Các văn bản

 

QUY HOẠCH NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY

VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM

 

Mục lục

 

Quyết định của Bộ Công nghiệp số 07/2007/QĐ-BCN ngày 30 tháng 01 năm 2007 phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 

 

Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 08/TB-VPCP  ngày 21 tháng 01 năm 2002 về ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến 2010

 

Quyết định số 29/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con

Quyết định số 09/2005/QĐ-BCN ngày 04/03/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con

Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam theo mô hình công ty mẹ- công ty con  (Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-TTg  ngày 20  tháng 3  năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ

Tìm kiếm trong trang:  Ctrl +F; chuyển số văn bản;  Enter

-----------

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 07/2007/QĐ-BCN NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2007

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐIỀU CHỈNH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN 2020


 

 BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

 

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chỉnh phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Thương mại; Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng phát triển Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,

  

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng ngành công nghiệp giấy Việt Nam với công nghệ hiện đại, hình thành các khu vực sản xuất giấy, bột giấy tập trung với công suất đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2020 đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng giấy, tạo thế cạnh tranh với các thị trường trong khu vực và quốc tế.

- Xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1.800.000 tấn vào năm 2020, tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy tập trung, quy mô lớn. 

b) Mục tiêu cụ thể 

- Đến năm 2010: Trồng được 470.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 600.000 tấn bột giấy và 1.380.000 tấn giấy.

- Đến năm 2020: Trồng thêm 907.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 1.800.000 tấn bột giấy và 3.600.000 tấn giấy.

2. Quy hoạch phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch

a) Quy hoạch sản phẩm

- Tập trung sản xuất bột giấy: Để khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và sản xuất giấy, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cây nguyên liệu giấy.

- Sản xuất giấy: Khai thác hết năng lực sản xuất của các nhà máy giấy hiện có để đáp ứng đủ nhu cầu giấy in, giấy viết cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất giấy bao bì (giấy bao bì thông thường và bao bì cao cấp), giấy công nghiệp để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. 

- Xây dựng vùng nguyên liệu giấy: Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô đủ lớn, nhằm giải quyết nguyên liệu cho sản xuất giấy và tạo điều kiện cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất bột có quy mô lớn.

b) Quy hoạch theo vùng lãnh thổ

Bố trí vùng nguyên liệu và các dự án bột giấy và giấy trên toàn quốc được xác định thành 6 vùng (phụ lục số 2 kèm theo quyết định này). Tạo ra sự phát triển cân đối theo vùng lãnh thổ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.

3. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp giấy

Vốn cho đầu tư: Huy động mọi nguồn vốn tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy có quy đủ lớn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006-2020 là: 95.569 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà máy là 87.664 tỷ đồng, vốn đầu tư trồng rừng là 7.905 tỷ đồng.

4. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch

  a) Các giải pháp về công nghệ

- Thực hiện đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới thông qua nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ và các dự án hợp tác liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài.

- Đối với các dự án cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, phù hợp với điều kiện thiết bị của từng dây chuyền hiện tại.

- Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải ngành công nghiệp giấy Việt Nam, đặc biệt là công nghệ vi sinh.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu giấy trong nước.

- Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất bột giấy, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong việc chọn giống, ứng dụng công nghệ mô, hom. Ứng dụng công nghệ thâm canh, chuyên canh nhằm nâng cao năng suất cây nguyên liệu giấy.

b) Giải pháp về đầu tư

Đầu tư vùng nguyên liệu giấy:

- Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trước, sau khi vùng nguyên liệu đã sẵn sàng sẽ tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy.

- Đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lực lượng lao động, khuyến lâm, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cần được tiến hành song song với đầu tư cho vùng nguyên liệu giấy.

- Hỗ trợ các hộ gia đình vốn sản xuất và phân phối quỹ đất một cách hợp lý, bao gồm cả các loại đất có độ phì nhiêu khác nhau.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.

- Khi dự án khả thi được phê duyệt thì toàn bộ quỹ đất sản xuất lâm nghiệp trong vùng quy hoạch được huy động tối đa để trồng rừng nguyên liệu giấy. Xây dựng quy chế về tổ chức triển khai, giám sát để các cấp chính quyền, các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành.

Đầu tư các nhà máy bột giấy và giấy:

- Đối với các dự án đầu tư mới: Đầu tư mới các dự án nhà máy sản xuất bột giấy có công suất lớn để ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện về các chỉ tiêu kinh tế và bảo vệ môi trư­ờng. Các dự án này cần được quy hoạch đầu tư tại vùng nguyên liệu trọng điểm, đầu tư­theo từng giai đoạn.

- Đối với các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu: Vừa thực hiện mở rộng sản xuất, đa dạng hoá mặt hàng, vừa tiến hành nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, huy động năng lực quản lý và lao động kỹ thuật sẵn có một cách hiệu quả.

 c) Giải pháp về tài chính, tín dụng

- Sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu các công ty sản xuất hiện có, để huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy. Nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư bao gồm: vốn ngân sách, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, ngoài ra còn các nguồn vốn khác như vốn ODA, vay thương mại trong và ngoài nước, vốn FDI...

Bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các dự án sản xuất bột giấy.

d) Giải pháp về đào tạo lao động kỹ thuật và nguồn nhân lực

- Áp dụng song song các giải pháp đào tạo lại và đào tạo mới.

- Đối với đào tạo lại tổ chức các lớp học ngắn hạn tại các trường đào tạo nghề giấy, hoặc tại các vùng công nghiệp tập trung, gửi công nhân và cán bộ kỹ thuật đi bổ túc ngắn hạn tại nước ngoài.

- Đối với đào tạo mới: Đào tạo các khoá học chính quy tại các trường đào tạo nghề giấy, tuyển sinh hàng năm.

- Đối với trình độ đại học trở lên đào tạo chính quy tại các trường đại học trong nước và nước ngoài.

 Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phát triển ngành theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thương mại; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng phát triển Việt Nam theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương trong việc triển khai quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá quy hoạch phát triển ngành giấy trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tham gia với các Bộ, Ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển vùng trồng nguyên liệu giấy trong địa bàn phù hợp với Quy hoạch được duyệt và khai thác vận chuyển nguyên liệu giấy.

4. Hiệp hội giấy Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghiệp thực hiện Quy hoạch bằng các hình thức: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng các doanh nghiệp ngành công nghiệp giấy cả nước để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.

Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách, cơ chế để phát triển ngành công nghiệp giấy theo Quy hoạch.

5. Tổng công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp chủ đạo của ngành có trách nhiệm phát triển đầu tư những dự án sản xuất bột giấy và giấy có quy mô lớn.

