Vật tư thiết bị sản xuất trong nước: Cần “ghi điểm” ngay trên “sân nhà”

Thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án vốn ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương đã
Doanh nghiệp tích cực sử dụng vật tư thiết bị trong nước 
Đến thời điểm này, các tập đoàn, tổng công ty đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 494 và các văn bản hướng dẫn của các bộ; tiến hành rà soát các dự án đầu tư có mua sắm và nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu ngay từ công tác đấu thầu. Nhiều dự án đầu tư đã sử dụng thiết bị sản xuất trong nước, như: các công trình thủy điện Sơn La, Bản Chát... Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Dự án giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên... Phần lớn công tác gia công cơ khí, cung cấp cấu kiện, thiết bị, kết cấu kim loại của gói thầu EPC đều do nhà thầu phụ hoặc nhà cung cấp trong nước thực hiện. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng cho biết, trong các gói thầu do Tập đoàn làm chủ đầu tư đều ưu tiên lựa chọn sử dụng các thiết bị do các đơn vị thuộc Tập đoàn sản xuất được, còn những thiết bị trong nước chưa sản xuất được thì ưu tiên đối với các DN trong nước khác. Tập đoàn cũng chủ động xây dựng và khuyến khích các công ty cơ khí đầu tư sản xuất một số mặt hàng máy móc thiết bị thay thế hàng nhập khẩu, như: Bộ máng cào các kiểu SKAT-80, SGB420/22, tầu điện ác quy phòng nổ 12 tấn, goòng vi lò… Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp đã chủ động liên doanh với các đối tác nước ngoài để cung cấp thiết bị đồng bộ cho các dự án trên nguyên tắc đối tác nước ngoài cung cấp thiết kế và công nghệ cho công ty để đơn vị có thể chế tạo tại Việt Nam. Với mức lãi suất cao như hiện nay, thêm vào đó là các yếu tố nguyên liệu đầu vào luôn biến động theo hướng tăng cao, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ hướng tới việc lựa chọn sản phẩm vật tư thiết bị sản xuất trong nước vào sử dụng trong các dự án công trình. Vì vậy, để “ghi điểm” ngay trên “sân nhà”, vấn đề đặt ra lúc này đối với các doanh nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị là cần duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Vẫn còn những khó khăn
Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do có tới hơn 90% các công trình trọng điểm của Nhà nước đều do các nhà đầu tư nước ngoài thắng thầu và làm tổng thầu, dẫn đến nhiều vật tư, thiết bị sản xuất trong nước không có cơ hội tham gia dự án, dẫn đến trong số các loại hàng hóa nhập khẩu vào nước ta gia tăng và nhập siêu thời gian qua, trong đó các mặt hàng máy móc thiết bị công nghiệp chiếm tới hơn 30% tổng lượng nhập khẩu hàng năm. Bà Phạm Thị Loan - Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội đã đưa ra con số khiến nhiều người giật mình, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung ứng thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là các dự án dầu khí, hóa chất, điện và một số dự án xi măng, thép. Vì vậy, để tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư hàng hóa sản xuất trong nước thì không có cách nào khác là phải tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu. 

Được biết, các dự án thường thuê các chuyên gia nước ngoài thiết kế, khi lắp ráp sản phẩm mất rất nhiều thời gian để kiểm tra, thẩm định thiết bị, vì vậy, các nhà đầu tư thường chọn nhập luôn sản phẩm thiết bị đồng bộ của nước ngoài. Chẳng thế mà chỉ có một vài doanh nghiệp trên thế giới có thể sản xuất được máy biến áp 500 KVA, nhưng Công ty CP Thiết bị kỹ thuật điện Đông Anh vẫn khó có thể tham gia các dự án điện, cho dù là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Tại Hội nghị Chế tạo sản xuất thiết bị nhiệt điện trong nước do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các đại biểu đều cho rằng, vướng mắc nhất trong việc thực hiện nội địa hoá hiện nay chính là khó khăn về tài chính ở các doanh nghiệp, chưa kể các khoản thuế cộng với lãi suất vay thương mại quá cao, đặc biệt là nguồn tài chính cho doanh nghiệp có dự án đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt nhưng không có vốn. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công các thiết bị cơ khí, cấu kiện bê tông, ông Hoàng Chí Cường - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) cho rằng, để có thể nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất trong nước, cũng như để sản phẩm trong nước đáp ứng cao hơn nhu cầu của các công trình lớn, Nhà nước cần hỗ trợ các DN trong nước, bảo lãnh tín dụng vay vốn cho việc chế tạo các thiết bị cần vốn lớn và sản xuất lâu dài. Về lâu về dài, Nhà nước cần đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, chế tạo phôi với công nghệ tiên tiến để khắc phục tình trạng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của ngành Cơ khí hiện nay. 

Thiết nghĩ, để có thể đẩy mạnh sử dụng hàng hóa, vật tư trong nước tại các công trình trong nước, Nhà nước cần ban hành quy định với các DN trong nước khi thực hiện dự án phải nghiêm cấm nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước sản xuất được. Với các công trình điện, trong thời gian tới, khi nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu, phải có cam kết sử dụng các thiết bị mà Việt Nam sản xuất được, phải sử dụng nhân công trong nước... Được như vậy, việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nhập siêu, tạo việc làm và gia tăng giá trị trong sản xuất công nghiệp. 

Theo thống kê, các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 6/2011 là 1,24 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 lên 7,09 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2010 và là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Điều đáng lưu ý là nhóm hàng nhập khẩu này trong 6 tháng qua có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 2,4 tỷ USD, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Nhật Bản: 1,28 tỷ USD (chiếm 18%), Hàn Quốc: 548 triệu USD (chiếm 7,7%), Đài Loan: 419 triệu USD (chiếm 5,9%). Những con số này cho thấy, vật tư thiết bị sản xuất được trong nước vẫn khó khẳng định được vị thế ở các công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước!