Cần chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn khi đi ngắm tuyết

Mùa đông này, nhiều nơi tại các tỉnh vùng núi phía Bắc tuyết đã rơi trắng xóa. Tuyết rơi đã hấp dẫn rất nhiều du khách trải nghiệm, check-in và chụp ảnh dưới trời băng tuyết. Đi du lịch ngắm tuyết rơi quả thật là một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và mới lạ.

Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt và rất lạnh nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bạn có thể sẽ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe. Vì vậy, bạn cần phải có những biện pháp và sự chuẩn bị kĩ càng hơn để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Chuẩn bị trang phục

Theo kinh nghiệm của những người sống ở xứ lạnh, để giữ ấm cho cơ thể, bạn nên mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì những chiếc áo dày cộm và to sụ. Những chiếc áo bằng len, cotton, sợi giữ nhiệt sẽ là trang phục hữu ích mà bạn nên chuẩn bị.

Với áo khoác cần phải chọn loại dày. Một chiếc áo khoác bằng chất liệu chống thấm nước, cản gió sẽ là những lựa chọn sáng suốt cho bạn. Đặc biệt, những chiếc áo phao lông vũ vừa có lớp vải gió, vừa có lớp lông giúp giữ ấm phía trong sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho chuyến đi săn tuyết của bạn. Bên trong phải mặc thêm loại áo ấm làm bằng sợi cotton hoặc len giúp giữ nhiệt rất tốt.

Trang phuc
Cần chuẩn bị trang phục phù hợp khi đi ngắm tuyết

Quần Jeans chỉ thích hợp những chuyến đi biển, đi gần hoặc đi lúc thời tiết mát mẻ. Còn quần Jeans không phù hợp với những ngày giá lạnh. Đặc biệt những loại quần Jeans thời trang nhìn chất khá dày nhưng thực tế không có tác dụng giữ nhiệt. Khi đi lại bạn sẽ cảm thấy lạnh chân, cổ chân, đùi khiến lạnh toàn thân. Cho nên, không chọn quần Jeans thời trang có nhiều vết rách, chọn loại bó vào chân nhưng lưu ý mặc thêm một lớp quần tất, quần có chất liệu len hay cotton bó sát bên trong.

Găng tay
Cần giữ ấm cổ họng, tai, chân, tay 

Theo nghiên cứu, mặt và đầu là vùng mà 70% nhiệt của cơ thể thoát ra. Vì vậy, cần chuẩn bị những đồ đạc để che kín được khu vực bàn tay và bàn chân, cổ họng như mũ len, khẩu trang, bịt tai, khăn quàng cổ… Ngoài ra, khi chọn tất nên chọn loại tất chống thấm ướt. Đây là loại tất lý tưởng để có thể đi trong tiết trời có mưa nhỏ hoặc trên bền mặt có băng tuyết, hoặc lỡ đi vào vũng nước cũng sẽ không bị lạnh chân. Còn với găng tay cần chọn loại dày bằng 2-3 lần so với găng tay bình thường, tốt nhất chọn loại găng tay không thấm nước.

Giày
Cần chọn những đôi giày chắc chắn ở vùng đế để tránh trơn trượt khi đi trên tuyết

Địa hình vùng núi cao có thể xảy ra trơn trượt, vì vậy bạn cần chọn loại giày chắc chắn ở phần đế, không dùng giày đã cũ nát từ lâu. Những đôi giày đã cũ nát, phần đế bị mòn, rất dễ ngã do trơn trượt. Chọn giày chống thấm, đế mềm, tốt nhất nên là giày mới hoặc tuổi thọ sử dụng chưa lâu.

Đặt phòng khách sạn

Việc du khách đổ xô đi du lịch ngắm tuyết có thể sẽ gây hiện tượng "cháy" các loại hình dịch vụ. Do vậy, du khách cần có kế hoạch đặt các dịch vụ từ sớm. Tránh tình trạng không có chỗ ăn nghỉ hoặc thiếu đồ sinh hoạt.

Những vật dụng cần mang theo

Ngoài những vật dụng mang theo khi du lịch thường thấy như điện thoại, sạc pin, máy ảnh, thẻ nhớ, bật lửa, ô, áo mưa… bạn cũng cần chuẩn bị một vài tờ báo hay khăn giấy để lau khô đồ đạc và hút ẩm cho giày, dép.

Nếu đi xe máy, bạn nên thêm một bộ giáp bảo hộ để chạy xe an toàn hơn. Đôi găng tay lái xe dày, có hạt cườm giúp cầm lái không bị trơn.

Ăn uống đầy đủ

Để đảm bảo sức khỏe, du khách cần ăn uống đầy đủ. Cần ăn nhiều hơn khẩu phần ăn thường ngày vì trời lạnh cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng. Bạn cần chọn ăn những món sinh nhiệt cho cơ thể như lẩu, đồ ăn nóng, cơm nóng, canh nóng, món ăn chế biến bằng quay hay nướng, món ăn chế biến với sả, gừng

Thêm nữa, cơ thể dễ mất nước và dẫn đến khô da, khô miệng. Do đó, cần chuẩn bị sẵn nước uống bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài. Một mẹo để uống nước thật tiết kiệm mà vẫn đảm bảo cơ thể hấp thu lượng nước vừa đủ và bạn không cảm thấy khát, là uống từng ngụm, ngậm nước trong miệng khoảng 5 giây rồi mới nuốt từ từ xuống cổ họng.