Phối hợp với Hiệp hội giấy nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước các chính sách, cơ chế để phát triển ngành công nghiệp giấy theo Quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

THÔNG BÁO CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 08/TB-VPCP

NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA

THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂNNGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY VIỆT NAM GẮN VỚI PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU TỪ NAY ĐẾN 2010

 

Ngày 26 tháng 11 năm 2001, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì cuộc họp về Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến năm 2010. Tham dự họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; lãnh đạo các Bộ, ngành: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện các Bộ: Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành; Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận:

1. Những năm qua, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển tương đối nhanh, huy động được các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh phát triển đúng hướng, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước; Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện được vai trò nòng cốt, khẳng định được vị thế chủ đạo đối với thị trường trong nước, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, mặt hạn chế làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành giấy nói chung và của Tổng công ty Giấy nói riêng là:

- Các dự án xây dựng nhà máy còn chưa chú trọng gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, tình trạng mất cần đối về nguyên liệu vẫn xảy ra. Việc quy hoạch phát triển vùng trồng cây nguyên liệu làm còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu sản xuất trước mắt và những năm sắp tới.

- Triển khai các dự án đầu tư phát triển còn chưa tính đầy đủ, cân đối tổng thể các mặt về sự bền vững lâu dài về hiệu quả kinh tế và xã hội; việc chuẩn bị đầu tư những dự án cụ thể còn chưa dự kiến hết các yếu tố phát sinh, nhất là về vốn và kỹ thuật, do vậy thường bị động từ khâu lập, xét duyệt đến khâu triển khai thực hiện dự án, dẫn tới tình trạng kéo dài và thường phải điều chỉnh.

2. Về nội dung Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến 2010.

Nội dung Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến năm 2010 do Tổng công ty Giấy Việt Nam xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tham gia, về cơ bản đã bám sát thực tế, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, nhằm phát huy tối đa nội lực, lợi thế so sánh của nước ta để thực hiện mục tiêu: đảm bảo nhu cầu về giấy các loại cho tiêu dùng trong nước và có sản phẩm xuất khẩu; đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

a) Về Chương trình phát triển vùng nguyên liệu giấy đến năm 2010:

- Chương trình phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp giấy có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành giấy ở nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương cùng Bộ Công nghiệp triển khai thực hiện việc Quy hoạch vùng rừng nguyên liệu giấy gắn liền với mục tiêu trồng rừng, tạo rào cản đầu nguồn, phòng chống bão lụt, chống soái mòn và bảo vệ đất canh tác cho miền xuôi, tạo thêm việc làm, thu nhập, góp phần cải thiện điều kiện sống của đồng bào các dân tộc vùng cao; đồng thời, bảo đảm thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy giấy.

- Hiện nay, năng suất cây rừng của nước ta đang ở mức rất thấp. Việc chuẩn bị tốt nguồn cung cấp giống mới có năng suất cao hơn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn là vấn đề cấp thiết, phải nhanh chóng tổ chức thực hiện.

- Trong thời gian tới cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu giấy tập trung ở một số khu vực là: Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và có thể một phần vùng nguyên liệu thuộc Yên Bái, Bắc Giang; đồng thời tiếp tục nghiên cứu khả năng phát triển vùng nguyên liệu giấy, làm bột giấy tại một số địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu; nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu với quy mô nhỏ, sản phẩm không đòi hỏi chất lượng cao, phù hợp với năng lực quản lý, sử dụng lao động tại địa phương. Ở Bình Phước, nếu quy hoạch vùng nguyên liệu, thì hướng chủ yếu là để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy giấy Đồng Nai.

- Trước mắt, tạm thời cho phép khai thác gỗ rừng trồng để sản xuất gỗ xuất khẩu. Sau khi hoàn thiện quy hoạch các vùng nguyên liệu, sẽ tập trung cho nhiệm vụ sản xuất và xuất khẩu bột giấy nguyên liệu, chấm dứt hình thức xuất khẩu dăm gỗ như hiện nay.

b) Định hướng phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010:

- Đến năm 2010, sản lượng giấy của toàn ngành tối thiểu phải đạt trên 1,4 triệu tấn giấy và 1,9 triệu tấn bột, trong đó Tổng công ty Giấy Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng sản xuất giấy và bột giấy toàn ngành; đảm bảo chủ động đủ bột giấy cho sản xuất giấy các loại để hạn chế tối đa nhập khẩu, tiến tới có thể xuất khẩu.

- Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam phải đảm bảo tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới, có biện pháp ràng buộc đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ để chúng ta vươn lên chủ động sản xuất từng phần hoặc toàn bộ thiết bị sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ để sản xuất giấy như trước đây.

- Đồng thời với việc tập trung xây dựng những nhà máy có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao; cần đẩy mạnh chủ chương xã hội hoá đối với ngành giấy; Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối (khoảng 51%), số cổ phẩn còn lại sẽ áp dụng hình thức cổ phần hoá, huy động nguồn vốn trong xã hội. Việc bán cổ phần sẽ được ưu tiên cho các đối tượng là cán bộ công nhân viên đang công tác tại nhà máy, các hợp tác xã và các hộ nông dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và tranh thủ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển ngành giấy.

- Khi xem xét xây dựng các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy ở những địa phương có vùng nguyên liệu rộng lớn, ngoài các yếu tố kinh tế, xã hội, phải thấy rõ đặc thù của ngành giấy là lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, chi phí xử lý môi trường rất lớn (chiếm từ 20% - 25% tổng chi phí đầu tư), nhất là đối với nhà máy có công suất càng thấp thì suất đầu tư càng cao và khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước sẽ rất thấp. Do vậy, việc quyết định đầu tư từng dự án phải được xem xét cụ thể để bảo đảm hiệu quả lâu dài.

3. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành và Tổng công ty Giấy Việt Nam:

a) Bộ Công nghiệp:

- Chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan về xây dựng Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy gắn với phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2010, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2002.

- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển, nghiên cứu và đề xuất cụ thể các kiến nghị của Tổng công ty Giấy Việt Nam về chính sách ưu đãi đối với một số lĩnh vực đầu tư và sản xuất, kinh doanh bột giấy và giấy; hỗ trợ, nghiên cứu ứng dụng giống cây mới cho công nghiệp giấy, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam:

+ Xây dựng thêm vườn ươm, ứng dụng nghiên cứu khoa học, tạo thêm nhiều giống cây mới để nâng cao năng suất và hiệu suất cây trồng.

+ Tổ chức và chỉ đạo việc trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu của các hộ nông dân đã trồng trên diện tích rừng được giao với giá cả hợp lý, để người dân yên tâm trồng rừng; đồng thời ổn định lâu dài về nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy trong toàn ngành.

+ Đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mua cổ phần của các công ty, nhà máy đang sản xuất. Việc đầu tư mới các nhà máy giấy, các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty cần hình thành công ty cổ phần ngay từ đầu.

b) Tổng công ty Giấy Việt Nam.

- Trên cơ sở đánh giá, phân loại cơ cấu sản phẩm cụ thể, cần tập trung đầu tư sản xuất, nâng cấp và mở rộng các nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng và các loại giấy chất lượng cao, công suất lớn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: nâng cấp mở rộng Công ty Giấy Bãi Bằng (giai đoạn I và II), Nhà máy bột giấy Kon Tum và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy bột giấy Thanh Hoá.

- Đối với Dự án nhà máy giấy Đồng Nai cần có phương án chặt chẽ về hiệu quả kinh tế và nguồn nguyên liệu, bảo đảm hoạt động của nhà máy có hiệu quả lâu dài.

