Giá bán tôn mạ phục hồi, lãi năm nay của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có thể tăng gấp 28 lần

Dự kiến lợi nhuận niên độ tài chính 2024 của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) có thể đạt tới 850 tỷ đồng, cao gấp 28 lần so với niên độ trước trong bối cảnh giá tôn mạ tại thị trường nội địa đã hồi phục nhẹ trong tháng 4/2024.

Lợi nhuận dự kiến sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng từ năm sau

Tập đoàn Hoa Sen
Hoạt động bán hàng của Tập đoàn Hoa Sen đang duy trì nhịp độ tích cực trong những tháng gần đây.

Tính chung nửa đầu niên độ tài chính 2024 (tương đương quý 4/2023 và quý 1/2024), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu 18.300 tỷ đồng với sản lượng bán hàng đạt 736.000 tấn, lần lượt tăng 23% và tăng 49% so với cùng kỳ niên độ trước.

Biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoa Sen trong quý 2 niên độ tài chính 2024 tiếp tục duy trì ở 12,1%, tương đương với nửa sau của niên độ tài chính 2023. Theo đó, tập đoàn tôn mạ này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 422 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 424 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước.

Số liệu bán hàng những tháng gần đây tiếp tục cho thấy Tập đoàn Hoa Sen đang duy trì nhịp độ kinh doanh ở mức tích cực. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này đã đạt 349.000 tấn và tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 274.000 tấn, lần lượt tăng 47% và 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá bán tập đoàn hoa sen
Giá bán tôn mạ các loại của Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường nội địa đã phục hồi nhẹ trong tháng 4/2024. (Nguồn: Maybank Investment Bank)

Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Maybank Investment Bank, mặc dù hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen có thể chậm lại ở những tháng cuối niên độ tài chính 2024 nhưng lợi nhuận cả năm nay có thể sẽ cán mốc 850 tỷ đồng, cao gấp 28 lần so với niên độ trước.

Đà tăng trưởng trên chủ yếu đến từ việc Tập đoàn Hoa Sen đã tích trữ được lượng lớn tồn kho giá rẻ khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) rơi về vùng đáy 530 - 550 USD/tấn. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước kỳ vọng sẽ tăng dần trở lại, bù đắp cho sự giảm tốc ở kênh xuất khẩu. Ngoài ra, giá tôn mạ dự báo sẽ có xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm 2024, theo Maybank Investment Bank.

Giá HRC
Giá HRC trên thị trường quốc tế vẫn đang ở mức thấp. (Nguồn: Maybank Investment Bank)

Với các yếu tố tích cực trên, Maybank Investment Bank cũng điều chỉnh nâng dự báo mức lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ tài chính 2025 lên mức 1.130 tỷ đồng - tương đương với mức lợi nhuận thông thường của tập đoàn này trong chu kỳ thép gần nhất.

Kỳ vọng hưởng lợi lớn nếu tôn mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế

Về vấn đề các doanh nghiệp tôn mạ, bao gồm Tập đoàn Hoa Sen, nộp đơn đến Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương về việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc, Maybank Investment Bank nhận định có khả năng cao quyết định điều tra chống bán phá giá sẽ được thông qua.

Trong quá khứ, biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc cũng đã được Bộ Công Thương áp dụng từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2022.

Dữ liệu thống kê cho thấy tỷ trọng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng nhanh kể từ đầu năm 2023 đến nay. Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ trọng tôn mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lần lượt 64% và 14% trong tổng lượng tôn mạ được nhập khẩu vào nước ta.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có thể hưởng lợi lớn nhất nếu tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Maybank Investment Bank nhận định, nếu quyết định điều tra chống bán phá giá được ban hành thì Tập đoàn Hoa Sen sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ giữ vững được thị phần, thậm chí gia tăng sức ảnh hưởng. Đồng thời, tập đoàn này sẽ có dư địa để tăng giá bán nếu như thép HRC Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, mà vẫn có thể cạnh tranh được với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiện Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) và Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.

Đồng quan điểm như trên, một số tổ chức tài chính hiện đánh giá, với vị thế đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tôn mạ nội địa (từ 20 - 30%), Tập đoàn Hoa Sen sẽ là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc được ban hành.

Tuy nhiên, từ khi quá trình điều tra (nếu có) đến lúc ra các quyết định sơ bộ và chính thức sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Duy Quang