Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 28/6 tới đây.
Năm nay, Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 47% so với mức thực hiện của năm 2023.
Trong đó, công ty dự kiến doanh thu mủ cao su trong năm nay có thể đạt 1.205 tỷ đồng, tương ứng với việc tiêu thụ khoảng 33.100 tấn mủ thành phẩm với giá bình quân 36,4 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, Cao su Phước Hòa dự kiến tổ chức tái canh 190 ha.
Đối với công tác mua mủ, Cao su Phước Hòa lên kế hoạch thu mua khoảng 10.000 tấn mủ.
Về hoạt động đầu tư bất động sản công nghiệp, Cao su Phước Hòa sẽ tiếp tục đầu tư thông qua Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình. Hiện Cao su Phước Hòa đang nắm giữ 80% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định, giá cao su tăng cao sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su năm nay, bao gồm Cao su Phước Hoà. Trong tháng 5 vừa qua, giá cao su loại mủ nước lẫn mủ chén trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, xác lập tháng tăng thứ 3 liên tiếp.
Giá xuất khẩu cao su bình quân tháng 5/2024 ở mức 1.616 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 4/2024, xác lập tháng tăng thứ 8 liên tiếp. Mức giá hiện nay cũng đang cao hơn gần 20% so với tháng 5/2023.
Đà tăng của giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đồng pha với giá cao su thế giới. Dữ liệu từ Trading Economics cho thấy, giá cao su tự nhiên đã tăng 28% từ đầu năm tới nay lên khoảng 180 US cents/kg - quanh vùng đỉnh cao nhất 2 năm. Còn so với vùng đáy gần đây hồi tháng 10/2022 thì giá cao su đã tăng gấp rưỡi.
Động lực tăng giá cao su hiện nay chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia. Sản lượng mủ cao su của hai nước này vốn chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), thị trường cao su tự nhiên toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn vào năm 2024, và tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt có thể khoảng 600 - 800 nghìn tấn/năm. Qua đó, giá cao su có thể sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới.
Kết thúc quý 1/2024, Cao su Phước Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 323 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, giảm tới 66% so với hồi quý 1/2023. Xét về cơ cấu, doanh thu từ mảng cao su, gỗ chiếm tới 92% tổng doanh thu trong kỳ, đạt 298 tỷ đồng.
Như vậy so với kế hoạch dự trình, sau 3 tháng đầu năm, Cao su Phước Hòa đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.