- Khẩn trương rà soát lại và hoàn thiện những dự án mới do Tổng công ty đề xuất trong Quy hoạch phát triển ngành và của Tổng công ty từ nay đến 2010 để bắt đầu xây dựng từ năm 2002 và có thể sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao trước năm 2010. Những dự án này, ngoài việc phải sử dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả đầu tư, trước hết phải bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất lâu dài; đồng thời, địa điểm xây dựng nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất và áp dụng các giống cây mới cho năng suất cao để chuẩn bị tốt nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy trong tương lai.

- Tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất tiên tiến nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh khi nước ta hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới. Cho phép Tổng công ty tiếp tục đàm phán, thương thảo với Nhà sản xuất giấy ở nước ngoài về việc mua máy móc thiết bị, dây chuyền hiện đại theo phương thức trả dần, trả chậm và chuyển giao công nghệ sạch (không ô nhiễm môi trường) hoặc mua thiết kế, kết hợp với việc tổ chức sản xuất trong nước một số bộ phận của dây chuyền, thiết bị lẻ và phụ kiện thay thế, nhằm tiết kiệm ngoại tệ; tạo nhanh các điều kiện cho công nghiệp cơ khí trong nước phát triển vươn lên làm lấy là chủ yếu; Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí để Tổng công ty thực hiện tốt việc này, làm cơ sở áp dụng cho các dự án mới sau này trong toàn ngành.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ trì, chịu trách nhiệm nghiên cứu, cân đối và hoàn thiện quy hoạch rừng, dành quỹ đất phục vụ cho chương trình trồng rừng cây nguyên liệu giấy để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài các vùng rừng nguyên liệu giấy thuần chủng. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ mới và đưa nhanh những tiến bộ mới về kỹ thuật đến nông dân trồng cây nguyên liệu giấy. Trong quá trình quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu giấy, phải chú ý tới việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông từ vùng nguyên liệu đến nhà máy, cơ sở chế biến bột giấy và giấy, nhằm giảm tối đa chi phí vận tải, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Phối hợp Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có vùng nguyên liệu khẩn trương điều tra, nghiên cứu, lập Đề án quy hoạch vùng nguyên liệu giấy; đề xuất chính sách ưu đãi khuyến khích nông dân các địa phương tham gia phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất bột giấy và giấy. Thực hiện tốt chính sách giao đất giao rừng; gắn đất rừng với từng hộ nông dân, khuyến khích lợi ích vật chất với trách nhiệm người trồng rừng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, gắn phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng.

d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương:

Căn cứ Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và Tổng công ty Giấy Việt Nam triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy và giấy trên địa bàn địa phương.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và Tổng công ty Giấy Việt Nam biết, thực hiện.

 

 

Quyết định số 29/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 14/1999/QH10 ngày 12 tháng 6    năm 1999;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước số 14/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức, quản lý Tổng công ty nhà nước và chuyển đổi Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH :

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với nội dung sau:

1. Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) là công ty nhà nước, được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Bãi Bằng.

2. Các công ty con, bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

- Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nguyên liệu và Bột giấy Thanh Hoá;

- Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam.

b) Công ty cổ phần mà Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối:

- Công ty cổ phần Giấy Tân Mai;

- Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai;

- Công ty cổ phần Giấy Bình An;

- Công ty cổ phần Giấy Việt Trì;

- Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà;

- Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ.

3. Công ty liên kết:

- Công ty cổ phần Nhất Nam;

- Công ty cổ phần In Phúc Yên;

- Công ty cổ phần May Diêm Sài Gòn;

- Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất;

- Công ty cổ phần Giấy Vạn Điểm.

4. Tổng công ty Giấy Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thực hiện hạch toán kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết theo Điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế tài chính của công ty mẹ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức quản lý của công ty mẹ gồm: Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

 

Điều 2. Phân công nhiệm vụ:

 

1. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; quyết định thành lập công ty mẹ; các công ty con nói tại Điều 1 Quyết định này theo quy định hiện hành.

 

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính: phê duyệt Quy chế tài chính của Công ty mẹ.

 

3. Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ.

 

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Bộ trưởng các Bộ: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Quyết định số 09/2005/QĐ-BCN 04/3/2005 của  Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Namsang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vàcơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổitổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ -công ty con:

Căn cứ Quyết định số 29/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2005của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang môhình công ty mẹ - công ty con;

Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy ViệtNam tại Công văn số 168/CV-HĐQT ngày 28 tháng 02 năm 2005 về việc chuyển Tổngcông ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,

Quyết định

Điều 1. Chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

1. Công ty mẹ được hình thànhtrên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty, Công ty Giấy Bãi Bằng vàcác đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty Giấy Việt Nam, bao gồm: Viện Côngnghiệp giấy và xenluylô, Trung tâm Nghiên cứu cây nguyên liệu và Trường đàotạo nghề giấy.

Công ty mẹ là công ty nhà nướcthực hiện hạch toán kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công tyliên kết theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, theo Điều lệ tổ chức, hoạt độngvà Quy chế tài chính của Công ty mẹ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyềnphê duyệt.

2. Công ty mẹ có:

a) Tên gọi: Tổng công ty Giấy ViệtNam;

b) Tên giao dịch quốc tế: VIETNAMPAPER CORPORATION;

c) Tên viết tắt: VINAPACO;

d) Trụ sở chính: Số 25 Lý ThườngKiệt - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội;

đ) Vốn điều lệ tại thời điểm 31tháng 12 năm 2004: 1.045,865 tỷ đồng.

3. Tổ chức quản lý của Công ty mẹbao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó Tổnggiám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

4. Ngành nghề kinh doanh chính củaCông ty mẹ:

a) Sản xuất, kinh doanh các loạigiấy, xenluylô, các sản phẩm từ giấy, nguyên liệu giấy, dăm mảnh, văn phòngphẩm, hoá chất, vật tư, thiết bị phụ tùng phục vụ ngành giấy;

b) Khai thác, chế biến, kinh doanhcác loại nông, lâm sản, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ (gỗ dán, vánép, bút chì, đũa, đồ mộc);

c) Sản xuất, kinh doanh ngành in, cácsản phẩm văn hoá phẩm, xuất bản phẩm, các sản phẩm may mặc, da giầy, cácmặt hàng từ chất dẻo;

d) Thiết kế, thi công, xây lắp phụcvụ lâm nghiệp, khai hoang, trồng rừng khai thác rừng, khoanh nuôi là giầu rừng,thuỷ lợi nhỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp; quản lý, bảo vệ, xây dựngvà phát triển vốn rừng,

