Từ vấn nạn rác thải…
“Nguyên khùng” là biệt danh của anh Ngô Thái Nguyên - thôn Liên Hưng (xã Hải Bình – Tĩnh Gia – Thanh Hóa) được người dân vạn chài nơi đây đặt cho. Vốn dĩ, đã là người con của biển thì không ai mà không biết chèo thuyền, đánh cá, bám biển để sống. Nhưng chỉ riêng anh Nguyên lại “lạc lỏng” trong đống sắt vụn, suốt ngày chỉ biết tháo ra, lắp lại đến khi thành công mới thôi.
Nguyên sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, đông anh em. Vì sáng dạ, ham học nên được gia đình tạo điều kiện cho ăn học đến nơi, đến chốn. Đang là sinh viên của trường Trung cấp Y (nay là Cao đẳng Y Thanh Hóa), thì sự nghiệp thi cử bị dừng lại giữa đường, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bao nhiêu ước mơ và hoài bão về tương lai của anh tan biến theo sóng biển. Từ đây, cuộc đời của anh rẽ sang hướng khác với mưu sinh đủ nghề.
Khởi nghiệp từ nghề thợ may, đến thợ cơ khí rồi buôn bán đồ điện. Công việc vất vả, hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 1995, Nguyên chuyển sang làm nghề trang trí nội thất và thiết kế hoa viên cây cảnh. Công việc này đã giúp anh Nguyên đã có nguồn thu đảm bảo tài chính kinh tế gia đình và nuôi 4 con vào Đại học. Kinh tế đi lên, đồng nghĩa con người cũng phải đối mặt, gánh chịu với những hệ lụy của nó. Đơn cử, tình trạng ô nhiễm môi trường quê anh đạt mức báo động .
Anh tâm sự: “Làng biển quê tôi, từ bao đời nay sống bằng nghề chài cá, biển nặm mòi cho dân làng cuộc sống ấm no. Nhưng chính từ việc khai thác và chế biến thủy sản đã làm gia tăng vấn nạn rác thải. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân xã Hải Bình khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Việc thu gom rác thải cũng chỉ là lấy chỗ này đem đổ chỗ khác, xử lý không triệt để dẫn đến ô nhiễm ngày càng nhiều, nhất là nguồn nước ngầm!”.
Hàng nghìn hộ dân vạn chài cũng như anh ngày đêm phải sống chung với hệ lụy của nó, cuộc sống trở nên “ngột ngạt”. Giải pháp nào, hướng đi làm sao là câu hỏi lớn làm “đau đầu” cả một hệ thống chính quyền? Cũng từ đây, đã thôi thúc anh thực hiện mơ ước về một giải pháp bảo vệ môi trường mà anh đã ấp ủ bấy lâu nay.
… đến công nghệ HUD và máy xử lý rác
Đầu năm 2010, anh bắt tay vào thực
hiện ý tưởng của mình mà mọi người cho rằng “điên rồ”. Với đôi bàn tay nhỏ bé
cùng khối óc của mình, anh tin sẽ làm nên tất cả. Buổi đầu, Nguyên tự “giam
mình” trong đống sắt vụn, cứ tháo ra rồi lắp lại hàng trăm lần như thế. “Có thể
nói, từ ý tưởng đến hiện thực quả là muôn vàn khó!”, anh Nguyên tâm sự.
Lâu dần, hình hài chiếc máy cũng hiện ra trước mắt anh; nguyên lý hoạt động, thông số kỹ thuật, khắc phục khuyết điểm.. đã được anh nắm bắt. Khuôn mặt anh hốc hác, nhễ nhại mồ hôi hơn nhưng đầy đăm chiêu... Đôi lúc, vì một lỗi kỹ thuật nhỏ của chiếc máy đã khiến anh mất cả tháng trời quên ăn, mất ngủ để làm cho bằng được.
Những quán cơ khí quanh vùng bắt đầu quen dần với hình ảnh “Nguyên khùng” suốt ngày chỉ biết “đánh vật” với đống sắt vụn. Họ không tin vào một nông dân chân đất như Nguyên, chưa qua một lớp đào tạo nào lại có thể làm được? “Nhiều người thấy mình mất nhiều tiền bạc cho công việc đã buông lời đàm tiếu, chê gàn dở. Rồi vợ con hoang mang tư tưởng, nhưng với niềm tin sẽ làm đến cùng, nên tôi bỏ ngoài tai mọi lời thị phi”, anh Nguyên tâm sự.
Giữa năm 2011, “Nguyên khùng” cho “xuất bản” sản phẩm đầu tay. Chiếc máy hoạt động khá trơn tru bởi một ê kíp hệ thống tự động hóa hoàn hảo, với nguyên lý: Rác thải được thu gom, chuyển về khu bồn chứa. Tại đây, các loại rác được trộn đều, rồi phân loại bởi một hệ thống mô tơ; Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy, bao bì… khi khuấy trộn trong bồn sẽ nổi lên bề mặt nước và được hất lên băng chuyền tải về máy; Các loại rác nặng như gạch, đá, sắt, thép… lắng xuống đáy bồn rồi trượt theo máng đi ra mặt sàng. Cuối cùng các loại rác như củ, quả, phân trâu, bò…nằm lại dưới đáy bồn, sẽ được đẩy về hầm biogas...
Phía bên kia, khi rác được hất lên băng chuyền tải về thùng máy, chúng sẽ được băm thô, sau đó đẩy sang buồng dao cắt tinh rồi đùn ra ngoài. Thông qua hai hệ thống dao hỗn hợp của máy, tất cả các loại rác vô cơ sẽ được băm vụn. Giới chuyên môn phải ghi nhận sự sáng tạo bộ dao băm kép của máy. Bộ dao có 18 lưỡi dao chính, bố trí ở bốn tầng băm gắn vào trục quay (có thể xoay thuận chiều hoặc ngược kim đồng hồ) và 16 lưỡi dao gắn vào thành máy. Khi vận hành công nghệ này có thể xử lý, phân loại rác bằng động cơ, ít phải dùng nhiệt đốt rác
Các loại rác sau khi đã qua máy xử lý, băm vụn được anh Nguyên trộn với đất sét ủ làm phân để trồng cây. Thậm chí, anh dùng chất thải này trộn với xi-măng, đá mạt ép làm gạch xây dựng.
Ưu điểm của máy là: quy mô nhỏ, dễ vận hành, có khả năng phân loại, tinh chế rác để tái sử dụng làm phân vi sinh, nguyên liệu xây dựng. Công nghệ xử lý rác thải này thân thiện môi trường, phù hợp với nông thôn Việt Nam, có thể ứng dụng rộng rãi trong xây dựng nông thôn. Chỉ cần dòng điện 3 pha, công suất máy đạt 8,5 kW. Trong thời gian 6 giờ đồng hồ, máy xử lý được khoảng 10 m 3 rác thải tổng hợp, sau khi qua giai đoạn sử lý, chỉ còn ¼ khối lượng rác hữu ích. Vấn nạn rác thải đã được đẩy lùi!
Thành công ấy, không chỉ có mọi người trong thôn, ngoài ngõ thầm khen, thán phục mà còn các tỉnh khác trong cả nước tìm đến anh nhờ chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ V, 2013-2014, sản phẩm của anh đã đạt giải nhất với thương hiệu: “Công nghệ HUD và máy xử lý rác”.