Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát phức tạp, giá heo hơi lên đỉnh 2 năm

Dịch tả lợn châu Phi hiện đang tái bùng phát phức tạp và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều địa phương. Dự kiến đàn heo nái của cả nước có thể cần ít nhất 1,5 năm để phục hồi về mức trước dịch. Điều này sẽ khiến giá heo hơi neo ở mức cao trong những tháng tới.

Dịch bệnh tái bùng phát, đàn heo nái cả nước cần 1,5 năm để phục hồi

Giá heo hơi
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá heo hơi lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Thông thường, mùa Hè là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ heo hơi tại nước ta. Do đó, giá heo hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống, sau đó bật tăng vào quý 3 và 4 - mùa cao điểm lễ hội.

Tuy nhiên, diễn biến năm nay lại khác. Ngay từ đầu năm, giá heo hơi liên tục tăng qua các các tháng. Tính đến cuối tháng 5/2024, giá heo hơi trung bình trên cả nước đạt khoảng  68.000 đồng/kg, tăng 36% so với hồi đầu năm nay. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi cuối năm 2023. Đáng chú ý, dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát, lan rộng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… với số lượng heo buộc phải tiêu huỷ ở mức lớn. Tính đến cuối tháng 5/2024, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn ở 21 tỉnh thành chưa qua 21 ngày.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết vài năm trước đây, dịch tả heo Châu Phi lan mạnh nhất ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo việc an toàn sinh học. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh dịch này cũng đã lan mạnh tại cả những trang trại của các doanh nghiệp lớn.

giá heo hơi
Giá heo hơi thường có xu hướng tăng mạnh sau mỗi lần dịch tả lợn châu Phi bùng phát. (Nguồn: TPS Research, Agromonitor)

“Bệnh dịch kèm theo người dân bỏ chuồng do năm ngoái thua lỗ đã ảnh hưởng năng suất của tổng đàn đàn heo trên địa bàn tỉnh và gây ra tình trạng thiếu hụt heo. Tôi ước tính đàn heo tại Đồng Nai giảm khoảng 30%”, ông Nguyễn Trí Công nhận định.

Đồng Nai hiện là địa phương có quy mô đàn heo lớn nhất cả nước, đạt 2,1 triệu con (tính đến cuối tháng 5/2024), tương đương khoảng 8% tổng đàn cả nước.

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Tôi có trao đổi với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, trong đó có một số doanh nghiệp FDI, được biết họ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, họ ưu tiên sử dụng con giống để nuôi trong nội bộ và hạn chế bán ra ngoài. Thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận lượng đàn nái chết 50%”.

Do đó, ông Nguyễn Văn Trọng và ông Nguyễn Trí Công cùng chung nhận định xu thế mất cân đối cung - cầu sẽ còn diễn ra trong những tháng tới bởi để đàn heo nái phục hồi phải mất ít nhất 1,5 năm.

Trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2024 xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, giá heo hơi theo đó giảm chỉ còn khoảng 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm.

Bên cạnh đó, chênh lệch giá heo tại miền Bắc Việt Nam và các địa phương của Trung Quốc giáp biên giới ở mức thấp, khiến dòng lưu chuyển heo hơi giữa 2 nước vẫn “đóng băng”.

Đồng thời, tại miền Trung và miền Nam, trái với diễn biến thông thường mọi năm, nguồn cung heo từ Campuchia và Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu do cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập lậu heo từ Campuchia và Thái Lan do Thái Lan ghi nhận dịch nhiệt thán bùng phát trên gia súc.

Các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi hiện nhận định giá heo hơi có thể duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn trở lại sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, thông thường chu kỳ tăng giá của ngành chăn nuôi heo diễn ra trong khoảng 2 năm. Như vậy chu kỳ tăng giá hiện nay có thể kéo dài trong giai đoạn 2024 - 2025.

Doanh nghiệp chủ động tái đàn, kỳ vọng đón “sóng” giá heo

giá heo hơi
Dự kiến các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp quy mô lớn sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc giá heo hơi tăng vọt.

Giá heo hơi tăng cao được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp đã chủ động tái đàn sớm từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn sở hữu lợi thế lớn khi có thể chủ động được nguồn heo giống - vốn đang rất khan hiếm trên thị trường và có giá đắt đỏ đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC), Tập đoàn Dabaco đang lên kế hoạch tiếp tục bổ sung đàn heo nái và heo giống. Cuối năm ngoái, tập đoàn này đã nhập khẩu 10.000 con heo giống với mức giá trung bình 8.000 USD/con.

Cuối tháng 4/2024, Tập đoàn Dabaco tiếp tục nhập thêm một lô heo giống, giúp đưa quy mô và năng suất đàn heo hiện nay lên mức cao nhất 28 năm hoạt động.

Xem thêm: "Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC): Tái đàn sớm hơn đối thủ, lợi nhuận quý 2 sẽ tăng gấp 3,5 lần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, Tập đoàn Dabaco vẫn duy trì kế hoạch tăng đàn nái từ 50.000 con lên 60.000 con, trong đó một phần liên kết với nông dân.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, chậm nhất là năm 2026 có đủ đất để mở rộng đàn nái lên khoảng 90.000 con và đàn heo thịt khoảng 1,5 triệu con”, ông Nguyễn Như So cho biết.

Doanh nghiệp chăn nuôi
Các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô công nghiệp đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong tổng nguồn cung thịt heo của cả nước. (Nguồn: TPS Research, Agromonitor)

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) cũng đẩy mạnh đầu tư sớm để đón sóng hồi phục.

Trong năm nay, BaF Việt Nam dự kiến đưa vào hoạt động thêm 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn) và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1). 

Trong đó, cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.

Theo đó, tổng đàn heo của BaF Việt Nam vào cuối năm nay sẽ kiến sẽ cao gấp đôi so với năm 2023, đạt 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt. Công ty này cũng dự kiến khởi công thêm 6 dự án trang trại và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định.

Với các tác động từ dịch bệnh và quy định mới của Luật Chăn nuôi áp dụng từ đầu năm sau, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam nhận định, quy mô chăn nuôi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ nhanh chóng suy giảm trong thời gian tới và có thể sẽ chỉ còn chiếm dưới 30% tổng đàn heo của cả nước, và các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp sẽ dần chiếm lĩnh thị trường.

Duy Quang