đ) Kinh doanh sắt thép đặc chủngsử dụng cho ngành giấy; sửa chữa các thiết bị, nhà xưởng sản xuất xuấtgiấy; sản xuất, lắp đặt thiết bị phụ trợ, kết cấu kim loại ngành côngnghiệp (cơ và điện);

e) Kinh doanh phụ tùng xe máy chuyêndụng để bốc xếp, vận chuyển nguyên liệu; dịch vụ thiết bị vật tư xăngdầu; sửa chữa xe máy; dịch vụ khoa học công nghệ, vật tư kỹ thuật và phụcvụ đời sống; dịch vụ vận tải lâm sản và bốc xếp hàng hoá vật tư;

g) Xuất nhập khẩu sản phẩm giấy,xenluylô, lâm sản, thiết bị, vật tư, hoá chất và các loại hàng hóa khácphục vụ cho sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ;

h) Sản xuất và kinh doanh điện;

i) Kinh doanh nhà khách, khách sạnvà các dịch vụ kèm theo; dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở, nhà xưởng khobãi; kinh doanh tổ chức dịch vụ, đăng cai các hoạt động văn hoá, thể thao,vui chơi, giải trí; dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế:

k) Nghiên cứu khoa học và côngnghệ, thực hiện các dịch vụ thông tin, đào tạo, tư vấn đầu tư, thiết kếcông nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong các lĩnh vực: nguyênliệu, phụ liệu, thiết bị phụ tùng, các sản phẩm giấy, xenluylô, nông, lâmnghiệp; sản xuất thử nghiệm và sản xuất lô nhỏ các mặt hàng từ kết quảnghiên cứu; nghiên cứu cây nguyên liệu và các vấn đề lâm sinh xã hội vàmôi trường có liên quan đến nghề rừng;

l) Đào tạo công nhân kỹ thuậtcông nghệ và cơ điện phục vụ sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệpgiấy; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và quản lý điềuhành của các doanh nghiệp sản xuất giấy và tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra nângbậc cho công nhân; hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu vàsản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để đa dạng hoá các loại hình đạotạo, tổ chức lao động sản xuất, dịch vụ gắn với đào tạo;

m) Kinh doanh các ngành nghề khácphù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 2. Công ty convà công ty liên kết:

1. Các công ty con, bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn mộtthành viên:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn nhànước một thành viên Nguyên liệu và Bột giấy Thanh Hoá,

- Công ty trách nhiệm hữu hạn nhànước một thành viên Nguyên liệu Giấy miền Nam.

b) Công ty cổ phần mà Công ty mẹgiữ cổ phần chi phối:

- Công ty cổ phần Giấy Tân Mai,

- Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai,

- Công ty cổ phần Giấy Bình An,

- Công ty cổ phần Giấy Việt Trì,

- Công ty cổ phần Văn phòng phẩmHồng Hà,

- Công ty cổ phần Giấy Hoàng VănThụ.

2. Công ty liên kết:

- Công ty cổ phần Nhất Nam,

- Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất,

- Công ty cổ phần May - Diêm SàiGòn,

- Công ty cổ phần In Phúc Yên,

- Công ty cổ phần Giấy Vạn Điểm.

Điều 3. Các đơnvị sự nghiệp của Tổng công ty Giấy Việt Nam là Viện Công nghiệp giấyxenluylô, Trung tâm Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy và Trường Đào tạo nghềgiấy trở thành các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty mẹ.

Điều 4. Hội đồngquản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam có trách nhiệm:

1. Xây dựng Điều lệ tổ chức vàhoạt động của Công ty mẹ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ;

2. Xây dựng Quy chế tài chính củaCông ty mẹ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt;

3. Xây dựng phương án chuyển đổihình thành các công ty con trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt, quyếtđịnh.

Điều 5. Quyết địnhnày có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh traBộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, TổngGiám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Bãi Bằng,Viện trưởng Viện Công Nghiệp giấy xenluylô, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứucây nguyên liệu giấy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề giấy và Thủ trưởngcác đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM THEO MÔ HÌNH

CÔNG TY MẸ - CÔNG TY CON

(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-TTg

 ngày 20  tháng 3  năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ

Trong Điều lệ này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công ty mẹ là Tổng công ty Giấy Việt Nam.

2. Công ty con là công ty do công ty mẹ sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, nắm cổ phần, vốn góp chi phối, là đơn vị thành viên của công ty mẹ, bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

c) Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

d) Công ty thành viên hạch toán độc lập chưa chuyển đổi hình thức pháp lý hay sở hữu, do công ty mẹ nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước;

đ) Công ty liên doanh với nước ngoài, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

e) Công ty ở nước ngoài, hoạt động theo pháp luật nước ngoài và các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài;

g) Các loại hình công ty khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Công ty liên kết là công ty mà công ty mẹ có cổ phần, vốn góp không chi phối, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài và các quy định pháp luật có liên quan.

4. Quyền chi phối là quyền quyết định hoặc tác động của công ty mẹ đến các công ty con, công ty liên kết về Điều lệ hoạt động, nhân sự chủ chốt, tổ chức bộ máy quản lý, thị trường tiêu thụ, chiến lược kinh doanh, định hướng đầu tư và các vấn đề quan trọng khác được quy định tại Điều lệ của công ty con, công ty liên kết và quy định của pháp luật.

Điều kiện để công ty mẹ có quyền chi phối các công ty con là công ty mẹ với tư cách chủ sở hữu, cổ đông, thành viên góp vốn trên 50% vốn điều lệ của các công ty con.

Điều kiện để công ty mẹ có quyền chi phối các công ty liên kết là công ty mẹ nắm quyền sở hữu: "thương hiệu sản phẩm", "bí quyết công nghệ", "thị trường tiêu thụ" của các công ty liên kết này và được ghi trong Điều lệ của công ty liên kết.

5. Cổ phần chi phối, vốn góp chi phối là cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty mẹ chiếm trên năm mươi phần trăm (50%) vốn điều lệ của công ty con hoặc tỷ lệ nhỏ hơn mà theo quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty đủ để công ty mẹ thực hiện quyền chi phối với công ty đó.

6. Đầu tư ra ngoài công ty mẹ là hoạt động đầu tư vốn của công ty mẹ vào vốn điều lệ của các công ty con, công ty liên kết và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

7. Lợi nhuận đầu tư là lợi nhuận mà công ty mẹ nhận được từ các hoạt động đầu tư của công ty mẹ.

8. Tổ hợp công ty mẹ - công ty con là tổ hợp các doanh nghiệp bao gồm công ty mẹ và các công ty con. Tổ hợp công ty mẹ - công ty con không có tư cách pháp nhân.

Điều 2. Tên và trụ sở của Công ty mẹ

1. Tên hợp pháp: Tổng công ty Giấy Việt Nam.

2. Tên giao dịch bằng tiếng Anh: VIETNAM PAPER CORPORATION; viết tắt là VINAPACO; sau đây, trong Điều lệ này, gọi tắt Công ty mẹ là VINAPACO.

4. Trụ sở chính: 25 Lý Thường Kiệt , quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điều 3. Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân của VINAPACO.

1. VINAPACO là công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

2. VINAPACO có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ  tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. VINAPACO có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản của mình.

4. VINAPACO có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với tên gọi, biểu tượng riêng của mình theo quy định của pháp luật.

5. VINAPACO có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Bãi Bằng thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam trước đây.

Điều 4. Mục tiêu và ngành nghề kinh doanh của VINAPACO.