Uống nước
Khi trời lạnh cơ thể dễ mất nước và dẫn đến khô da, khô miệng nên cần chuẩn bị sẵn nước uống  

Bạn nên mang thêm socola để pha với nước ấm uống nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Lúc trời lạnh, việc uống một ly trà gừng tươi nóng cũng giúp cơ thể ấm lên, khả năng tuần hoàn máu tốt hơn.

Khi trekking, cho dù là hành trình ngắn trong vòng vài giờ khi đang có tuyết, bạn cần chuẩn bị lương khô, thực phẩm đủ để dùng từ 2 đến 3 ngày, đề phòng trường hợp rủi ro. Đừng bao giờ bỏ qua điều này, bạn sẽ không lường trước được tất cả những chuyện có thể xảy ra đâu.

Vật dụng y tế

Với nhiệt độ xuống mức thấp như vậy, việc cơ thể bạn bị nhiễm lạnh, các khớp xương đau nhức hoặc khó thở với những người có bệnh viêm xoang là hoàn toàn bình thường. Để giữ cho chuyến đi của bạn không bị ảnh hưởng, cần phải tự chú ý chuẩn bị sẵn loại thuốc tương ứng với bệnh của mình, đồng thời kèm theo vài viên thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sốt nhanh như thuốc hạ sốt, kháng sinh, và các loại paracetamol …

Y tế
Cần chuẩn bị đầy đủ thuốc men cần thiết

Dù bạn mặc nhiều áo đến đâu, khả năng nhiễm lạnh cũng vẫn rất cao. Khi đó, bạn cần có ngay các vật dụng y tế cơ bản để làm ấm kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Vật dụng y tế bạn nên mang theo là: miếng dán giữ nhiệt, dầu gió, trà gừng… giúp tăng nhiệt độ cơ thể nhanh chóng.

Hạn chế ở ngoài trời

Nhiệt độ hạ xuống thấp nhất vào lúc nửa đêm, rạng sáng, vào lúc này cơ thể của bạn đã mệt rã sau những hoạt động của hôm trước, và khá chắc rằng bạn đang ngủ li bì, nếu có bất cứ vấn đề nào xảy ra, chẳng hạn như sụt, lún, bạn sẽ không đủ sức để phản ứng. Ngay cả khi bạn quyết định đốt cho mình một đống lửa trại để giữ ấm, sẽ an toàn hơn rất nhiếu nếu bạn tìm được một nơi nghỉ ngơi an toàn và chắc chắn.

Cắm trại
Tuyệt đối không nên ngủ bên ngoài khi nhiệt độ xuống thấp

Tránh sốc nhiệt

Khi ở vùng khác đến nơi có nhiệt độ thấp, mức nhiệt quá chênh lệch có thể khiến bạn bị sốc nhiệt. Vì vậy, không nên đi ra ngoài ngay mà phải ở trong nhà nghỉ, khách sạn sau đó phải tập làm quen với thời tiết bằng khởi động nhẹ.

Không nên tắm nhiều

Thời gian du lịch chỉ kéo dài 2-3 ngày, không quá cần thiết phải tắm nhiều lần. Nếu tắm quá nhiều có thể làm cơ thể nhiễm lạnh, dẫn tới ốm hay viêm phổi. Để giảm bớt cảm giác lạnh, chú ý ăn uống đầy đủ, đúng giờ mang theo dụng cụ đựng nước có thể giữ nhiệt. Sau mỗi ngày đi ngắm tuyết về, phải ngâm chân bằng nước nóng để các cơ ở bàn chân được giãn nở, tránh mỏi, đủ điều kiện cho những hành trình sau đó.

Không chụp ảnh những nơi nguy hiểm

Nhiều du khách đã rất phấn khích khi lần đầu được nhìn thấy băng tuyết. Để có những bức hình độc và lạ khoe với bạn bè, nhiều du khách đã bất chấp nguy hiểm để trèo lên những cành cây đầy băng tuyết hoặc ngay sát mép vực. Mới đây, một du khách đã bị trượt chân ngã xuống vực sau khi trèo lên một tảng đá ở đình đeo Mã Pì Lèng để check-in. Vì vậy, bạn không nên chụp ảnh tại những nơi có biển cảnh báo hoặc những nơi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình.

Chụp ảnh
Không nên chụp ảnh ở những nơi nguy hiểm

Tránh đi du lịch khi có khuyến cáo

Bạn đang háo hức được đi ngắm tuyết và đã chuẩn bị hành trang để lên đường, nhưng thật đáng tiếc khi dự báo thời tiết cập nhật những chuyển biến thời tiết xấu tại địa phương ngay trước khi bạn đi du lịch. Bạn không nên đến đó, hãy tạm gác chuyến đi của mình lại để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.

Nguyên Vy t/h