Cảng dầu B12: Chào một ngày mới

Tôi đã nghe anh em hát Bài ca Petrolimex, nhưng hôm nay mới hiểu tại sao ca từ lại bắt đầu “Chào một ngày mới nhịp đời sinh sôi, chào những con người tháng năm miệt mài,…”. Chắc hẳn Nhạc sĩ Văn Dung đ

B12 và Hạ Long

Nhận lời mời của lãnh đạo Công ty Xăng dầu B12 (Petrolimex Quảng Ninh), chúng tôi có mặt tại B12 đúng lúc bình minh đang lên để thực tế xem một buổi nhập tầu chở xăng dầu tại Cảng dầu B12.

Công ty Xăng dầu B12 tọa lạc tại một dải đất khá rộng bên cạnh cây cầu Bãi Cháy thơ mộng. Phía trước là Cửa Lục.

Nhìn từ ngoài, Kho cảng B12 có phần khiêm tốn. Khi bước vào mới thấy toàn bộ hệ thống cầu cảng, đường ống, bể chứa xăng dầu, các công trình phòng chống cháy, phòng chống tràn dầu, trạm xử lý‎ nước thải, khuôn viên cây xanh… ngăn nắp, bài bản.

Toàn cảnh Cảng dầu B12

Anh Nguyễn Đồng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu B12 cho biết: Hôm nay, Công ty đón tầu nội (Tầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) có trọng tải 40.000 DWT nhưng chở xăng dầu nhập khẩu. Việc tổ chức nhập tầu phải được thực hiện theo đúng kế hoạch, tất cả phải được thực hiện một cách nhịp nhàng, sai sót là điều không bao giờ được để xảy ra. Tàu cập cảng thì chỉ chưa đầy 30 phút sau là hàng có thể bắt đầu “lên kho”.

Xưa

Tôi thấy anh em công nhân có mấy người và làm việc cũng không thấy có vẻ gì là vất vả cả. Đem băn khoăn này hỏi anh Đồng, anh nói: Trước đây, cái thời cảng còn khó khăn nhất, đó là thời đầu mới thành lập, thiết bị lắp đặt lạc hậu, công nhân phải lắp đặt những ống cao su nặng trĩu rải từ bờ xuống tàu trên những phao nổi. Do chủ yếu phải dùng sức, lao động vất vả, có khi để lắp đặt đưa dầu từ một con tàu lên kho mất hàng buổi, chờ đợi và không an toàn. Đến cái thời cảng lắp đặt được hệ thống đường ống sắt ngầm dưới đáy biển rồi lại dùng ống cao su mềm nối vào tàu, tưởng chừng hiện đại, nhưng mỗi lần lắp đặt để bơm dầu lên kho cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ. Khi đó, mỗi lần nối đường ống vẫn cần tới 10 người và có sự hỗ trợ của trang thiết bị để đưa các đường ống vào vị trí bơm hàng. Mỗi lần nhập tàu phải mất 3 đến 4 ngày trời. Khó khăn vất vả là một lẽ, cái nữa là cảng lúc bấy giờ cũng chỉ cho phép tàu 2 vạn tấn cập cảng. Công tác kinh doanh cũng vì thế mà không đưa sản lượng lên được, cứ “đì đẹt” mãi ở mức 1 đến 2 triệu mét khối/năm. Trong khi đó, đất nước đang phát triển, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng lớn. Công ty lại là đơn vị có nhiệm vụ quan trọng là cung cấp dầu cho gần như hầu hết các tỉnh phía Bắc. Một nhiệm vụ khá nặng nề.

Nay

Thấy tôi trầm tư, anh Đồng tươi cười nói: “Nhưng thời đó qua rồi!” Công ty đã có những bước đi ngoạn mục về công nghệ. Hệ thống kho chứa hiện nay lên đến gần 100 ngàn mét khối. Cảng có thể đón tàu 40.000 DWT. Các thiết bị phục vụ xuất nhập hàng hóa, kiểm tra chất lượng, camera quan sát, công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ an ninh... hầu như đã được tự động hóa hoàn toàn. Đặc biệt là công tác lắp đặt để bơm dầu từ tàu lên kho, giờ đây chỉ mất vài chục phút. Tần xuất nhập một tàu chỉ trong 24 giờ. Do vậy, năng lực tiếp nhận xăng dầu thông qua cảng lên đến 6,5 triệu mét khối/năm. Hiện tại, Công ty đang khai thác thông cảng 4,5 triệu mét khối/năm. Và như vậy, hàng năm số tiền thuế nhập khẩu xăng dầu qua Cảng dầu B12 nộp cho ngân sách quốc gia là rất lớn năm 2012 là 11.673 tỷ đồng và năm 2013 là 13.937 tỷ đồng.

