Cần chủ động phòng, chống thiên tai quyết liệt và hiệu quả hơn

Ngày 10/5/2013, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang - Trưởng Ban

Năm 2012, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai thảm họa trên thế giới diễn ra liên tiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhiều quốc gia. Trong năm, trên biển Đông đã xảy ra 10 cơn bão và 6 đợt áp thấp nhiệt đới, điển hình như cơn bão số 1 và 8 di chuyển nhanh, gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân; sự di chuyển và hoạt động của các cơn bão trên biển phức tạp, kéo dài, gây khó khăn trong việc dự báo, ứng phó và phòng tránh do thiên tai gây ra. Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, Bộ Công Thương đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ Bộ xuống đến các Sở Công Thương; các Tập đoàn, Tổng Công ty, đơn vị trực thuộc các Sở Công Thương, đưa công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp giữa các đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ và đi vào nền nếp. Cùng với đó thì lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm đến công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai lũ, bão. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 06 về công tác phòng, chống thiên tai bão lũ và tìm kiếm cứu nạn. Trước, trong và sau bão, Bộ trưởng, các Thứ trưởng thường xuyên nắm thông tin, chỉ đạo kịp thời ứng phó với thiên tai lũ, bão; tình hình cung cấp hàng hóa, hệ thống điện và an toàn đập thủy điện trong mùa mưa bão. Đặc biệt là nội dung liên quan đến Thủy điện Sông Tranh, hay sạt lở bãi thải Mỏ Phấn Mễ...

Hình ảnh tại Hội nghị.Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của Bộ Công Thương đã trực tiếp kiểm tra tại 22 nhà máy thủy điện thuộc Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên để đôn đốc công tác lập phương án phòng chống lụt bão, diễn tập ứng phó tình huống sự cố đập gây ảnh hưởng an toàn công trình và vùng hạ du đập; kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tại các Sở Công Thương, các công ty Điện lực và Xăng dầu 10 tỉnh phía Nam; thẩm định, chấp thuận Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp cho 9 đơn vị khoan thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ban cũng đã tổ chức tốt công tác trực ban 24/24 giờ, nắm bắt kịp thời diễn biến của bão lũ để báo cáo và chỉ đạo các đơn vị. Các Sở Công Thương phải báo cáo thường xuyên về kế hoạch dự trữ đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng cần thiết như mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, muối, xăng dầu...

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, năm 2013, để chủ động ứng phó trong công tác phòng chống lụt bão, Thứ trưởng Lê Dương Quang - đã chỉ đạo: chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính.

Tiếp đó Thứ trưởng yêu cầu, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp của Bộ chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, diễn tập để mọi người dân chủ động phòng chống thiên tai. Thực hiện nghiêm công tác trực ban 24/24 giờ và chế độ báo cáo cung cấp thông tin trong, sau bão lũ và tình huống khẩn cấp. Chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão gắn với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị, ngành, khu vực theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Đó là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ, nhất là đối với những khu vực thường xuyên bị thiên tai, tránh tư tưởng chủ quan, nắm bắt diễn biến thời tiết và thủy văn để chỉ huy sát sao đến từng đơn vị cơ sở, phải lường trước đến tất cả các khả năng có thể xảy ra sau khi bão lũ. Các Tập đoàn, Tổng công ty, các Sở Công Thương, doanh nghiệp cần phải sẵn sàng ứng phó, triển khai các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, không chỉ là đối phó với tình huống trực tiếp mà cần thiết phải nâng cao nhận thức về công tác phòng chống lụt bão, tăng cường phương tiện tìm kiếm cứu nạn.
Thanh Tú