1. Mục tiêu hoạt động của VINAPACO là:

a) Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại VINAPACO và tại các doanh nghiệp khác;

b) Tối đa hoá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và Tổ hợp công ty mẹ - công ty con;

c) Phát triển thành một công ty nhà nước mạnh, có tiềm lực về tài chính, phương pháp quản lý, điều hành tiên tiến để giữ vai trò chủ đạo, chi phối, hỗ trợ và liên kết các hoạt động với các công ty con, công ty liên kết;

d) Hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là sản xuất giấy các loại, bột giấy và trồng, chăm sóc rừng nguyên liệu giấy;

đ) Nâng cao chất lượng và mở rộng sản phẩm giấy các loại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng sản phẩm giấy trên thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

2. Ngành, nghề kinh doanh của VINAPACO gồm:

a) Đầu tư, quản lý vốn đầu tư và trực tiếp sản xuất kinh doanh trong các ngành, nghề, lĩnh vực chính là:

- Sản xuất, kinh doanh các loại giấy, bột giấy, các sản phẩm từ giấy, nguyên liệu giấy, dăm mảnh, văn phòng phẩm, hoá chất, vật tư, thiết bị, phụ tùng phục vụ ngành giấy và chế biến gỗ;

- Khai thác, chế biến, kinh doanh các loại nông, lâm sản, gỗ và các loại sản phẩm chế biến từ gỗ (gỗ dán, ván ép, bút chì, đũa, đồ mộc);

- Sản xuất, kinh doanh ngành in, các sản phẩm văn hoá phẩm, xuất bản phẩm, các sản phẩm may mặc, da giầy, các mặt hàng từ chất dẻo;

- Thiết kế, thi công, xây lắp phục vụ lâm nghiệp, khai hoang, trồng rừng, khai thác rừng, khoanh nuôi làm giàu rừng, thuỷ lợi nhỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp; quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng;

- Kinh doanh sắt thép đặc chủng sử dụng cho ngành giấy; sửa chữa các thiết bị, nhà xưởng sản xuất giấy; sản xuất, lắp đặt thiết bị phụ trợ, kết cấu kim loại ngành công nghiệp (cơ và điện);

- Kinh doanh phụ tùng xe máy chuyên dụng để bốc xếp, vận chuyển nguyên liệu; dịch vụ thiết bị vật tư xăng dầu; sửa chữa xe máy; dịch vụ khoa học công nghệ, vật tư kỹ thuật và phục vụ đời sống; dịch vụ vận tải lâm sản và bốc xếp hàng hoá vật tư;

- Xuất nhập khẩu sản phẩm giấy, bột giấy, lâm sản, thiết bị, vật tư, hoá chất và các loại hàng hoá khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ;

- Sản xuất và kinh doanh điện;

- Kinh doanh nhà khách, khách sạn và các dịch vụ kèm theo; dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở, nhà xưởng kho bãi; kinh doanh tổ chức dịch vụ, đăng cai các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí; dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế;

- Nghiên cứu khoa học và công nghệ, thực hiện các dịch vụ thông tin, đào tạo, tư vấn đầu tư, thiết kế công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong các lĩnh vực: nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị phụ tùng, các sản phẩm giấy, bột giấy, nông, lâm nghiệp; sản xuất thử nghiệm và sản xuất lô nhỏ các mặt hàng từ kết quả nghiên cứu; nghiên cứu cây nguyên liệu và các vấn đề lâm sinh xã hội và môi trường có liên quan đến nghề rừng;

- Đào tạo công nhân kỹ thuật công nghệ và cơ điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh của ngành công nghiêp giấy và lâm nghiệp; bỗi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và quản lý điều hành của các doanh nghiệp sản xuất giấy và tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra nâng bậc cho công nhân; hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để đa dạng hoá các loại hình đào tạo, tổ chức lao động sản xuất, dịch vụ gắn với đào tạo;

- Kinh doanh các ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật.

b) Đầu tư, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu , cổ đông, thành viên góp vốn tại các công ty con, công ty liên kết.

Điều 5. Vốn điều lệ của VINAPACO

1. Vốn điều lệ của VINAPACO được xác định tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2005 là: 1.045,865 tỷ đồng. Khi tăng hoặc giảm vốn điều lệ, VINAPACO đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và công bố vốn điều lệ đã điều chỉnh.

Vốn điều lệ của VINAPACO tại thời điểm chuyển đổi gồm vốn tại: Văn phòng Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Giấy Bãi Bằng, các đơn vị sự nghiệp, các công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty và phần vốn nhà nước tại các công ty thành viên đã cổ phần hoá.

2. Vốn của VINAPACO bao gồm: vốn do nhà nước đầu tư, vốn tự bổ sung từ kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) tại công ty mẹ và đầu tư ở các công ty con, công ty liên kết.

3. Tổng vốn, các nguồn vốn và bất kỳ sự tăng giảm vốn của VINAPACO được phản ánh trong bảng cân đối kế toán của VINAPACO theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu.

 Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của VINAPACO. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại VINAPACO.

Điều 7. Đại diện theo pháp luật của VINAPACO.

Người đại diện theo pháp luật của VINAPACO là Tổng giám đốc VINAPACO.

Điều 8. Quan hệ của VINAPACO với các cơ quan nhà nước

 VINAPACO chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước các cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong VINAPACO

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong VINAPACO hoạt động theo hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội trong VINAPACO hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA VINAPACO

Điều 10. Quyền của VINAPACO trong kinh doanh 

1. Chiếm hữu, sử dụng vốn và tài sản của VINAPACO để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của VINAPACO.

2.    Định đoạt đối với vốn và tài sản của VINAPACO theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.    Quản lý và sử dụng các tài sản là đất đai, mặt nước, tài nguyên do nhà nước đầu tư cho thuê là đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên.

4. Chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của VINAPACO, trừ những tài sản thuộc quyền quyết định của đại diện chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định khác.

5. Đầu tư ra ngoài VINAPACO dưới các hình thức mua trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, góp vốn, chuyển nhượng vốn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

6. Quyết định tỷ lệ sở hữu của VINAPACO khi thực hiện chuyển đổi sở hữu tại các công ty con là công ty nhà nước chưa thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết dựa trên cơ sở Điều lệ này, Quy chế tài chính của VINAPACO, Điều lệ của các công ty con, công ty liên kết và quy định của pháp luật.

8. Ngoài những ngành nghề do nhà nước giao, được kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng của VINAPACO và nhu cầu của thị trường.

9. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

10. Tự lựa chọn thị trường, khách hàng, ký kết hợp đồng.

11. Trực tiếp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, trừ những mặt hàng không được xuất khẩu và nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

12. Đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của VINAPACO ở trong nước, ở nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật.

13. Tự quyết định giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ, trừ những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá.

14. Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, sử dụng vốn, tài sản của VINAPACO để liên doanh, liên kết, góp vốn theo quy định của pháp luật; lựa chọn phương án đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư thành lập các công ty con, công ty liên kết mới; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác và các hình thức đầu tư khác ra ngoài VINAPACO.

15. Có quyền từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.

16. Có quyền khước từ việc thanh tra, kiểm tra không theo đúng quy định của pháp luật.

17. Cử cán bộ, nhân viên ra nước ngoài học tập, công tác; mời và tiếp đón đối tác kinh doanh nước ngoài.

18. Tuyển chọn, thuê mướn, bố trí, sử dụng, đào tạo lao động; lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng và có các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác của pháp luật; được quyền quyết định mức lương và thưởng cho người lao động trên cơ sở các đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm hoặc chi phí dịch vụ và hiệu quả hoạt động của VINAPACO.

