Đứt quãng mất 6 năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sau khi hòa bình lập lại, Nhà máy mới được tiếp tục được xây dựng và đến ngày 29/11/1978, thanh sản phẩm thép hình đầu tiên ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử ngành thép, khép kín chu trình sản xuất của khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên lúc bấy giờ, từ luyện gang – luyện thép – cán thép. Cũng từ đây, ngày 29/11 đã trở thành ngày truyền thống của Nhà máy Cán thép Lưu Xá.
Thời kỳ đầu nhà máy được xây dung và lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất thép hình các loại như: Thép góc (I), thép chữ (C), thép tròn… để đa dạng hoá các chủng loại sản phẩm thép cán vả nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 1995, Nhà máy đã đầu tư thêm thiết bị công nghệ hiện đại với 5 cụm máy 10 giá với đường kính 360mm, 01 sàn làm nguội kiểu răng cưa, 01 máy cắt 300 tấn và các thiết bị phụ trợ khác.
Trở thành một bộ phận không thể tách rời của Công ty Gang thép Thái Nguyên, công suất thiết kế ban đầu của Nhà máy Cán thép Lưu Xá là 7,2 vạn tấn/năm. Sau 13 năm vận hành liên tục, năm 1991, Công ty Gang thép Thái Nguyên đầu tư cải tạo lại cho Nhà máy một dây chuyền cán mở rộng của Đài Loan với toàn bộ máy móc thiết bị hiện đại, năng suất cao, chủ yếu cán thép phục vụ xây dựng. Đến năm 1998, Nhà máy tiếp tục mở rộng lắp ráp thêm một bộ phận cán thép dây của Ấn Độ, đưa công suất thiết kế của Nhà máy lên 10 vạn tấn/năm, trong đó 7,2 vạn tấn là thép tinh và 2,8 vạn tấn thép thô các loại.
Trải qua 35 năm với rất nhiều nỗ lực, vượt qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới, rồi qua hai cuộc khủng hoảng lớn giai đoạn 1997-1998, 2011, đến nay, Nhà máy Cán thép Lưu Xá vẫn luôn vững vàng và ổn định. Hiện công suất của Nhà máy đã đạt 18 vạn tấn/năm, với các loại sản phẩm thép tròn trơn, thép vằn, thép dây, thép hình.
Liên tục trong 3 năm vừa qua, sản xuất của các doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng do bất động sản đóng băng nên sản phẩm không thể tiêu thụ, trong đó có thép. Mặt khác, cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt ngay từ các đối thủ trong nước lẫn nước ngoài. Tuy vậy, năm 2012 và 2013, Nhà máy vẫn duy trì được việc làm, thu nhập ổn định cho gần 480 lao động.
Sản phẩm phôi thép sẵn sàng cho dây chuyền cán thépĐặc biệt, với các biện pháp quyết liệt để tiết kiệm chi phí đầu vào, năm 2012, Nhà máy đã tiết kiệm được 9,6 tỉ đồng nguyên, nhiên liệu. Trong 10 tháng đầu năm 2013 Nhà máy đã tiết kiệm hơn 6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn Nhà máy đã phối hợp với chuyên môn phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến tiết kiệm và thi chọn lao động giỏi. Bởi trên thực tế, Nhà máy Cán thép Lưu Xá hiện nay đang thực hiện sản xuất trên dây chuyền công nghệ khép kín, từ khâu chuẩn bị phôi liệu đến nung phôi qua máy cán đều được thực hiện một cách nhịp nhàng, hợp lý, nhằm tận dụng được hiệu suất cao nhất của máy móc. Nhà máy cũng duy trì có hiệu quả 2 hệ thống ISO 9000 về quản lý chất lượng và ISO 14000 về môi trường. Chính việc đầu tư về công nghệ và thiết bị ngày càng hiện đại nên đòi hỏi người lao động ngày càng phải có trình độ cao hơn để quản lý công việc tốt hơn. Mà muốn vậy, phong trào phát huy sáng kiến phải làm thật tốt. Nên trong những năm qua, ngay từ đầu năm, các đơn vị, phân xưởng của Nhà máy đã mở hội nghị sáng kiến tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất do đó đã góp phần duy trì và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào.
BOX: Trong năm 2012, Nhà máy đã có 82 sáng kiến, giá trị làm lợi trên 1 tỉ đồng, tổng số tiền thưởng cho người có sáng kiến 94,3 triệu đồng. 10 tháng đầu năm 2013 đã có trên 60 sáng kiến, chủ yếu là các sáng kiến về hợp lý hóa sản xuất, đặc biệt là về tiết kiệm năng lượng, trong đó, vài sáng kiến phát triển lên thành những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà máy.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói bí quyết làm nên thành công ngày hôm nay trước hết là việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực của Nhà máy hết sức linh hoạt. Các thế hệ công nhân Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã luôn phát huy truyền thống lao động cần cù, dũng cảm và sáng tạo để duy trì và phát triển sản xuất. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, rồi thời kỳ bao cấp thiếu thốn, qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế, Nhà máy vẫn tồn tại và phát triển bền vững nhờ biết tận dụng nhân tố con người, gắn với bảo vệ môi trường.
Đội ngũ lãnh đạo qua nhiều thế hệ được đào tạo có hệ thống tại các trường đại học trong và ngoài nước, lại được rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn sản xuất kinh doanh nên đã luôn đưa ra những quyết sách phù hợp, ổn định chính trị, nội bộ CBCNV đoàn kết, tâm huyết với nghề. Nhà máy cũng đã có nhiều biện pháp thích hợp để khuyến khích, động viên đội ngũ CBCNV thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao trình độ, đồng thời Nhà máy cũng tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo và các cuộc kiểm tra trình độ, nâng bậc lương cho công nhân lao động trong Nhà máy.
Cuộc sống của người lao động được Nhà máy chăm lo chu đáo, từ xây nhà để xe cho CBCNV đến nhà ăn ca tự chọn, xây dựng trạm y tế và hiện đang xây dựng hệ thống tắm giặt liên hoàn. Việc tham quan, nghỉ mát, thăm khám sức khỏe định kỳ được Nhà máy duy trì và thực hiện rất tốt. Môi trường làm việc của CBCNV cũng ngày càng được cải thiện. Mô hình Nhà máy công viên liên tục được duy trì sau các lần đánh giá. Để giữa khu liên hợp Gang thép ồn ào náo nhiệt, có một khoảng không gian xanh mát điều hòa, thanh lọc không khí chính là khu khuôn viên của Nhà máy Cán thép Lưu Xá.