Ngày nay, Cảng dầu B12 có thể đón tàu tải trọng 40.000 DWT với tần xuất nhập một tàu chỉ trong 24 giờ

Chúng tôi đang mải mê trao đổi về những đổi thay của Cảng, thì tàu cập bến. Con tàu lai nhẹ nhàng lướt trên mặt nước tạo một vệt trắng dài như vẽ lên mặt vịnh một đường cong, dẫn dắt tàu hàng cập bến an toàn. Con tàu hàng lừng lững bám vào cầu cảng.

Và dường như mọi việc đã được lập trình trên một nền công việc quen thuộc. Bộ phận đại diện nhận hàng và hóa nghiệm viên của Công ty kết hợp với giám định quốc gia tiến hành công tác lấy mẫu và đo tính giao nhận hàng hóa. Đây là bước công việc đầu tiên. Và đồng thời với đó là việc lập hồ sơ và tiến hành các thủ tục cần thiết. Tất cả đều sự giám sát của cán bộ Hải quan cửa khẩu Cảng Hòn Gai.

Đúng như lời anh Đồng, các công việc hầu như đã được tự động hóa. Không ồn ào, nhưng chỉ sau chưa đầy nửa giờ công việc nối ống để chuẩn bị bơm hàng đã hoàn tất và sẵn sàng chờ lệnh bơm hàng.

Công nghệ hiện đại đã làm thay đổi cung cách làm việc và đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao cho Cảng dầu B12

Chúng tôi đứng ngay cạnh các công nhân làm việc nhưng cảm nhận một sự nhanh nhẹn, chính xác và an toàn. Các thao tác đi lại của người công nhân hết sức chuẩn xác và chắc chắn mặc dù tất cả đều trên những con đường nhỏ có nhiều lối rẽ, nhiều bậc thang ngang dọc. Với tôi, đó thực sự là một ma trận. Có lẽ cũng bởi vì công việc hàng ngày đã quá quen thuộc.

Tôi cố gắng theo chân các “chiến sỹ” Giám định hàng hóa lên đỉnh cao của bể dầu lớn nhất. Đứng trên đỉnh cao nhìn ra xung quanh toàn bộ các công trình của Cảng Dầu B12 mới thấy con người dường như quá nhỏ bé trước những thiết bị hiện đại xung quanh cũng như thiên nhiên, đất trời.

Chiếc tàu lai đã làm xong nhiệm vụ dẫn tàu hàng vào cảng, giờ đã nằm gọn tại một vị trí an toàn. Ông Phạm Minh Dực, Giám đốc Cảng dẫn chúng tôi xuống boong tàu. Lúc này, Hạ Long đã tràn ngập ánh nắng, in trên mặt nước long lanh. Mặt trời đã lên cao. Như để chúng tôi có thể quan sát hết những hoạt động tại Cảng cũng như cảnh quan trên bờ Cửa Lục, ông đưa chúng tôi lên tầng cao nhất của con tàu lai.

Cầu Bãi Cháy như một dẻ quạt khổng lồ tô cho Hạ Long những nét đẹp hiếm thấy. Nhạc sỹ Lê Nguyên Thêm trong bài “Cây đàn Hạ Long” đã ví cây cầu như một cây đàn lớn và cháy lên những ước vọng từ bao đời của người dân đi phà: Bao giờ mới hết cảnh chờ đợi hàng giờ mới qua được khúc sông Cửa Lục này? Trước sự tần ngần của chúng tôi về vẻ đẹp khó cưỡng của Hạ Long và cây cầu, với sông nước, núi đá nhấp nhô và những cánh buồm đủ màu sắc đang chao lượn trên mặt vịnh … ông Dực như khẳng định tính đúng đắn trong đầu tư của Công ty: Chính vì “Người đẹp Hạ Long” (‎tức ông nói đến vịnh Hạ Long –TG), đã 2 lần đăng quang di sản thế giới mà Cảng dầu B12 chúng tôi đã không ngần ngại đầu tư những thiết bị hiện đại nhất trong sản xuất cũng như trong bảo vệ an toàn, bảo vệ môi trường. Và ở đây, ngoài nhiệm vụ chính là cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế đang trỗi dậy, chúng tôi còn có một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là giữ cho vịnh Hạ Long những khoảng lặng thanh bình để nhân dân ta cũng như cả thế giới đến ngắm nhìn sự kỳ vĩ của di sản mà tạo hóa đã ban tặng cho đất nước mình nên chúng ta phải trân trọng, giữ gìn.