19. Xây dựng, áp dụng các định mức lao động, vật tư, đơn giá tiền lương và chi phí khác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của VINAPACO và phù hợp với các quy định của pháp luật.

20. Được bảo hộ đối với tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp, tên gọi, biểu tượng của VINAPACO theo quy định của pháp luật.

21. Tự huy động vốn để kinh doanh dưới các hình thức: phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu VINAPACO; vay vốn của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài VINAPACO; huy động vốn của người lao động trong VINAPACO và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu đối với VINAPACO.

22. Tự quyết định mức trích khấu hao để thu hồi vốn nhanh nhưng tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình thực tế của tài sản và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu theo quy định của pháp luật.

23. Sử dụng vốn và các quỹ cho hoạt động kinh doanh của VINAPACO, việc sử dụng các quỹ của VINAPACO được thực hiện theo nguyên tắc có hoàn trả.

24. Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Các khoản tiền thưởng này được hạch toán vào chi phí kinh doanh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của VINAPACO nhờ các sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý, công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, chi phí đem lại.

25. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế đội ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước mà không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của VINAPACO.

26. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư hoặc tái đầu tư theo quy định của pháp luật.

27. Sau khi đã nộp thuế và bù đắp các khoản lỗ năm trước không được trừ vào lợi nhuận trước thuế, VINAPACO được quyền sử dụng lợi nhuận thực hiện của mình và lợi nhuận đầu tư thu được từ việc đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để trích lập quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng mất việc làm, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo, quỹ Tổng giám đốc và các quỹ khác theo quy định của Quy chế tài chính của VINAPACO, phần còn lại được dùng để đầu tư bổ sung vốn cho VINAPACO. Nguyên tắc, mức trích nộp và sử dụng theo quy định của Quy chế tài chính của VINAPACO và quy định pháp luật.

28. Được quyền sử dụng phần vốn của Nhà nước thu về do chuyển đổi sở hữu, bán và thanh lý các tài sản của các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết.

29. Quyết định cử, thay đổi, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, phụ cấp và các lợi ích khác có liên quan đối với người đại diện phần vốn góp của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết theo quy định của Điều lệ này và quy định của pháp luật.

30. Quyết định việc đầu tư, góp vốn; điều chỉnh tỷ lệ, tăng, giảm vốn đầu tư, vốn góp của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết.

31. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đầu tư ra ngoài VINAPACO.

32. Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn đầu tư ở các công ty con, công ty liên kết.

33. Được xem xét đầu tư bổ sung vốn tương ứng với nhiệm vụ công ích được đặt hàng, giao kế hoạch của Nhà nước.

34. Được bù đắp chi phí hợp lý phục vụ hoạt động công ích và đảm bảo lợi ích cho người lao động. Trường hợp các khoản thu không đủ bù đắp chi phí hợp lý thì được ngân sách cấp bù phần chênh lệch và bảo đảm lợi ích thoả đáng cho người lao động.

35. Được xây dựng, áp dụng các định mức chi phí, đơn giá tiền lương trong giá thực hiện thầu, trong dự toán do nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

36. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Nghĩa vụ của VINAPACO trong kinh doanh

1. Sử dụng có hiệu quả, tối ưu hoá lợi nhuận từ các nguồn vốn, đất đai và các nguồn lực khác do nhà nước đầu tư.

2. Chịu trách nhiệm dân sự bằng toàn bộ tài sản của VINAPACO.

3. Nhà nước không điều chuyển vốn nhà nước đầu tư tại VINAPACO và vốn, tài sản của VINAPACO theo phương thức không thanh toán, trừ trường hợp quyết định tổ chức lại VINAPACO hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích.

4. Đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký; bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ do VINAPACO thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký.

5. Xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh của VINAPACO và định hướng chiến lược của các công ty con.

6. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

7. Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thức quản lý.

8. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật và báo cáo bất thường theo yêu cầu của đại diện chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo.

9. Thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm cho người lao động tham gia quản lý VINAPACO;

10. Chịu sự kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu; tuân thủ các quy định về thanh tra của cơ quan tài chính và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

11. Chịu trách nhiệm trước đại diện chủ sở hữu về việc sử dụng vốn để tham gia các dự án đầu tư, thành lập các công ty con, công ty liên kết mới và các hình thức đầu tư khác ra ngoài VINAPACO.

12. Kinh doanh có lãi, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư do đại diện chủ sở hữu giao.

13. Tự chủ về tài chính, tự chủ cân đối các khoản thu chi, sử dụng có hiệu quả vốn kinh doanh kể cả phần vốn góp vào các công ty con, công ty liên kết.

14. Đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

15. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn kinh doanh (bao gồm cả phần vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết), đất đai, mặt nước, tài nguyên và các nguồn lực khác do nhà nước đầu tư cho VINAPACO.

16. Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các hoạt động công ích trên cơ sở hợp đồng và những nhiệm vụ đặc biệt khác khi nhà nước yêu cầu.

17. Thực hiện đúng chế độ và các quy định về quản lý vốn, tài sản, các quỹ về kế toán, hạch toán, chế độ kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp của các hoạt động tài chính của VINAPACO.

18. Thực hiện chế độ báo cáo tài chính của VINAPACO; báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết; công khai tài chính hàng năm và các thông tin khác để đánh giá trung thực về hoạt động của VINAPACO.

19. Lập sổ kế toán, ghi chép sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ; định kỳ báo cáo chính xác, đầy đủ các thông tin về VINAPACO và báo cáo tài chính của VINAPACO với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan tài chính và đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo.

20. Tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ công ích đúng đối tượng, theo giá và phí do nhà nước quy định đối với các hoạt động công ích theo đặt hàng hoặc giao kế hoạch của Nhà nước.

21. Chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ công ích do VINAPACO thực hiện.

22. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật .

Điều 12. Nghĩa vụ và trách nhiệm của VINAPACO đối với công ty con, công ty liên kết

1. VINAPACO có nghĩa vụ với tổ hợp công ty mẹ - công ty con như sau:

a) Bảo đảm việc định hướng chiến lược kinh doanh chung của tổ hợp công ty mẹ - công ty con phù hợp với Điều lệ của VINAPACO và Điều lệ của các công ty con;

b) Phối hợp giữa các doanh nghiệp trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con để tìm kiếm, cung cấp nguồn đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà từng doanh nghiệp đơn lẻ không có khả năng thực hiện, thực hiện không có hiệu quả hoặc giảm hiệu quả thấp hơn so với khi có sự phối hợp của tổ hợp công ty mẹ - công ty con;

c) Hạn chế tình trạng đầu tư, kinh doanh trùng lắp hoặc cạnh tranh nội bộ dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả kinh doanh của tổ hợp công ty mẹ - công ty con;

d) Thực hiện hoạt động nghiên cứu, tiếp thị, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh;

đ) Thực hiện các quyền chi phối đối với công ty con theo Điều lệ của công ty con. VINAPACO không được lợi dụng quyền chi phối làm tổn hại đến lợi ích của công ty con, chủ nợ, cổ đông, thành viên góp vốn khác và các bên có liên quan.

