Trong Bản Tuyên bố này, CBSA đã đưa ra thông tin chi tiết về nội dung của vụ việc, bao gồm: các bên liên quan, thông tin về hàng hoá bị điều tra, ngành công nghiệp Canada, bằng chứng về vấn đề phá giá và trợ cấp, biên độ phá giá/trợ cấp ước tính, lượng hàng hóa phá giá/trợ cấp ước tính, vấn đề kinh tế thị trường theo mục 20 của Đạo luật SIMA, bằng chứng về thiệt hại và đe doạ gây thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và việc bán phá giá/trợ cấp. Cụ thể:
- Hàng hoá bị điều tra: Ống dẫn dầu có vỏ, ống dẫn và các “ống xanh” (green tube) làm từ các-bon hoặc thép hợp kim, được hàn hoặc đúc liền, được xử lý nhiệt hoặc không, không phụ thuộc vào thành phẩm cuối cùng, có đường kính ngoài từ 60,3 mm đến 339,7mm, có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Việt Nam.
- Bằng chứng về bán phá giá: Theo quy định của Canada, bán phá giá xảy ra khi giá trị thông thường của hàng hoá vượt quá giá xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu tại Canada. CBSA đã tiến hành phân tích các cáo buộc về bán phá giá dựa trên so sánh giá trị thông thường ước tính của nguyên đơn (có điều chỉnh) với giá trị xuất khẩu ước tính dựa trên giá trị thực tế đã công bố cho cơ quan thuế trong giai đoạn điều tra (từ 01/1/2013 – 31/12/2013). Đối với Việt Nam, các phân tích cho thấy có sự bán phá giá.
- Biên độ phá giá ước tính: Biên độ phá giá ước tính được tính bằng tổng giá trị thông thường ước tính trừ tổng giá xuất khẩu ước tính và thể hiện bằng phần trăm tổng giá xuất khẩu ước tính của sản phẩm bị điều tra. Theo đó, biên độ phá giá ước tính của Việt Nam là 28.6%, trong khi biên độ phá giá ước tính của các nước bị điều tra khác chỉ từ 4.9% đến 18.3%.
- Bằng chứng về trợ cấp: Theo quy định pháp luật Canada, trợ cấp được coi là tồn tại nếu có một sự đóng góp tài chính bởi chính phủ một nước ngoài Canada, từ đó cung cấp một lợi ích cho người tiến hành việc sản xuất, chế tạo, phát triển, chế biến, mua bán, phân phối, vận chuyển, xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá. Trợ cấp cũng được coi là tồn tại dưới bất kì hình thức trợ giá hay hỗ trợ thu nhập nào, theo quy định của Điều XVI Hiệp định GATT 1994 mà từ đó cung cấp một lợi ích. CBSA đã phân tích các cáo buộc của nguyên đơn và các thông tin công khai sẵn có khác để xem xét xem liệu các chương trình bị cáo buộc có phải là trợ cấp hay không. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều chương trình bị coi là trợ cấp nhất (51 chương trình), Thái Lan có ít chương trình bị coi là trợ cấp nhất (7 chương trình). Việt Nam có 18 chương trình bị coi là trợ cấp.
- Lượng trợ cấp ước tính: CBSA ước tính lượng trợ cấp được cấp cho nhà sản xuất hàng hoá bị điều tra bằng cách so sánh các chi phí ước tính sản xuất hàng hoá được trợ cấp với giá xuất khẩu bình quân gia quyền của họ. Theo đó, lượng trợ cấp ước tính của Việt Nam là 19%, cũng là cao nhất trong số các nước bị điều tra (các nước còn lại có biên độ từ 3.2% đến 12.1%).
- Vấn đề kinh tế thị trường: CBSA đã phân tích các thông tin được cung cấp trong đơn kiện và tiến hành nghiên cứu độc lập về ngành công nghiệp thép và thép OCTG tại Việt nam để xác định xem Chính phủ có ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá trong lĩnh vực này hay không. Dựa trên các phân tích của CBSA, có đủ bằng chứng hỗ trợ việc điều tra cáo buộc của nguyên đơn rằng các biện pháp của Chính phủ Việt Nam kiểm soát giá một cách đáng kể trong lĩnh vực OCTG. Do đó, ngày 21/7/2014, CBSA đã khởi xướng điều tra theo mục 20 của Đạo luật SIMA liên quan đến vấn đề kinh tế thị trường.