Rồi ông gõ gõ lên boong tàu kêu boong boong và cho biết: Đây là chiếc tàu lai hiện đại nhất Việt Nam. Hiện tại, cả nước mình mới chỉ có 2 cái. Cái này mang tên tàu Cửa Lục có công suất 3.600 mã lực và một cái mang tên tàu Petrolimex . Nó rất linh hoạt khi vận hành trên biển như có thể xoay tời 360 độ và thực hiện các công việc cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy bằng hệ thống bọt, nước, hay lai dắt, giúp đỡ các tàu ra vào Hạ Long đảm bảo an toàn…

Thuyền trưởng Lại Tiến Dương cùng 10 anh em làm chủ con tàu lai hiện đại này bước những bước đi rầm rập trên boong tàu. Anh đã có 14 năm trong nghề và 10 năm làm bạn tri kỷ với con tàu. Mặc dù gia đình anh sống chỉ cách cảng có chưa đầy ba cây số. Tuy nhiên, nhiều khi anh cũng chẳng được ăn bữa cơm thoái mái bên gia đình. “Người ta khi mưa gió, bão bùng thì ở nhà chống bão với vợ con. Đằng này, anh em lại “ngược chiều” phải bỏ nhà để ra tàu trực chiến. Nhưng đó là nhiệm vụ… Và điều may mắn là anh cũng như nhiều anh em được “hậu phương” thấu hiểu và cảm thông cho công việc nghề nghiệp của mình”. – Thuyền trưởng Lại Tiến Dương tâm sự. Cùng chung công việc rất đặc thù này với anh Dương, các thủy thủ vận hành Lưu Văn Hùng, Nguyễn Văn Trút… cũng đã có hàng thập kỷ làm việc trên tàu. Họ gắn bó với nhau như anh em một nhà. Nhìn những động tác thuần thục trong việc vận hành những cỗ máy to bằng cả toà nhà. Thêm vào đó, bước vào khoang máy, chúng tôi có cảm giác như bước vào một nhà ăn của khách sạn hạng sang, đúng như lời ông Phạm Minh Dực nói về con tàu này. “Chúng em không đi đâu quá 24 giờ mà không báo cáo lãnh đạo Công ty. Đó là một nguyên tắc như “chất lính” của những người làm cái nghề nhạy cảm này” – Lưu Văn Hùng, thợ máy 2 tâm sự.

Một góc Cảng dầu B12

Tại các khu vực xung quanh, ông Dực dẫn chúng tôi xuống trạm xử l‎ý nước thải. Một hệ thống đồng bộ từ việc thu gom , bể chứa, thiết bị gạn lọc và hệ thống xử lý bằng công nghệ vi sinh với nhiều ngăn bể chứa. Mỗi ngăn là một công đoạn của quá trình lọc thải. Những bể nước thải sau khi qua xử lý mọc lên cả hoa súng và nhiều loài cây lan trên mặt nước, một đàn cá bơi lội tung tăng, đớp mồi khuấy động cả một góc bể. “Khi đến bể nước cuối cùng thải ra ngoài, các đơn vị bảo vệ môi trường trên địa bàn đến kiểm tra thường xuyên. Và nó luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn.” – ông Dực nói. Cạnh đó là những téc nước cứu hỏa có dung tích lớn, những cuộn phao chống tràn dầu hiện đại… Tất cả đều làm chúng tôi có cảm giác hoàn toàn yên tâm trong khu vực nghiêm ngặt này.

41 năm và để tiến xa hơn

Say sưa chụp ảnh, ghi chép, chuyện trò thoáng cái đã “tà tà bóng ngả về Tây”. Chúng tôi dừng chân tại Trung tâm điều hành sản xuất. Tại đây, chỉ có vài “công nhân áo xanh” ngồi với những màn hình máy tính với cập nhật các số liệu nhấp nháy trên màn hình hiển thị toàn bộ các thông số liên quan đến lô xăng dầu đang bơm nhập và tình trạng hoạt động của kho bể đường ống. Giờ tôi hiểu tại sao công nghệ hiện đại có thể làm thay đổi cung cách làm việc và đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh đến vậy.

Chỉ còn chưa đầy 6 giờ nữa, khi màn đêm chìm xuống và thành phố tĩnh lặng trong giấc ngủ, cũng là lúc, Cảng hoàn thành việc nhập tầu dầu này để xăng dầu lại theo hệ thống đường ống hơn 500 km đến với Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, … rồi lại lên những chiếc xe téc mang trên mình chữ “P” thân yêu đến với nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trung du và miền núi phía Bắc.

41 năm, Cảng dầu B12 đã “vươn hình hài” trở thành chàng thanh niên “da đang căng và thớ thịt đang săn”. Chàng thanh niên ấy mang trong mình một trái tim đầy nhiệt huyết, một trách nhiệm lớn lao. Ngày qua ngày, mỗi người lao động ở Cảng dầu, ở Kho cảng, ở các kho tuyến sau vẫn miệt mài chẳng quản sớm hôm để dòng xăng dầu chảy mãi.

Họ làm việc mẫn cán như những người lính nơi đảo xa đang ngày đêm đứng gác giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta.

Thúy Hà