Trong quý 1/2024, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) đạt 3.253 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 73 tỷ đồng, so với mức lỗ 321 tỷ đồng trong quý 1/2023. Qua đó, hoàn thành 13% mục tiêu doanh thu và 10% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết quả tích cực trên chủ yếu đến từ việc giá heo hơi trong quý 1/2024 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào hạ nhiệt.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết, giá thành sản xuất của tập đoàn hiện chỉ ở mức 48.000 -51.000 đồng/kg, giá bán xây dựng theo kế hoạch “thận trọng” đặt ở mức 52.000 đồng/kg; trong khi trên thực tế, giá lợn hơi tại thị trường đã hồi phục tích cực.
Do đó, ông Nguyễn Như So tự tin cho biết lợi nhuận quý 2/2024 có thể tăng đột biến, “phấn đấu đạt khoảng 250 tỷ đồng”. Con số này cao gấp gần 3,5 lần so với mức lợi nhuận quý 1 vừa qua.
Kể từ cuối năm 2023, giá heo hơi đã quay đầu tăng trở lại và hiện đã tiệm cận mức 70.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên toàn quốc, chủ yếu do nguồn cung heo giảm. Trong thời gian dài vừa qua, người chăn nuôi heo, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ khá e ngại với việc tái đàn do giá heo hơi liên tục giảm. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện rải rác cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người chăn nuôi.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, nhu cầu tái đàn trên thị trường trong quý 1/2024 vẫn còn ở mức thấp; trong khi đó, thời gian nuôi 1 lứa lợn thịt với các giống phát triển nhanh thường mất từ 6 - 7 tháng. Do đó, mặt bằng giá heo hơi dự kiến sẽ duy trì ở mức cao từ nay cho đến cuối năm.
Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn và chuyên gia ngành hàng dự báo giá heo hơi hoàn toàn có thể vượt mốc 70.000 đồng/kg vào cuối quý 2/2024.
Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô công nghiệp, chủ động về con giống lẫn nguồn cung tức ăn chăn nuôi như Tập đoàn Dabaco được nhiều tổ chức tài chính nhận định sẽ có lợi thế rất lớn trong chu kỳ tăng giá heo lần này.
Tính đến cuối quý 1/2024, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Tập đoàn Dabaco là 3.977 tỷ đồng; trong đó, phần lớn là đàn heo thịt đợi xuất chuồng. Tập đoàn này hiện duy trì tổng đàn thường xuyên khoảng hơn 500.000 con.
Đặc biệt, trong năm ngoái, Tập đoàn Dabaco đã có quyết định “mạo hiểm” khi nhập thêm về 10.000 con heo giống, để thực hiện tái đàn sớm hơn các đối thủ. Ông Nguyễn Như So cũng cho biết, năng suất đàn lợn của Tập đoàn Dabaco hiện ở mức tốt nhất lịch sử hoạt động.
Với lợi thế nguồn cung sẵn có và dồi dào, đây sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận trong quý 2 này của Tập đoàn Dabaco.
Bên cạnh đó, mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco còn được hỗ trợ từ việc giá các loại ngũ cốc đầu vào như khô đậu tương và ngô trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm từ 12 - 23% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù diễn biến thời tiết tại nhiều quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn không quá thuận lợi, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hiện vẫn dự báo nguồn cung ngũ cốc toàn cầu ở mức tốt và giá sẽ duy trì ở mức thấp trong năm nay. Theo đó, biên lợi nhuận gộp mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco có thể cải thiện thêm từ 1 - 1,5%.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ trên cả nước phải ngưng hoạt động, khiến thị phần dịch chuyển dần sang các doanh nghiệp lớn.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dabaco đang tích cực mở rộng quy mô chăn nuôi heo. Theo đó, các dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại Thanh Hóa (6.200 con nái và 180.000 con thịt/năm), và tại Phú Thọ (Giai đoạn 2, 6.000 con nái và 76.000 con thịt/năm) của tập đoàn này đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Việc mở rộng công suất kỳ vọng giúp Tập đoàn Dabaco tiếp tục chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế quy mô lớn, trang trại hiện đại, khép kín và nguồn giống chất lượng có khả năng tái đàn nhanh.