- Bằng chứng về thiệt hại: Để hỗ trợ cho việc chứng minh cáo buộc về thiệt hại, nguyên đơn đã đưa ra các bằng chứng về việc giảm doanh số bán hàng, giảm thị phần, xói mòn giá, ép giá, giảm lợi nhuận, không sử dụng hết công suất, mất việc làm và ảnh hưởng xấu tới khả năng huy động vốn. CBSA đã xem xét các yếu tố thiệt hại và công nhận rằng các bằng chứng liên quan đến thiệt hại do bán phá giá và trợ cấp bị cáo buộc là hợp lý.
- Đe doạ gây thiệt hại: Trong đơn kiện, nguyên đơn đã đưa ra các bằng chứng về việc lượng nhập khẩu hàng hoá bị điều tra từ các quốc gia bị đơn đã đe doạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Bản Tuyên bố đã khẳng định rằng các bằng chứng này đã hỗ trợ đầy đủ cho các cáo buộc về mối đe doạ gây thiệt hại của nguyên đơn, thông qua doanh số bán hàng bị mất, mất thị phần, xói mòn giá (price erosion) và ép giá...
- Mối quan hệ nhân quả: CBSA cho rằng nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy họ đã bị thiệt hại do hàng hoá bị cáo buộc là bán phá giá và được trợ cấp nhập khẩu vào Canada. Thiệt hại này liên quan trực tiếp đến lợi thế về giá mà việc bán phá giá và trợ cấp đã tạo ra giữa hàng hoá nhập khẩu bị điều tra và hàng hoá sản xuất trong nước của Canada. CBSA cũng thấy rằng nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy việc tiếp tục bán phá giá và trợ cấp hàng hoá bị điều tra nhập khẩu vào Canada đe doạ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá này của Canada.
Từ các phân tích và lập luận về những nội dung trên, CBSA đưa ra kết luận rằng có bằng chứng cho thấy sản phẩm ống thép dẫn dầu có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia nêu trên đã bán phá giá và được trợ cấp, và có dấu hiệu hợp lý rằng việc bán phá giá và trợ cấp đó đã gây ra và đang đe doạ gây ra thiệt hại cho ngành công nghiệp Canada. Do đó, dựa trên sự xem xét của CBSA về các bằng chứng và các phân tích của cơ quan này, việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đã được khởi xướng vào ngày 21/7/2014.
Canada hiện tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm OCTG của 9 nước trong đó có Việt NamToà Thương mại Quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành điều tra sơ bộ về thiệt hại, và ra quyết định trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Nếu CITT kết luận rằng không có thiệt hại, vụ việc điều tra sẽ chấm dứt. Nếu CITT kết luận rằng có thiệt hại, và kết luận sơ bộ của CBSA cho thấy hàng hoá bị điều tra có bán phá giá và/ hoặc được trợ cấp, CBSA sẽ ra quyết định sơ bộ về phá giá và/ hoặc trợ cấp trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, tức là ngày 20/10/2014.
Khi tiến hành điều tra về thiệt hại, CITT có thể xem xét về việc hàng hoá bán phá giá và/ hoặc được trợ cấp nhập khẩu trong thời gian gần hoặc sau khi khởi xướng điều tra với lượng lớn trong một thời gian ngắn và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Canada. Khi đó, CBSA có thể ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp theo thủ tục hồi tố đối với sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Canada trong vòng 90 ngày trước khi ra quyết định sơ bộ về phá giá và/ hoặc trợ cấp.
Sau khi CBSA ra quyết định sơ bộ về phá giá, các nhà xuất khẩu có thể đệ trình một văn bản cam kết thay đổi giá bán sang Canada để loại bỏ biên độ phá giá hoặc thiệt hại do bán phá giá; và Chính phủ có thể đệ trình văn bản cam kết huỷ bỏ trợ cấp đối với hàng xuất khẩu hoặc loại bỏ thiệt hại gây ra bởi trợ cấp bằng cách giới hạn lượng trợ cấp hoặc lượng hàng hoá xuất khẩu sang Canada.