5 điểm cộng trong lĩnh vực xuất khẩu năm 2018

Trong bức tranh chung đó, xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu là 2 trong số những chỉ tiêu thuộc nhóm “hoàn thành vượt mức” khi tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tới 13,8%, gần gấp đôi so với kế hoạch 7%-8% được giao.

2018 qua đi với biết bao thách thức khó khăn, nhưng cũng là một năm để lại những dấu ấn sâu đậm với 2 nhóm “hoàn thành” và “hoàn thành vượt mức”trong toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, “xuất khẩu” và “tỷ lệ nhập siêu” thuộc nhóm “hoàn thành vượt mức” kế hoạch được giao.

Sự tăng trưởng vượt bậc của 2 chỉ tiêu nói trên diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2018 có nhiều biến động với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh mẽ, tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng tăng lãi suất, sự khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp...

Theo đánh giá, lĩnh vực quan hệ ngoại thương năm nay có 5 điểm cộng.

Thứ nhất, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.

Thứ hai, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chủ yếu. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhìn lại 3 năm qua, mặt hàng chế biến chế tạo luôn có những đóng góp đáng kể vào tỷ trọng và tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2016 hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2017 chiếm 81,4% và năm 2018 là 82,5%. Nhưng điều quan trọng hơn, so sánh Top 10 mặt hàng chủ lực cho thấy, năm 2015, trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực xuất hiện 3 mặt hàng thuộc về tài nguyên và hàng mới qua sơ chế là dầu thô, gạo, cà phê.

Đến 2016 mặt hàng dầu thô, gạo đã “biến mất” khỏi Top 10, chỉ còn xuất hiện mặt hàng cà phê. Năm 2017,  mặt hàng cà phê không còn trong Top 10, thay vào đó là rau quả; 2018, Top 10 hoàn toàn là hàng chế biến: Điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; da giày; thủy sản; đồ gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sắt thép.

Thứ ba, các mặt hàng xuất khẩu chế biến chế tạo có sự tăng trưởng tương đối toàn diện và ổn định ở nhiều lĩnh vực, nhiều phân ngành. Nếu những năm trước nổi lên chủ yếu vẫn là những mặt hàng chế biến điện tử, máy tính, điện thoại, dệt may, da giày thì từ 2017 trở đi, xuất hiện nhiều nhóm hàng chế biến khác như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng…đều duy trì ở mức tăng trưởng 2 con số.

che tao
Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chủ yếu

 

Thứ tư, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường FTA. Đến nay, chúng ta đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA song phương và đa phương, với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 10 FTA đã thực thi có 7 FTA đa phương (gồm Atiga, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia - New Zealand và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu); 3 FTA song phương (với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Với các FTA này, tỷ lệ các doanh nghiệp nước ta sử dụng ưu đãi đạt mức khá cao. Cụ thể, thị trường Chile dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) lên đến 68%. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc 56%. Tiếp theo là Ấn Độ 44%; Nhật Bản 37%. Các thị trường còn lại từ 30%. Cộng chung, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường FTA đạt khoảng 40%, tăng so với 34% của năm 2017 và khoảng 10% của những năm đầu thực thi FTA.

Nhìn từ cơ cấu mặt hàng sử dụng ưu đãi, có 2 nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi cao nhất, gồm nông sản và công nghiệp chế biến truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ. Với thị trường Australia và New Zealand (theo FTA Asean - Australia, New Zealand) tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung của hàng Việt Nam xấp xỉ 30%, riêng nhóm rau quả có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 72%. Tại thị trường Chile, tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung của hàng Việt Nam 68%; trong đó, giày dép 90%, gạo 70%. Với Nhật Bản, chúng ta cũng có 2 FTA đa phương (ASEAN - Nhật Bản) và song phương (Việt Nam - Nhật Bản) có tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung 37%; nhóm rau quả lên tới 70%, thủy sản 62%, nhựa và sản phẩm nhựa 88%, giày dép 96%. Với thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu, tỷ lệ sử dụng ưu đãi nhóm hàng dệt may 78%, giày dép 59%, nhựa và các sản phẩm nhựa 87%...

Vì thế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường FTA cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Với Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này năm 2018 tăng 18,5%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 12,3%. Tương tự với Hàn Quốc, nước có cả FTA song phương Việt - Hàn (VKFTA) và FTA đa phương ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), tăng trưởng xuất khẩu tăng 23,2%, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ tăng 2%. Ngay cả với ASEAN, một khu vực trước đây thường tăng trưởng xuất khẩu âm, 6 tháng đầu năm 2016 giảm 13,4%; đến hết năm 2016 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này đã giảm xuống còn âm 4,4%; năm 2017 đảo chiều tăng trên 20% và năm 2018 tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 13,7%, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu 13%.

Thứ năm, khu vực kinh tế trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 15,9% lần đầu tiên cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 12,9%).Điều đó cho thấy sự cách biệt giữa hai khu vực kinh tế, vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch tích cực. Đồng thời, một số chính sách của Chính phủ đã có hiệu quả trong việc từng bước liên kết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với khu vực đầu tư trong nước, điển hình như Hyundai Thành Công, Thaco Trường Hải… Đặc biệt hình thành được các nhóm chuỗi các công nghiệp phụ trợ gắn với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Trong bức tranh khởi sắc của nền kinh tế, xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu là 2 trong số những chỉ tiêu thuộc nhóm “hoàn thành vượt mức” khi tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tới 13,8%, gần gấp đôi so với kế hoạch 7%-8% được giao. Đặc biệt, năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam thặng dư 7,21 tỷ USD, cao hơn 3,4 lần so với con số xuất siêu của năm 2017 (2,11 tỷ USD); vượt rất xa kế hoạch “Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%” được giao; và cũng là con số xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2018 do TTXVN bình chọn.

Nguyễn Văn