Ngành Công Thương: Đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế

Chất lượng hàng hoá đang là vấn đề được cả xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng quan tâm. Nhằm đem đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về thực trạng phát triển hàng hoá của ngành Công Thương, cũng như c
PV: Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát về chất lượng sản phẩm hàng hoá của ngành Công Thương hiện nay? 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương hiện đang quản lý các sản phẩm hàng hoá thuộc các lĩnh vực công nghiệp nặng gồm cơ khí, luyện kim, hoá chất; Công nghiệp nhẹ: dệt may, da giày, rượu bia nước giải khát, thuốc lá, sữa...; Năng lượng: điện, than, dầu khí và nhiều sản phẩm hàng hóa đặc thù khác... 

Có thể nói, chất lượng sản phẩm các loại hàng hoá của Ngành hiện cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhiều loại hàng hoá có khả năng cạnh tranh cao cả trên thị trường nội địa lẫn thị trường nước ngoài. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó nổi bật là hàng dệt may, da giày, phụ tùng linh kiện điện tử, động cơ disel các loại, dây và cáp điện... Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và theo đó là khả năng cạnh tranh của sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, do đó, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá không chỉ là vấn đề được các cơ quan nhà nước quan tâm, mà còn phải là chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là do công nghệ sản xuất một số ngành còn lạc hậu, chậm đổi mới; vật tư nguyên vật liệu đầu vào phần lớn phải nhập khẩu, thiếu chủ động về mặt chất lượng; kỷ luật sản xuất, việc tuân thủ các quy trình sản xuất bị vi phạm... nên chất lượng một số loại sản phẩm có nơi có lúc còn chưa ổn định, thậm chí một số mặt hàng chất lượng còn thấp. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, như các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) còn chưa đầy đủ, quản lý hàng hoá nhóm 2 (sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng) còn khó khăn do thiếu các QCKT, các phòng thí nghiệm đủ điều kiện kiểm định, đánh giá hợp quy. 

Để đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, trong đó Vụ Khoa học và Công nghệ là đầu mối để triển khai đồng bộ các công việc liên quan, bao gồm từ việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng trong sản xuất, lưu thông và tăng cường đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, đo lường, hợp chuẩn, hợp quy. 

PV: Thưa Thứ trưởng, sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đến nay, những kết quả mà chúng ta đạt được là gì? 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngay sau khi Quyết định số 712/QĐ-TTg được ban hành, Chương trình đã được triển khai theo kế hoạch của Ban Điều hành Chương trình cấp Nhà nước. Bộ Công Thương đã cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ tham gia Ban Điều hành. 

Trong phạm vi của Chương trình, Bộ Công Thương được giao xây dựng Dự án số 3 “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của ngành Công nghiệp” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Nội dung Dự án gồm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá chủ lực thuộc lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, doanh nghiệp; đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng, giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp. 

Đặc điểm của Dự án theo quy định tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn thực hiện chủ yếu là của doanh nghiệp. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tư vấn chuyên gia về năng suất, chất lượng... do đó động lực để thực hiện dự án là việc các doanh nghiệp phải xác định năng suất, chất lượng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Do vậy, ngoài các hỗ trợ của Nhà nước, để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải đầu tư để thực hiện. 

Triển khai thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg, Bộ đã có công văn thông báo tới các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ yêu cầu đề xuất tham gia Dự án và ngay sau khi có Thông báo số 491/TB-BKHCN ngày 08/3/2011 của Ban Điều hành Chương trình quốc gia, Bộ đã thông báo nhắc lại trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (từ ngày 24/3/2011) kèm theo Biểu mẫu đăng ký Dự án để các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất tham gia Dự án. 

Đến nay, Bộ đã nhận được đăng ký thực hiện dự án của một số công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ APP; Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất từ các đơn vị, Vụ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành triển khai xây dựng dự thảo Đề cương Dự án. Đồng thời Bộ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp và lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty để trao đổi về các nội dung cụ thể, để hoàn chỉnh, bổ sung vào dự án, lấy ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào tháng 11/2011. 

PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay, giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là hàng xuất khẩu của chúng ta còn thấp (khoảng 60% của 40 tỷ USD nguyên liệu mà chúng ta chưa làm tốt hoặc giá thành cao nên phải nhập khẩu...). Thứ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này? 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng vậy, loại trừ các sản phẩm thô xuất khẩu như than đá, dầu khí..., các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay như hàng dệt may, da giày... giá trị sản xuất trong nước còn thấp. Ví dụ, hàng dệt may tuy đã đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD (năm 2010), đã xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.... nhưng, hiện Việt Nam mới làm tốt được khâu cuối cùng là may sản phẩm, còn về nguyên liệu, các doanh nghiệp dệt may phải nhập khẩu đến 80%, có những chủng loại đến 95%. Điều đó sẽ dẫn đến một nguy cơ là đi liền với tăng trưởng xuất khẩu thì tình trạng nhập siêu cũng gia tăng theo. 

