Năm 2018 ở tất cả các thị trường mà Việt Nam ký kết FTAđều ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu vượt trội. Cụ thể, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 23,2%; sang thị trường Asean tăng 13,7%; sang Nhật Bản tăng 12,9%; sang Trung Quốc tăng 18,5%. Năm 2018 cũng là một năm có lịch trình dày đặc trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong công tác ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh công tác thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN cũng như nỗ lực hợp tác để hỗ trợ quá trình xây dựng khu vực ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh đi đôi với phát triển đồng đều. Qua đó, một số kết quả chính đạt được như sau: Tích cực phối hợp với các nước ASEAN triển khai các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2018 chủ yếu là: i) Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử và Hội nhập số; ii) Thành lập Mạng lưới Sáng tạo ASEAN (AIN); iii) Đưa vào vận hành Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn ASEAN (AWSC) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); iv) Ký kết Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA); v) Tăng cường Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); vi) Tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển; vii) Tăng cường Hợp tác và Thương mại về Khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trong ASEAN; viii) Ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA); ix) Xây dựng Quy tắc ứng xử về Xây dựng Xanh của ASEAN; và x) Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Trong hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành thúc đẩy thực hiện các nội dung hợp tác với các đối tác của ASEAN, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Ấn Độ, Ốt-xtrây-lia-Niu-di-lân; Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Liên bang Nga, EU.
Trong công tác APEC: Chủ đề chính cho APEC năm 2018 là: “Tận dụng các cơ hội bao trùm, nắm bắt tương lai số”, cùng ba ưu tiên cho năm APEC 2018 là: (i) Tăng cường kết nối, đẩy mạnh Hội nhập Kinh tế Khu vực (REI); (ii) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; và (iii) Củng cố tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu. Bộ Công Thương đã tham gia và đóng góp tích cực tại các Hội nghị cấp Quan chức cao cấp (SOM), Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao Thương mại APEC và phần nội dung kinh tế cho Lãnh đạo Cấp cao tham dự Hội nghị Cấp cao APEC.
Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Bộ Công Thương đã thống nhất với EU việc tách nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư - IPA) để từ đó kết thúc việc rà soát pháp lý cả hai Hiệp định. Trên cơ sở đó, Việt Nam và EU đã ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về việc kết thúc đàm phán và thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn EVFTA và IPA. Bộ Công Thương cũng đã tích cực chuẩn bị nội dung cho nhiều đoàn cấp cao và tham gia vận động EU cũng như các nước thành viên thúc đẩy việc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm hiện thực hóa mục tiêu Hiệp định được ký kết và phê chuẩn trong nhiệm kỳ hiện tại của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.
Trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị hồ sơ để ký kết và sau đó trình Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12 tháng 11 năm 2018; đồng thời, hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quyết định của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP đảm bảo Hiệp định được thực hiện hiệu quả ngay khi có hiệu lực.
Đối với Hiệp định FTA ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc (AHKFTA): Bộ Công Thương đã triển khai các thủ tục cần thiết và hoàn thành việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 2 năm 2018, và đang triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định này.
Trong Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) và với khối EFTA: Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy đàm phán, đặc biệt là ở những lĩnh vực đàm phán chính như thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ.., từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho việc thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Những hoạt động nói trên diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại đang diễn ra trên bình diện quốc tế, ta đã có những bước đi khá vững chắc để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, giúp nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các biến động trên quy mô toàn cầu. Các cam kết quốc tế trong các hiệp định FTA thế hệ mới giúp ta có điều kiện chủ động tiến hành đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thể hiện rõ nhất thông qua các số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu.