Trong cuộc họp mới đây, trả lời trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô; về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển? Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản, theo kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%. Năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.
Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung. Trong 11 tháng đầu năm nay, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,1%, thì nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 12,2%, trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm, đóng góp tới 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đây cũng là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm 46,2% tổng số vốn đăng ký; đóng vai trò dẫn dắt trong tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, ngành dệt may có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, do phần lớn các doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào. Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng rất cao như vải tự nhiên tăng 45,4%; vải tổng hợp và sợi tơ nhân tạo tăng 24,9%; quần áo mặc thường tăng gần 20%... Đáng chú ý số lượng accs nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt nam đã gia tăng mạnh mẽ. Tốc độ dịch chuyển diễn ra nhanh hơn từ đầu năm nay đối với các đơn hàng từ Hoa Kỳ.
Hoạt động sản xuất da giày cũng tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong tháng còn lại của năm 2018 và những năm tiếp theo. Việc ký kết một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành. Đặc biệt là thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường được ưu đãi thuế quan.
Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ô tô và dược phẩm đã phát huy tác dụng, ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên 16,3%, cao nhất 23 tháng; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 22,3%.
Để 2 động lực dẫn dắt gồm công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành. Theo tính toán, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong tình trạng có lúc có nơi “trên nóng, dưới lạnh”, rất cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, phải thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân (là tốt nhất). Đơn vị và các nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép”.