Nguy cơ này xuất hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á và châu Âu đang cạnh tranh nhau quyết liệt để thu mua các lô khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhằm chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới khi nguồn cung khí đốt toàn cầu thắt chặt và giá loại năng lượng này ở mức cao kỷ lục.
Trong tuần trước, Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đã kêu gọi Chính phủ Australia cần bảo đảm nguồn cung khí đốt trong nước và hạn chế xuất khẩu LNG khi dự báo khu vực bờ Đông của Australia, gồm hàng loạt thành phố lớn nhất nước này như Sydney và Canberra, có thể thiếu hụt tới 56 petajoule (tương đương 13 triệu tấn) khí đốt trong năm 2023.
“Để bảo vệ an ninh năng lượng ở bờ Đông, chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khởi động Cơ chế An ninh khí đốt nội địa Australia (ADGSM). Chúng tôi cũng kêu gọi mạnh mẽ các nhà xuất khẩu LNG ngay lập tức tăng cung cấp cho thị trường nội địa”, Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb nói.
Phần lớn khí đốt cung cấp cho vùng bờ Đông của Australia là khí đốt được sản xuất bởi các công ty xuất khẩu LNG ra các nước châu Á-Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác. Cơ chế ADGSM của Australia sẽ không cho phép các nhà sản xuất khí đốt tại nước này được xuất khẩu LNG nếu thị trường nội địa rơi vào tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Trong những tháng gần đây, các quốc gia nhập khẩu LNG lớn tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia châu Âu khi Nga đang giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Các nước châu Âu đang chạy đua để lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa Đông tới đây. Nguồn cung khí đốt từ Nga vốn đáp ứng đến 40% tổng nhu cầu sử dụng của châu Âu.
Hãng tin CNBC (Hoa Kỳ) cho biết, nhiều nước châu Âu đã đưa ra mức giá cao hơn so với các quốc gia kém phát triển hơn ở châu Á để giành quyền mua được lô LNG trên thị trường. Mức giá mua của các đối tác châu Âu hiện hấp dẫn đến mức trong một số trường hợp, các nhà giao dịch theo hợp đồng dài hạn với châu Á có thể cắt hợp đồng hiện tại, tiến hành nộp phạt mà vẫn có thể kiếm lời khi bán lại các lô khí cho châu Âu.
Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, các nhà xuất khẩu LNG của Australia đang bán ra các lô hàng trên thị trường giao ngay cho các đối tác không có khả năng ký hợp đồng dài hạn. Đây cũng chính là phần nguồn cung khí đốt mà ACCC kêu gọi Chính phủ Australia cần hạn chế xuất khẩu khi trên thị trường quốc tế có rất nhiều khách hàng đang đẩy mạnh thu gom nguồn cung năng lượng.
Theo giới phân tích, nếu cơ chế ADGSM được Chính phủ Australia kích hoạt, áp lực giá cả sẽ gia tăng đối với những nước nhập khẩu LNG trong khu vực châu Á. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá S&P Global Platts (Anh), chỉ số giá khí đốt cho thị trường Hàn Quốc - Nhật Bản (JKM) hiện đã tăng gần 80% kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, chỉ số JKM thường được xem là thước đo diễn biến giá khí đốt tại châu Á.
Ông Kenneth Foo, chuyên gia về thị trường LNG của S&P Global Market Intelligence (Hoa Kỳ), cho biết “Từ tháng 4 đến nay, chưa có lô khí LNG nào được bán theo hình thức giao ngay từ 3 cảng xuất khẩu LNG lớn nằm tại bờ Đông Australia. Điều này phần nào cho thấy hoạt động xuất khẩu khí đốt của nước này đã chững lại. Sự thiếu vắng nguồn cung LNG giao ngay từ vùng bờ Đông Australia có thể khiến tình trạng căng thẳng trên thị trường LNG giao ngay châu Á trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khi nhu cầu chạm đỉnh trong quý 4”.
Những nước đang phát triển ở châu Á như Bangladesh, Pakistan, Philippines… vốn đang chủ yếu mua LNG trên thị trường giao ngay sẽ chịu tác động mạnh nhất từ tình trạng căng thăng nguồn cung.
Nhà phân tích Sam Reynolds thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) (Hoa Kỳ) cho biết nhiều quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm năng lượng khi thiếu nguồn LNG giao ngay, khiến nền kinh tế đối mặt nhiều rủi ro, cũng như phá hỏng các nỗ lực chuyển đổi năng lượng. LNG là loại năng lượng “sạch” hơn than đá và được nhiều quốc gia xem là bước đệm khi dần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo ông Sam Reynolds vấn đề Australia hạn chế xuất khẩu sẽ không gây tác động nhiều đến thị trường LNG toàn cầu nếu so với việc các quốc gia châu Âu đang tranh mua các lô khí với châu Á. Hệ quả của điều này là giá năng lượng trên toàn cầu sẽ bị đẩy cao lên hơn nữa, khiến áp lực lạm phát trở nên nặng nề hơn, nhiều quốc gia hiện đang ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây.