Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) vừa tổ chức Họp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 4 tháng cuối năm của các đơn vị khu vực miền núi phía Bắc.
Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị thuộc Cao su Việt Nam tại khu vực miền núi phía Bắc là 28.547 ha, trong đó vườn cây đưa vào khai thác 23.056 ha.
Ước sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm 2024 của toàn khu vực phía Bắc là 8.353 tấn, đạt hơn 38% kế hoạch cả năm nay. Trong đó, dẫn đầu về sản lượng là các đơn vị như Điện Biên (đạt 51,51% kế hoạch), Dầu Tiếng Lai Châu (đạt 63% kế hoạch), Mường Nhé Điện Biên (đạt 46% kế hoạch)…
Sản lượng tiêu thụ đạt 6.972 tấn, đạt 31% kế hoạch năm với giá bán bình quân đạt 37,84 triệu đồng/tấn.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị thành viên của Cao su Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục các khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều vườn cây cao su chịu tác động từ điều kiện thời tiết cực đoan trong những tháng đầu năm nay.
Ông Phạm Hải Dương - Phó Tổng giám đốc Cao su Việt Nam đề nghị các đơn vị đẩy mạnh giám sát, quản lý, chăm sóc tốt vườn cây, đảm bảo cạo đúng quy trình kỹ thuật, nỗ lực thay đổi chất lượng vườn cây để nâng cao năng suất, hoàn thành kế hoạch tập đoàn giao. Đặc biệt, các công ty thành viên cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mủ, các đơn vị có chất lượng mủ thấp cần rà soát, kiểm tra lại để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Đồng thời, ông Trương Minh Trung - Phó Tổng giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, khu vực miền núi phía Bắc được quy hoạch xây dựng 05 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất 26.000 tấn/năm.
Hiện đã có 2 nhà máy hoạt động, cuối năm 2024 sẽ có nhà máy chế biến Lai Châu 2, dự kiến quý 2/2025 nhà máy Điện Biên đi vào hoạt động. Và còn một nhà máy ở Dầu Tiếng Lào Cai để hoàn thành quy hoạch chế biến cao su của Cao su Việt Nam ở khu vực miền núi phía Bắc, ông Trương Minh Trung nói.
Phó Tổng giám đốc Cao su Việt Nam đề nghị các đơn vị thành viên nghiêm túc trong chỉ đạo đưa nguyên liệu chế biến tại các nhà máy khu vực miền núi phía Bắc, tránh tình trạng đưa đi chế biến ở khu vực khác, đảm bảo theo quy hoạch chế biến của vùng theo chủ trương của tập đoàn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Thanh Hưng - Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam đã ghi nhận và biểu dương sự chủ động sáng tạo trong khai thác, chế biến, tiêu thụ của các đơn vị miền núi phía Bắc trong 8 tháng đầu năm nay và tin tưởng các đơn vị sẽ hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất cả năm đã đề ra.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong bối cảnh giá cao su xuất khẩu của Việt Nam chạm mức cao nhất 2 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh Cao su Việt Nam kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Mảng cao su đóng góp khoảng 60% lợi nhuận ròng hàng năm của Cao su Việt Nam. Theo tính toán của SSI Research, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng 0,5%.
Do đặc tính của cây cao su, việc khai thác cao su sẽ diễn ra mạnh từ tháng 3 - 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh, mở ra dư địa tăng trưởng kết quả kinh doanh.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Bên cạnh đó, thông thường nhu cầu thu mua cao su sẽ tăng lên vào giai đoạn cuối năm sau khi các khách hàng dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm chính để xác định biến động giá cao su trong vòng 12 tháng tới (nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025). Do đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025.