Trong các phiên thảo luận lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như tại các buổi hội thảo về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều ý kiến liên quan vấn đề này được nêu ra. Cụ thể, đại biểu Trần Hồng Nguyên - đoàn Bình Thuận đề nghị về việc bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành và tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và doanh nghiệp 100 % vốn của Petrovietnam để tránh chồng chéo…
Về vấn đề này, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dầu khí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đa số được khai thác ở vùng biển, liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, cần có quy định bảo đảm chặt chẽ quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.
Đối với nhà thầu tư nhân ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí tư nhân), việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí để phục vụ hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy chế riêng của nhà thầu. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật về một trong số những nội dung chính phải có trong hợp đồng dầu khí là nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí và quy định tại khoản 12 Điều 59 dự thảo Luật về nghĩa vụ của nhà thầu phải báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 12 Điều 59 về nghĩa vụ của nhà thầu phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.
Đối với Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn thuộc Petrovietnam là nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Luật Dầu khí không phải Luật cho Petrovietnam; Luật chỉ quy định quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của Petrovietnam gắn với nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 60 dự thảo Luật; còn khi Petrovietnam là nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện các quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác.
Ngoài các quy định này, Petrovietnam vẫn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của một tập đoàn kinh tế. Vì vậy, Luật Dầu khí không quy định về việc Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn thuộc Petrovietnam lựa chọn cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí.
Hiện tại, Dự thảo Luật không có quy định cụ thể đối với quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có duy nhất quy định mang tính nguyên tắc trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà nhà thầu dầu khí có nghĩa vụ phải thực hiện (Khoản 12 Điều 59). Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, quy định duy nhất này chưa thể hiện được việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.
Thứ nhất, Dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí. Thứ hai, phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Dự thảo Luật chưa bao gồm điều chỉnh việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí. Trong khi đó, Khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu đã có quy định rất rõ ràng việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí là cần thiết để không tạo ra “khoảng trống pháp lý” giữa các quy định pháp luật hiện hành.
Về vấn đề “lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí”, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, theo dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi dễ xảy ra xung đột với Luật Đấu thầu. Cụ thể như, dầu khí có đặc thù là có một số lô nằm trong vùng đặc biệt không được phép đấu thầu quốc tế, mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước; hay việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo thông lệ quốc tế;...
Do đó, cần thiết điều chỉnh việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí.