiển: Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Siemens đã đẩy mạnh giới thiệu và ứng dụng giải pháp kết nối từ xa VPN sử dụng phần mềm SINEMA Remote Connect cho các khách hàng tại Việt Nam, cụ thể là các khách hàng trong lĩnh vực chế tạo máy. Với ứng dụng này, các kỹ sư và chuyên viên chế tạo máy ngồi tại Việt Nam vẫn có thể truy cập vào hệ thống của khách hàng từ xa, tiến hành chạy thử, nghiệm thu thành công các dự án ở nước ngoài. Điều này đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh cho nhà chế tạo máy khi có thể cung cấp dịch vụ bảo trì, sữa chữa từ xa... giúp khách hàng an tâm về chất lượng dịch vụ cung cấp bởi nhà chế tạo máy.
Để hạn chế đi lại và tụ tập đông người, sử dụng giải pháp SINEMA Remote Connect, các học viên theo học Trung tâm Đào tạo Công nghiệp Số SITRAIN của Siemens sẽ không bị ngắt quãng việc học đồng thời vẫn có thể tiếp cận và thực hành trên các thiết bị tại văn phòng Siemens.
Trong thời gian Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội, Siemens đã liên tục tổ chức các hội thảo kỹ thuật trực tuyến để cập nhật cho khách hàng những công nghệ mới nhất. Chúng tôi cũng kết nối khách hàng Việt Nam với các sự kiện trực tuyến quan trọng của Tập đoàn Siemens. Tháng 7 vừa qua, Siemens đã giới thiệu cho khách hàng trên toàn cầu trong đó có gần 100 khách hàng từ Việt Nam gói giải pháp toàn diện từ Siemens tại Hội nghị Trực tuyến Doanh Nghiệp Số. Qua các dự án tiêu biểu và chia sẻ thực tế từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tự động hóa và số hóa công nghiệp, khách hàng có thêm nhiều thông tin tổng quan về các giải pháp thuộc danh mục Doanh nghiệp Số của Siemens.
Ban Công Nghiệp Số của Siemens Việt Nam cũng vừa triển khai chuỗi hội thảo trực tuyến Automation Tour 2020, thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các khách hàng trên cả nước, nhờ đó cập nhật kịp thời cho nhiều doanh nghiệp một loạt các giải pháp tiên tiến của Siemens trong lĩnh vực tự động hóa và số hóa.
PV: Theo ông thì làm thế nào các công ty công nghiệp có thể khởi động lại hoạt động sản xuất của họ sau đại dịch và đảm bảo thành công trong dài hạn?
Ông Trần Thế Hiển: Nhu cầu về tất cả các loại hàng hóa chắc chắn sẽ tăng trở lại, các nhà máy sẽ cần phải có khả năng đẩy mạnh sản xuất một cách nhanh chóng. Nhiều công ty hiện đã bắt đầu xem xét các giải pháp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước những rủi ro do thương mại toàn cầu, hay lên kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất tại địa điểm gần hơn với thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tính linh hoạt, tốc độ, năng suất, sản xuất thông minh là điều bắt buộc và tự động hóa, số hóa chính là điều kiện tiên quyết. Với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và điện toán biên, sản xuất bồi đắp hoặc 5G công nghiệp, Siemens hiện đang cung cấp một danh sách tổng thể các công nghệ dùng cho doanh nghiệp số, gồm các giải pháp phần mềm và tự động hóa, giúp nâng cao tính linh hoạt từ khâu phát triển sản phẩm đến quy trình sản xuất. Sự kết hợp của các công nghệ này sẽ cung cấp cho các công ty công nghiệp những công cụ cần thiết để làm chủ mọi yêu cầu cả trong thời điểm dịch bệnh và trong dài hạn.