Theo đó, Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm: (1) thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; (2) thép tấm mạ kim loại; (3) thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.
Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%). Tuy nhiên, nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (sau ngày 3/2/2019).
Để cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng 3% và có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, hàng tháng Cục Phòng vệ thương mại sẽ công bố số liệu xuất khẩu sang EU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu các nhóm sản phẩm thép sang EU và có biện pháp kiềm chế phù hợp.
Tỷ trọng nhập khẩu các nhóm sản phẩm thép của EU từ Việt Nam (từ T1/2018 đến T5/2018) & Cảnh báo các nhóm sản phẩm có nguy cơ bị hạn chế nhập khẩu do EU áp dụng biện pháp tự vệ.
Trước đó, ngày 26/3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra.
Mỗi nhóm sản phẩm có một mức hạn ngạch riêng, được tính toán trên cơ sở trung bình cộng của tổng lượng xuất khẩu của các nước vào EU trong 03 năm gần nhất (2015-2017).
Hạn ngạch được cấp theo hình thức “trừ lùi” cho đến khi hết hạn ngạch, không phân bổ trên cơ sở tình hình xuất khẩu của từng quốc gia. Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành, khối lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25%.
Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/7/2018 đến 3/2/2019). Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.