Đứng trước tình hình đó, để tăng giá trị sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, việc sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng,… hay phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được quan tâm. Phát triển công nghiệp hỗ trợ một mặt nhằm cung cấp các sản phẩm cho sản xuất trong nước, mặt khác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để vừa làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất trong nước, đồng thời góp phần kiềm chế nhập siêu. Để thực hiện điều đó, ngày 24/02/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, theo đó quy định các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Quyết định này, song song với việc thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhằm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 

PV: Nhiều bạn đọc, người tiêu dùng thắc mắc vì sao hàng kém chất lượng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam. Vậy Bộ Công Thương có vai trò thế nào và cần có giải pháp gì để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng này tới sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng? 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với các sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu, Mục 4 Quản lý chất lượng hàng hoá nhập khẩu của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá đã có các quy định chặt chẽ từ Điều 34 đến Điều 37 về Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu; Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu; Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và Chi phí, lệ phí phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng kém chất lượng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là do tình trạng nhập lậu. Hàng nhập lậu phần lớn là hàng tiêu dùng các loại, hàng điện tử, điện gia dụng, thực phẩm các loại, tân dược, đông dược, đồ chơi trẻ em… được vận chuyển từ các tỉnh biên giới miền Bắc, miền Trung và Tây Nam không qua kiểm tra, kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Số còn lại theo đường nhập khẩu chính ngạch do chủ hàng không khai hoặc khai thấp hơn số lượng thực nhập, hàng xách tay dạng phi mậu dịch... 

Để ngăn chặn, hạn chế việc nhập khẩu hàng kém chất lượng vào Việt Nam làm ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công Thương cần triển khai một số công việc, cụ thể như sau: 

Một là, các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm. 

Hai là, cần chú trọng đến thị trường nội địa, quan tâm đến việc bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nước ngoài nhập khẩu, tiết giảm chi phí để sản xuất ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của đa số người tiêu dùng. 

Ba là, phải đầu tư nguồn lực xây dựng đầy đủ và đồng bộ các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế những mặt hàng kém chất lượng từ bên ngoài, bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại. 

PV: Theo Thứ trưởng, Bộ và các doanh nghiệp ngành Công Thương cần làm gì để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường thời hội nhập? 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năng suất là thước đo hiệu quả của các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Thay đổi tư duy về quản lý và cải tiến năng suất để hướng tới tăng trưởng bền vững là sự lựa chọn khả thi và hiệu quả trước những biến động vô cùng phức tạp của nền kinh tế và môi trường kinh doanh như hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc thiếu cơ sở hạ tầng về năng suất, chất lượng, dịch vụ và các kỹ năng cần thiết sẽ là những rào cản đối với doanh nghiệp khi tiếp cận các thị trường quốc tế, đồng thời sẽ cản trở đối với doanh nghiệp hội nhập vào các chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế. 

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường thời hội nhập, về phía Bộ Công Thương, cần phải tiến hành một số công việc như sau: 

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng cho cộng đồng doanh nghiệp; Khảo sát đánh giá hiện trạng về chất lượng và hoạt động quản lý chất lượng đối với các sản phẩm chủ lực của ngành; Thống kê hiện trạng áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất và hoạt động quản lý tại doanh nghiệp (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật nếu có, các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực…); Khảo sát phương pháp, mô hình quản lý chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp để đề xuất biện pháp nâng cao năng suất và và ổn định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
 
- Xây dựng và bổ sung hệ thống các TCVN, QCKT và các văn bản quy phạm pháp luật khác trong công tác quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hoá. 

- Đầu tư hoàn thiện các phòng thử nghiệm chuyên ngành kiểm tra chất lượng sản phẩm; 

- Đánh giá trình độ công nghệ sản xu ất, chất lượng và năng suất sản xuất sản phẩm, đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, có so sánh với trình độ của khu vực và thế giới; 

Đối với các doanh nghiệp, cần tiến hành đánh giá hiện trạng năng suất của doanh nghiệp; Đánh giá hiện trạng về trình độ công nghệ sản xuất (trang thiết bị máy móc, nhân lực, tin học, mô hình quản lý doanh nghiệp) tác động tới hiệu quả và năng suất của doanh nghiệp và xây dựng, triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp với các nội dung cụ thể như cải tiến, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp thông qua hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ; Đào tạo nhân lực; Triển khai áp dụng các phương pháp, mô hình quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý hoạt động sản xuất tiên tiến; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động đánh giá sự phù hợp theo lộ trình hài hòa với khu vực và thế giới... 

PV: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!