2. Trường hợp VINAPACO thực hiện các hoạt động sau đây mà không có sự thoả thuận với công ty con, gây thiệt hại cho công ty con và các bên liên quan thì VINAPACO phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các công ty con và các bên liên quan:

a) Buộc công ty con phải ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế không bình đẳng và bất lợi đối với các công ty con;

b) Điều chuyển vốn, tài sản của công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên gây thiệt hại cho công ty bị điều chuyển, trừ các trường hợp: điều chuyển theo phương thức thanh toán; quyết định tổ chức lại công ty; thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

c) Điều chuyển một số hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có lãi từ công ty con này sang công ty con khác không có sự thoả thuận của công ty bị điều chuyển, dẫn đến công ty bị điều chuyển bị lỗ hoặc lợi nhuận bị giảm sút nghiêm trọng;

d) Quyết định các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đối với các công ty con trái với Điều lệ và pháp luật; giao nhiệm vụ của VINAPACO cho công ty con, công ty liên kết không dựa trên cơ sở ký kết hợp đồng kinh tế với công ty con, công ty liên kết;

đ) Buộc công ty con cho VINAPACO hoặc công ty con khác vay vốn với lãi suất thấp với điều kiện vay và thanh toán không hợp lý hoặc phải cung cấp các khoản tiền vay để VINAPACO, công ty con khác thực hiện các hợp đồng kinh tế có nhiều rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của công ty con.

 

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU

ĐỐI VỚI VINAPACO

Điều 13. Quyền của Đại diện chủ sở hữu đối với VINAPACO

1. Đại diện chủ sở hữu có các quyền sau đây trong lĩnh vực tổ chức quản lý của VINAPACO:

a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu VINAPACO; quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của VINAPACO;

b) Quyết định mục tiêu, chiến lược và định hướng kế hoạch phát triển VINAPACO;

c)     Quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ lương, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VINAPACO;

d)    Phê duyệt nội dung, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của VINAPACO;

đ) Quyết định phương án huy động vốn dẫn đến thay đổi sở hữu VINAPACO.

2. Đại diện chủ sở hữu có các quyền sau đây trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tài chính của VINAPACO:

a) Trình Chính phủ các dự án đầu tư của VINAPACO thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ hoặc Quốc hội do pháp luật quy định;

b) Quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, đầu tư thành lập mới các công ty khác có giá trị lớn hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị tài sản còn lại được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của VINAPACO theo đề nghị của Hội đồng quản trị;

c) Quyết định chủ trương bán tài sản của VINAPACO có giá trị lớn hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của VINAPACO tại thời điểm gần nhất;

d) Phê duyệt  các phương án và dự án sau do Hội đồng quản trị đệ trình:

- Phương án sử dụng vốn, tài sản của VINAPACO để góp vốn liên doanh với chủ đầu nước ngoài;

- Dự án đầu tư ra nước ngoài của VINAPACO;

- Phương án mua doanh nghiệp của thành phần kinh tế khác;

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính để:

- Xác định mức vốn điều lệ ban đầu;

- Phê duyệt việc tăng, giảm vốn điều lệ của VINAPACO theo đề nghị của Hội đồng quản trị;

- Phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của VINAPACO, trong đó có cơ chế phân phối lợi nhuận của VINAPACO.

3. Đại diện chủ sở hữu có các quyền sau trong kiểm tra, giám sát VINAPACO:

a) Giao và kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu hàng năm về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu;

 b) Được VINAPACO báo cáo thường xuyên kịp thời, chính xác các thông tin về hoạt động kinh doanh, tài chính của VINAPACO theo quy định tại Chương VIII của Điều lệ này; được thông báo kế hoạch kinh doanh, dự toán tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của VINAPACO và các thông tin về hoạt động kinh doanh, tài chính của tổ hợp công ty mẹ - công ty con;

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá: kết quả hoạt động kinh doanh của VINAPACO; thực hiện Quy chế tài chính của VINAPACO, trong đó có cơ chế phân phối lợi nhuận của VINAPACO; chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đầu tư. Quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của VINAPACO và công tác quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VINAPACO theo quy định của pháp luật;

d) Phê duyệt việc chỉ định kiểm toán bên ngoài trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát hoặc yêu cầu chỉ định kiểm toán độc lập theo lựa chọn của riêng mình.

4. Trước khi quyết định hoặc phê duyệt theo thẩm quyền, đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu Hội đồng quản trị hoặc đại diện được uỷ quyền của Hội đồng quản trị báo cáo hoặc cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề được quyết định hoặc phê duyệt.

Điều 14. Nghĩa vụ của Đại diện chủ sở hữu đối với VINAPACO

1. Tuân thủ Điều lệ của VINAPACO.

2. Bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của VINAPACO; không trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của VINAPACO, các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và bộ máy quản lý của VINAPACO, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại diện chủ sở hữu quy định tại Điều 13 của Điều lệ này.

3. Trong quá trình hoạt động của VINAPACO, nếu vốn chủ sở hữu thực tế thấp hơn mức vốn điều lệ đã được phê duyệt thì Đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm đầu tư đủ vốn điều lệ cho VINAPACO.

4. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của VINAPACO trong phạm vi số vốn điều lệ của VINAPACO.

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê giữa VINAPACO và Đại diện chủ sở hữu.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Chương IV

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VINAPACO

Điều 15. Cơ cấu tổ chức quản lý

1. VINAPACO có cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành gồm:

a) Hội đồng quản trị;

b) Ban Kiểm soát;

c) Tổng giám đốc;

d) Các Phó Tổng giám đốc;

đ) Kế toán trưởng;

e) Bộ máy giúp việc.

2. Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của VINAPACO có thể thay đổi để phù hợp với yêu cầu kinh doanh trong quá trình hoạt động. VINAPACO phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ khi thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Mục I

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Điều 16. Chức năng và cơ cấu của Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại VINAPACO và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại các công ty con mà VINAPACO sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và phần vốn góp của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết. Hội đồng quản trị có quyền nhân danh VINAPACO để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của VINAPACO, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước khác. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về mọi hoạt động của VINAPACO và tổ hợp công ty mẹ - công ty con.

2. Hội đồng quản trị gồm có năm (5) thành viên, có ít nhất hai (2) thành viên chuyên trách. Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị làm Trưởng Ban Kiểm soát phải là thành viên chuyên trách. Tổng giám đốc có thể là thành viên Hội đồng quản trị.

3. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiêm hoặc thay thế, khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là năm (5) năm. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị

1 . Nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do chủ sở hữu nhà nước đầu tư cho VINAPACO.

2. Quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm, ngành nghề kinh doanh của VINAPACO và của các công ty con do VINAPACO sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.

3. Quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, thành lập các công ty khác, bán tài sản của VINAPACO đến năm mươi phần trăm ( 50%) tổng giá trị còn lại ghi trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của VINAPACO, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định các nội dung trên theo quyết định của Hội đồng quản trị và Quy chế tài chính của VINAPACO.

