Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng đánh giá việc triển khai cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh tại 16 bộ.
Cụ thể, danh mục số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương là 702, đã cắt giảm 402. Tổng số điều kiện kinh doanh của Bộ này là 1.215, đã cắt giảm 675.
Bộ Xây dựng được đánh giá là có nỗ lực lớn khi trong 280 điều kiện kinh doanh của Bộ Xây dựng, đã đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện, đơn giản hóa 94 điều kiện.
Nhiều bộ còn "bất động"
Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa đề xuất cắt giảm gì.
Tương tự, hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải mỗi Bộ cũng chưa đề xuất cắt giảm gì đối với hàng trăm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành do Bộ mình quản lý.
Danh mục số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế có 802 nhưng cũng mới chỉ cắt giảm được 7 loại sản phẩm; giảm 95 số lô hàng.
Bộ Y tế có tổng số điều kiện kinh doanh là 853 nhưng chưa nêu cụ thể phương án đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh này là bao nhiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạocó 241 điều kiện kinh doanh, cần cắt bỏ 121 điều kiện nhưng Bộ này cũng chưa đề xuất gì...
Tổ công tác của Thủ tướng nhận xét, các bộ chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với các danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một bộ.
Tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để. Chi phí của thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp...
Khẩn trương cắt giảm điều kiện kinh doanh
Về kết quả kiểm tra về điều kiện kinh doanh cho thấy hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện.
Tính trung bình, có khoảng hơn 14 yêu cầu, điều kiện áp dụng với mỗi ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định. Không ít ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thật sự đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014 về sự cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh.
Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định, như: "phải phù hợp", "phải đủ", "phải sạch sẽ", "phải thoáng mát", "phải thuận tiện", "phải có đạo đức tốt", "phải có đủ sức khỏe", "phải có trình độ"...
Một số điều kiện đầu tư kinh doanh áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tác động bất lợi đến doanh nghiệpnhỏ và vừa, như bắt buộc phải thành lập một loại hình doanh nghiệpcụ thể; yêu cầu kinh doanh theo một phương thức nhất định; phải phù hợp với quy hoạch ngành, sản phẩm; phải có mặt bằng, quy mô, công suất sản xuất, kinh doanh tối thiểu hoặc phải sử dụng một loại công nghệ nhất định...
Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không đồng bộ, không hợp lý về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệpnhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện theo hướng xây dựng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong quý 2 năm 2018.
Xây dựng lộ trình, phương án cắt giảm cụ thể và phải bảo đảm nguyên tắc việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Khẩn trương xây dựng phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp...