Tại buổi thị sát, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã làm việc với các trưởng ban dự án luyện gang, luyện thép, cán thép, thiêu kết vê viên và đại diện các tổng thầu, yêu cầu các bộ phận báo cáo mọi khó khăn thực tế tại công trường, nêu rõ những vướng mắc chưa thể hiện được trong thiết kế/bản vẽ để ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra phương án giải quyết tối đa, nhanh chóng và phù hợp.
Ông Nguyễn Quảng Lộc - Trưởng ban Dự án Dung Quất 2 cho biết, hiện đang có 20.000 thợ lắp máy, công nhân, cán bộ kỹ thuật thuộc gần 1.000 tổng thầu, nhà thầu chính, phụ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, thiết bị, dịch vụ cùng lúc triển khai đồng bộ các hạng mục tại công trường.
“Các tên tuổi hàng đầu thế giới về luyện thép và xây dựng trên thế giới và Việt Nam đều đang có mặt tại công trường dự án. Công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị diễn ra đúng và vượt tiến độ nhờ kinh nghiệm triển khai dự án Dung Quất 1”, ông Nguyễn Quảng Lộc nói.
Đại diện các tổng thầu cũng nêu rõ quyết tâm và cam kết nỗ lực cao độ để hoàn thành dự án Dung Quất 2 đúng tiến độ. Theo tiến độ hiện tại (tính đến ngày 7/6), dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên từ dự án sẽ được hoàn thành sau 99 ngày nữa và cuộn thép HRC thương mại đầu tiên sẽ được sản xuất sau 206 ngày nữa.
Với tổng công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Tập đoàn Hoà Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao. Qua đó, lọt TOP 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, giúp củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới giảm được giá thành sản xuất hơn nữa.
Bên cạnh đó, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, thiết kế dự án Dung Quất 2 sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với dự án Dung Quất 1. Trong đó, thể tích lò cao tại dự án Dung Quất 2 là 2.500 m3, gấp đôi thể tích lò của dự án Dung Quất 1, giúp: tốc độ trao đổi nguyên liệu cao hơn, tiêu thụ năng lượng thấp hơn, và vận hành ổn định hơn do đó tạo ra thành phẩm có chất lượng cao hơn, đồng nhất hơn.
Tập đoàn Hoà Phát cũng đầu tư nhiều hơn vào các tiêu chuẩn môi trường nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu trong tương lai, nhất là về giảm phát thải CO2, giảm tiêu hao năng lượng.
Tất cả những điểm này sẽ giúp Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận biên lợi nhuận gộp tốt hơn từ dự án Dung Quất 2 so với dự án Dung Quất 1 khi cùng sử dụng chung nguyên liệu đầu vào.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hoà Phát cạnh tranh hơn về giá cả.
Dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại. Dự án này cũng sẽ là bước ngoặt, giúp Tập đoàn Hoà Phát chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác nên sẽ giảm rủi ro dựa vào thị trường bất động sản.