4. Ngoài những ngành nghề do nhà nước giao, quyết định ngành nghề kinh doanh của VINAPACO và các công ty con do VINAPACO sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.

5. Quyết định phương án huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu đối với VINAPACO.

6. Lập chi nhánh, Văn phòng đại diện của VINAPACO ở trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật.

7. Quyết định các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và các hợp đồng kinh tế khác và phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định các nội dung trên theo quyết định của Hội đồng quản trị và Quy chế tài chính của VINAPACO.

8. Tiếp nhận các công ty tự nguyện tham gia làm các công ty con, công ty liên kết mới.

9. Quyết định phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh, biên chế và sử dụng bộ máy quản lý, quy hoạch, đào tạo lao động, ban hành các quy chế quản lý nội bộ trong VINAPACO theo đề nghị của Tổng giám đốc.

10. Tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Tổng giám đốc sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, mức lương đối với Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của VINAPACO theo đề nghị của Tổng giám đốc.

11. Thông qua việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc, Kế toán trưởng các công ty thành viên do VINAPACO sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, Giám đốc, Viện trưởng, Hiệu trưởng đơn vị sự nghiệp và Trưởng phòng VINAPACO để Tổng giám đốc ra quyết định.

12. Quyết định mô hình tổ chức hoặc quản lý có Hội đồng quản trị hay Chủ tịch công ty của các công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị; tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, quyết định mức lương đối với Chủ tịch công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị của các công ty này.

13. Quyết định cử, thay đổi, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, phụ cấp và các lợi ích khác có liên quan đối với người đại diện phần vốn góp của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết theo đề nghị của Tổng giám đốc phù hợp với các quy định của Điều lệ này và quy định của pháp luật.

14. Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện phần vốn của VINAPACO tại các công ty con, công ty liên kết báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn góp của VINAPACO, kết quả kinh doanh và các nội dung khác tại các công ty con, công ty liên kết.

15. Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của VINAPACO, báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết; phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh, theo đề nghị của Tổng giám đốc; phê duyệt phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế của công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên.

16. Phê duyệt phương án phối hợp kinh doanh của VINAPACO với các công ty con, công ty liên kết theo đề nghị của Tổng giám đốc.

17. Phê duyệt các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương áp dụng trong VINAPACO theo đề nghị của Tổng giám đốc.

18. Thông qua kế hoạch công tác sáu (6) tháng và hàng năm của Ban Kiểm soát theo đề nghị của Trưởng Ban Kiểm soát.

19. Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các công ty con là công ty nhà nước chưa chuyển đổi hình thức pháp lý hoặc sở hữu, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, quy chế hoạt động của đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp theo đề nghị của Tổng giám đốc.

20. Kiểm tra, giám sát Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc các công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Giám đốc các công ty con là công ty nhà nước chưa chuyển đổi hình thức pháp lý hoặc sở hữu, đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp và người đại diện phần vốn góp của VINAPACO trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

21. Quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của các công ty con mà VINAPACO sở hữu toàn bộ vốn điều lệ ( bao gồm cả việc chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức, cá nhân khác) và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty này theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.

22. Kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tổng giám đốc, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy định của pháp luật.

23. Quyết định các vấn đề khác theo quy định của Điều lệ này, Điều lệ của các công ty con, công ty liên kết và quy định của pháp luật.

24. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền:

a) Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của VINAPACO và các sửa đổi, bổ sung đối với Điều lệ tổ chức và hoạt động của VINAPACO;

b) Phê duyệt phương hướng phát triển dài hạn, tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chuyển đổi sở hữu VINAPACO;

c) Quyết định dự án đầu tư vượt quá mức phân cấp cho Hội đồng quản trị và phương án huy động vốn dẫn đến thay đổi sở hữu VINAPACO;

d) Quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, thành lập các công ty khác, bán tài sản của VINAPACO có giá trị trên năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị tài sản còn lại ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của VINAPACO;

đ) Quyết định tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu đối với các công ty con là các công ty nhà nước chưa chuyển đổi hình thức pháp lý hoặc sở hữu, các công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên;

e) Phê duyệt phương án sử dụng vốn, tài sản của VINAPACO để góp vốn liên doanh với nước ngoài; dự án đầu tư ra nước ngoài của công ty mẹ; phương án mua doanh nghiệp của thành phần kinh tế khác;

g) Bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, lương, phụ cấp và các lợi ích khác đối với các thành viên Hội đồng quản trị của VINAPACO;

h) Chấp thuận việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, quyết định mức lương, khen thưởng, kỷ luật đối với Tổng giám đốc của VINAPACO.

25. Yêu cầu Tổng giám đốc nộp đơn yêu cầu phá sản khi VINAPACO lâm vào tình trạng phá sản theo quy định của pháp luật.

26. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Điều lệ này.

Điều 18. Tiêu chuẩn và điều kiện thành viên Hội đồng quản trị

Thành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

1. Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam.

2. Có trình độ đại học, năng lực quản lý và kinh doanh.

3. Có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật.

4. Không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị

1. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong những trường hợp sau:

a) Bị toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính VINAPACO;

d) Vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy chế của VINAPACO;

đ) Để VINAPACO bị lỗ hai (2) năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, trừ các trường hợp lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư vì các lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.

2. Thành viên Hội đồng quản trị được thay thế trong những trường hợp sau:

a) Xin từ chức;

b) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.

Điều 20. Chủ tịch Hội đồng quản trị

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VINAPACO.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Thay mặt Hội đồng quản trị ký nhận vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do nhà nước đầu tư cho VINAPACO; quản lý VINAPACO theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

b) Tổ chức nghiên cứu chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, dự án đầu tư quy mô lớn, phương án đổi mới tổ chức, nhân sự chủ chốt của VINAPACO để trình Hội đồng quản trị;

c) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; quyết định chương trình, nội dung họp và tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị;

d) Thay mặt Hội đồng quản trị ký các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

đ) Tổ chức theo dõi và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; có quyền đình chỉ các quyết định của Tổng giám đốc trái với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

e) Thực hiện các quyền khác theo phân cấp, uỷ quyền của Hội đồng quản trị và Thủ tướng Chính phủ.

3. Ngoài các tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có kinh nghiệm ít nhất ba (3) năm quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của VINAPACO.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị được thực hiện như cơ chế áp dụng đối với các thành viên Hội đồng quản trị.

5. Chế độ lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị được áp dụng như các chế độ áp dụng đối với các thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách.

   Điều 21. Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể; họp ít nhất một lần trong một quý để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của VINAPACO do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc trên năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản trị. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt thì uỷ quyền cho thành viên khác trong Hội đồng quản trị chủ trì cuộc họp. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị không uỷ quyền thì các thành viên sẽ lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị chủ trì cuộc họp.

3. Các tài liệu cuộc họp Hội đồng quản trị phải được gửi đến các thành viên Hội đồng quản trị và các đại biểu được dự mời họp (nếu có) trước ngày họp ít nhất năm (5) ngày.

4. Hình thức thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị bằng một trong hai cách sau đây:

a) Biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị;

b) Lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp không cần tổ chức họp.