Cây chủ lực của tỉnh Hào Bình
Cao Phong là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, với độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 - 4 độ C, do được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi và có tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao, nên rất phù hợp với cây có múi, nhất là cam, quýt…
Vì vậy, từ năm 1960 Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đã được thành lập để phát triển thành vùng cam, với các giống cam chủ yếu như Xã Đoài, Sông Con và một số giống nhập khác như Naven, Valenxia, hay quýt Ôn Châu…
Cây cam trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình
Đến năm 1976, Cao Phong đã có 900ha cam, với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Liên Xô trước đây. Thời điểm đỉnh cao của cam Cao Phong là khoảng những năm 1986, khi đó ngoài nông trường, còn có hàng trăm hộ trồng cam. Sản phẩm cam giai đoạn này chủ yếu là xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và một phần cung cấp cho thị trường nội địa.
Tuy nhiên, những năm tiếp theo, do nhiều nguyên nhân, cơ chế quan liêu bao cấp, không hiệu quả, diện tích, năng suất sản lượng cam giảm dần. Bắt đầu từ năm 1990, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế khoán hộ, thúc đẩy lợi ích kinh tế, tạo động lực cho các hộ nhận khoán phát triển sản xuất. Tuy nhiên, cũng năm được mùa, năm rớt giá, cây cam chưa thật sự phát triển mạnh.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam nhanh chóng cho hiệu quả, năng suất chất lượng cao. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong Nguyễn Văn Hiến, mấy năm gần đây, diện tích, sản lượng cam của huyện liên tục tăng, năm 2010, diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn; năm 2013, diện tích 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn; năm 2014, diện tích 1.200 ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn và đến nay là 1.700 ha, trong đó cam, quýt đến thời kỳ kinh doanh khoảng 750 ha, sản lượng ước đạt hơn 20.000 tấn. Cây cam đã trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa, là cây làm giàu của hàng trăm hộ dân.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, sản lượng cam Cao Phong ngày càng tăng
Thương hiệu - thành quả của sản phẩm
Hiện nay, thương hiệu cam Cao Phong được người dân cả nước biết đến, nhất là các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, để giữ và phát triển thương hiệu lâu dài, bền vững, đòi hỏi từ người dân đến chính quyền cần phối hợp quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp, nhằm hướng tới xuất khẩu.
Ông Tạ Đình Đào, một trong những người đã gắn bó hàng chục năm với cây cam cho hay: “Trước đây tôi cứ nghĩ, cam đẹp, quả to là bán được giá, chứ cần gì thương hiệu. Nhưng xem tivi nhiều tôi mới biết, thương hiệu rất quan trọng, điển hình như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, hay tỏi Lý Sơn, vải Thanh Hà… Khi đã có thương hiệu, giá trị cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thường. Nên những năm gần đây các hộ trồng cam ai cũng hướng đến sản xuất sạch và tiến tới là VietGAP”.
Cam Cao Phong hướng đến mô hình sản xuất sạch VietGAP nhằm tăng năng suất, chất lượng
Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết, huyện xác định cây cam, quýt là cây mũi nhọn trong sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và làm giàu của bộ phận lớn người dân; thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Định hướng đến năm 2017, toàn huyện duy trì, ổn định diện tích cam, quýt 1.700 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 25.000 tấn, thu nhập đạt hơn 600 triệu đồng/ha. Huyện đang tập trung quy hoạch vùng cam, cơ cấu giống hợp lý, thu hoạch rải vụ, như chín sớm, chín chính vụ, chín muộn.
Tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Sẽ thực hiện đồng bộ từ khâu giống, quy trình chăm sóc, quy trình bón phân, kỹ thuật bảo vệ thực vật, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất… nhằm nâng cao sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng…