Năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với tổng kim ngạch hàng hóa ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ. Ðiểm nổi bật trong xuất khẩu năm qua còn thể hiện ở sức vươn mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước cả về tốc độ tăng trưởng và giá trị, tạo nền tảng vững chắc cho xuất khẩu trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, những biến động khó lường của kinh tế thế giới dự báo sẽ gây ra không ít thách thức cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhiều điểm sáng
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kỷ lục về xuất khẩu được thiết lập trong năm 2018 không chỉ ở con số tổng kim ngạch hàng hóa mà còn có giá trị xuất siêu cao nhất từ trước đến nay, lên tới 7,2 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 2,1 tỷ USD của năm 2017, vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra (nhập siêu dưới 3%). Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, kim ngạch thương mại của nhiều nước trên thế giới suy giảm, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao là điều đáng khích lệ nhờ tăng trưởng tốt ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cụ thể, có đến 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD (chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó chín mặt hàng đạt hơn năm tỷ USD và năm mặt hàng đạt hơn 10 tỷ USD.
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng đáng ghi nhận là khu vực kinh tế trong nước (KTTN) cũng đã có những bước chuyển mạnh mẽ, thậm chí vượt qua khu vực FDI về tốc độ tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực KTTN đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9% so cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 12,9% của khu vực FDI. Về cơ cấu quy mô, tỷ trọng của khu vực KTTN cũng đã chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) chỉ còn chiếm 71,7%, giảm 0,6 điểm phần trăm so năm 2017. Vụ trưởng Thống kê Thương mại và Dịch vụ (TCTK) Nguyễn Trung Tiến cho biết: Các doanh nghiệp (DN) trong nước đang tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ,… Ðây là những mặt hàng sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, do đó mang lại giá trị gia tăng lớn cho chính DN cũng như người nông dân.
Lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu chủ lực, nhưng trong năm qua, ngành nông nghiệp đã vươn lên, trở thành điểm sáng mới. Thực tế, năm 2018 nhiều nông sản như: hồ tiêu, cà-phê, hạt điều, cao-su xuống giá so năm 2017. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Theo tính toán của TCTK, nếu giá bốn mặt hàng nêu trên ổn định như năm 2017 sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế năm 2018 thêm 1,9 tỷ USD. Những năm gần đây, quá trình cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi tập trung vào các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đã từng bước tạo vị thế mới cho nông sản Việt Nam. Ðồng thời, thị trường xuất khẩu nông sản cũng được bảo đảm và mở rộng. Xuất khẩu nông sản của nước ta hiện đứng thứ 15 thế giới và xuất sang hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh, công tác xúc tiến thương mại trong năm 2018 đã có nhiều bước chuyển tích cực, đóng góp hiệu quả cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Hơn nữa, các DN cũng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoại trừ thị trường Chi-lê, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA đều tăng như: ASEAN tăng 13,7%, Nhật Bản tăng 12,9%, Hàn Quốc tăng 23,2%,... Riêng trong nông nghiệp, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tốt đã giúp xuất khẩu nông sản đạt giá trị rất cao. Ðơn cử, sản lượng cá tra dù chỉ tăng 10,4%, nhưng giá trị xuất khẩu đã tăng hơn 27% hay sản lượng một số sản phẩm nông sản tăng mạnh như vải (tăng tới 64%), nhãn (tăng 10%)…, nhưng do tìm được thị trường xuất khẩu cho nên không còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá như các năm trước.
Chủ động ứng phó thách thức
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng xuất khẩu năm 2019 sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, dự báo kinh tế thế giới năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến tăng trưởng tiếp tục có xu hướng chậm lại. Hoạt động thương mại quốc tế ngày càng phức tạp hơn với các yếu tố khó lường bởi xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, bảo hộ mậu dịch; tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn và tình hình địa chính trị trên thế giới khó đoán, nhất là căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc;… Ðây chắc chắn sẽ là những nhân tố tác động mạnh đến hoạt động ngoại thương của nước ta, do đó, cần có sự chủ động, bám sát các diễn biến để kịp thời đưa ra các dự báo, kịch bản ứng phó cụ thể.
Ðồng thời, cần phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước đến các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng DN, trong đó tập trung nâng cao khả năng phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như: chống trợ cấp, chống bán phá giá. Từng bước thay đổi căn bản tư duy xúc tiến thương mại, tập trung vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn để đưa sản phẩm Việt Nam đến nhiều thị trường trên thế giới.
Một vấn đề khó khăn nữa là tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, ô nhiễm môi trường... diễn biến phức tạp, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, là thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế. Ðó là trình độ công nghệ thấp, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng chưa thật sự đột phá. Mặt khác, từ năm 2019, việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, bảo đảm sở hữu trí tuệ... vừa mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực nước ngoài, nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực KTTN. Trong khi đó, dù tỷ trọng xuất khẩu của khu vực KTTN đã có bước chuyển biến, nhưng nhìn về tổng thể, cán cân thương mại chủ yếu vẫn nhờ vào thặng dư của khối FDI, khu vực KTTN nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
Vì vậy, để dần lấy lại vị thế cân bằng, sẵn sàng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu, DN trong nước cần thay đổi nhận thức, chủ động đổi mới công nghệ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đầu tư xây dựng "chuỗi" sản phẩm chất lượng, an toàn, đủ sức cạnh tranh cũng như khả năng đáp ứng các "luật chơi mới". Các DN cũng cần tận dụng tốt hơn những FTA đã và sẽ được ký để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời kỳ vọng vào việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Có thể nói, liên tiếp những kỷ lục về xuất khẩu được thiết lập trong các năm gần đây đã tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng ở các năm tiếp theo, đồng thời cũng xuất hiện nhiều động lực mới mang tính nền tảng, thúc đẩy sức tăng bền vững cho xuất khẩu. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam bắt đầu thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với phạm vi và mức độ cam kết cắt giảm thuế quan sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội lớn cũng như mở rộng thị trường cho xuất khẩu.
Một động lực khác đến từ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và hiệu quả, đang diễn ra không chỉ giữa các ngành kinh tế mà còn trong nội bộ từng ngành. Cụ thể, chuyển đổi từ nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, biến đất trồng kém hiệu quả thành hồ nuôi các loài thủy sản trọng điểm dùng làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, nhất là tôm nước lợ. Hay trong lĩnh vực công nghiệp là sự chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Ngoài ra, trong năm 2019, nhiều năng lực sản xuất mới cũng được bổ sung vào nền kinh tế, như tổ hợp nhà máy ô-tô Vinfast tại Hải Phòng với công suất 250 nghìn ô-tô/năm hay hàng loạt nhà máy chế biến nông sản công suất lớn đã và sẽ đi vào hoạt động.
Theo thống kê, trong năm 2018, cả nước có tới 14 nhà máy sản xuất nông sản mới được khánh thành, ba nhà máy khác đang được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I-2019, sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cộng thêm việc phải cân đối với những chỉ tiêu vĩ mô khác như: GDP, lạm phát…, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội đã đề ra từ 7 đến 8% là hợp lý. Nếu có sự chuẩn bị tốt, thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, nắm bắt tốt cơ hội, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trong năm 2018, có năm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, bao gồm: Ðiện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê