Kết quả này đã đóng góp vào thành công trong tăng trưởng kinh tế năm 2018. Trước thềm năm mới, dù bao thách thức đang chờ đợi nhưng nhiều ý kiến vẫn lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ còn đạt được những kết quả cao hơn trong năm 2019 nếu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có những bước đi vững chức kèm các giải pháp mang tính đột phá.
Tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn
Nhìn lại những thành quả đã gặt hái được trong năm 2018, ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ, trước bối cảnh nguồn cung thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam duy trì tốt đà tăng trưởng xuất khẩu và đạt mức xuất siêu kỷ lục cho thấy, hiệu quả trong việc chuyển biến các hướng đi đúng đắn của các bộ, ngành liên quan.
Chỉ ra những điểm nổi bật về xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho hay, để có được kết quả khả quan này phải ghi nhận sự đóng góp tích cực từ kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại và nhất là ảnh hưởng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo ông Trần Thanh Hải, nhờ từng bước thực hiện hiệu quả các giải pháp khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Từ việc phụ thuộc nhiều vào biến động nhanh và mạnh trên thị trường thế giới, lạm phát đã được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
Cùng với đó, nhập khẩu hàng hóa đã được định hướng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước. Đặc biệt, cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư lần lượt năm 2016 là 1,78 tỷ USD và năm 2017 là 2,11 tỷ USD. Riêng năm 2018, thặng dư thương mại đạt ngưỡng 7,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thời gian qua, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực theo đúng định hướng, giảm thiểu vai trò của các khu vực xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường đã có sự cải thiện rất đáng kể với quan hệ thương mại và sản phẩm có mặt trên 200 quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới.
Đối với những nhóm ngành hàng lớn như 9 nhóm ngành hàng lớn của ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế tại tất cả những thị trường lớn của thế giới với kim ngạch nhiều tỷ USD. Riêng các sản phẩm có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã đạt tới 28 ngành hàng và trên 5 tỷ USD có tới 8 ngành hàng.
Điều này cho thấy, chiến lược hội nhập và tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam đã phát triển rất đúng định hướng và kịp thời. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, để đảm bảo yếu tố bền vững cho phát triển xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung cần khắc phục 3 tồn tại lớn. Theo đó, mặc dù các sản phẩm đã phát triển ở nhiều thị trường nhưng sự phát triển này chưa bền vững, đặc biệt là vấn đề về chất lượng sản phẩm chưa ổn định và chưa có sự đảm bảo về sự đồng nhất.
“Đây là trở ngại rất lớn để xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi. Điều này gắn với yêu cầu rất quan trọng để tổ chức sản xuất ngay từ nguồn và là yêu cầu ngày càng cao, không chỉ của các FTA Việt Nam ký kết mà cả trong tập quán thương mại quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm". Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự phụ thuộc vào một số thị trường trọng yếu, đặc biệt thị trường có phát triển nóng như Trung Quốc, EU tuy đang có tăng trưởng rất tốt, nhưng nếu không phát triển đa dạng sẽ gây ra những trở ngại khi có sự cố hoặc có vấn đề phụ thuộc quá nhiều cho các ngành hàng của Việt Nam.
Đáng lưu ý, việc tháo gỡ các rào cản thương mại đang là một vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Bởi, Việt Nam có thể gia tăng năng lực sản xuất, đảm bảo tiếp cận thị trường và giảm thiểu các hàng rào quan thuế. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo được chất lượng và vượt qua được hàng rào kỹ thuật thì rất khó tiếp tục phát triển bền vững tại các thị trường này.
Giải quyết những "điểm nghẽn" trong xuất khẩu
ước sang năm 2019, với mục tiêu chinh phục đỉnh cao tăng trưởng từ 7-8%, ngành công thương sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn và hạn chế trong phát triển.
Nhận định từ giới phân tích cho thấy, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019, Việt Nam cần giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước. Hàng hóa sản xuất trong nước phải thay thế được hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với đó, cần xem xét để giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì nhiều ngành hàng đang còn phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ các nước; trong đó, có Trung Quốc. Đây là vấn đề cần thiết phải được quan tâm để từ đó Việt Nam có được đầu vào đa dạng hóa, không phụ thuộc vào bất kì quốc gia nào.
Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường xây dựng vùng nguyên, nhiên vật liệu trong nước thay thế cho các nguyên vật liệu nhập khẩu. Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng các nhà máy chế biến, chế tạo nhằm tạo ra các nguyên vật liệu đầu vào và dần thay thế hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cốt lõi để hướng tới xuất khẩu bền vững là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đổi mới công nghệ, quản trị.
Bởi doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia tăng về quy mô mà chưa gia tăng về giá trị sản phẩm. Đơn cử như trong các ngành hàng, sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn như điện thoại, dệt may thì việc nhập khẩu nguyên liệu lớn, giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa tập trung phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường vẫn ở mức hạn chế.
Theo giới phân tích, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa vào các thị trường xuất khẩu lớn qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Ngoài ra, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng cần một chiến lược phát triển lâu dài.
Năm 2019 mở ra cũng là lúc thời gian thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã cận kề. Do đó, để hưởng các lợi thế từ hiệp định này, nhiều doanh nghiệp đang gấp rút tìm cách đáp ứng được các điều kiện đi kèm là chất lượng, xuất xứ hàng hóa, địa điểm sản xuất, yếu tố lao động, môi trường.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài với ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, rộng thị trường xuất khẩu.
Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp Việt cần phải nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của CPTPP để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh, khai thác được các cơ hội mà CPTPP mang lại.
Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời và nắm chắc thành công trong xuất khẩu./.