Rác thải điện tử đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo mới đây trong tháng 1 vừa qua của Diễn đàn kinh tế thế giới: “Có đến gần 50 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm - xấp xỉ bằng tổng khối lượng của tất cả tàu bay trên toàn thế giới đã từng được sản xuất, nhưng chỉ có 20% trong số đó được đem đi tái chế”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng nếu không có bất kỳ biện pháp lâu dài nào được áp dụng thì chỉ đến năm 2050, số lượng rác thải điện tử sẽ đạt con số 120 triệu tấn, và đáng nói hơn là loại rác thải này vô cùng có hại cho sức khỏe và môi trường.
Đối diện với thực tế này, các nhà khoa học luôn cố gắng tìm cách giải quyết. Kết quả mà họ đạt được vô cùng bất ngờ: Họ đã tìm thấy một vài chủng vi khuẩn có khả năng tái chế kim loại như vàng, bạc, Paladi, đồng và nhôm. Giải thích một cách ngắn gọn thì các nhà khoa học đưa vi khuẩn và chất thải điện tử vào chung trong một dung môi và sau một lúc, điều “vi diệu” sẽ xảy ra.
Trong một bài viết đăng trên trang AIP Conference Proceedings vào năm 2017, các nhà nghiên cứu Singapore cho thấy loài vi khuẩn Chromobacterium violaceum có khả năng tái chế vàng có trong rác thải điện tử nhờ vào một loại enzyme đặc biệt có thể phân hủy các hợp chất. Kết quả của phản ứng này tạo ra muối vàng xyanua, và sau đó chỉ cần tách xyanua ra khỏi vàng.
Để tăng tốc độ phản ứng, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra hai chủng vi khuẩn có khả năng tái chế được nhiều vàng hơn. Chủng tốt nhất có hiệu suất tái chế đạt 30% số vàng, trong khi chủng vi khuẩn tự nhiên chỉ có thể chiết xuất được 11,3%.
Trên thực tế, tỉ lệ tái chế này là chưa cao khi so với phương pháp khác có thể tái chế toàn bộ số vàng, ví dụ như cách nung chảy rác thải điện tử. Thế nhưng phương pháp sử dụng vi khuẩn để tái chế vàng từ rác thải điện tử được xem là phương pháp thân thiện với môi trường hơn và hiệu suất tái chế này có thể cải thiện được.
Các chủng vi khuẩn khác có tên đầy tính khoa học như Delftia acidovorans, Gluconobacter oxydans hay Cupriavidus metallidurans cũng có thể giúp giải phóng số kim loại quý có trong các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học PNSA, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng vi khuẩn chỉ có thể hỗ trợ quá trình tái chế rác thải điện tử, không thể thay thế được các phương pháp tái chế khác.