Chi phí logistics cao: Rào cản lớn đối với các doanh nghiệp

Chi phí logistics của Việt Nam tương đương với 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Đây là một trong những rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và cản

Đây là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong “Hội nghị toàn quốc về logistic” diễn ra sáng 16/4/2018, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vai trò to lớn của ngành logistics đối với nền kinh tế Việt Nam. Logistics là một trong 12 nhóm ngành được chính phủ Việt Nam và ASEAN ưu tiên hỗ trợ, phát triển, đồng thời, logistics cũng là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này. Thủ tướng cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước không tận dụng được thì cơ hội sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, chúng ta đang có đà phát triển rất lớn. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics. Vấn đề là các doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chi phí logistics cao là rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam (ảnh: Quang Hiếu)

Cũng theo Thủ tướng, logistics tại Việt Nam là một ngành không mới nhưng để hiểu rõ về ngành này thì rất ít địa phương, doanh nghiệp làm được. Chức năng của ngành logistics không chỉ là giao nhận vận tải mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác như: kho hàng, lưu trữ, bến bãi, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa…

“Ngành Giao thông vận tải và ngành Công Thương cần tổ chức quán triệt và hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp nhận thức rõ về logistics. Nếu làm tốt về logistics, chúng ta mới đưa ngành này phát triển bứt phá được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam khoảng 14-16%, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/60 nước. Đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, WB cũng chỉ rõ, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

Hội nghị toàn quốc logistics dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... (ảnh: Quang Hiếu)

Từ những con số trên, chúng ta có thể thấy, gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, chi phí logistics cao là rào cản lớn nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, và việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải. Chúng ta làm đường bộ là chính, còn các hình thức khác chỉ dưới 10%. "Đây có phải là nhận thức của nhiều địa phương của chúng ta, nhất là những địa phương có điều kiện như ĐBSCL, sông nước nhiều?!. Sự rời rạc này làm cho nền kinh tế chi phí rất cao", Thủ tướng nói.

“Việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Đồng bộ các giải pháp, giảm chi phí logistics

Chia sẻ về những giải pháp thúc đẩy ngành logistics trong thời gian tới, Thủ tướng gợi ý một số chủ đề cần thảo luận tại hội nghị. Trong đó có việc hoàn thiện các thể chế chính sách, quy định pháp luật hiện nay về logistic, trong đó có cả việc quy hoạch phát triển, phát triển doanh nghiệp, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực logistic.

Hội nghị cũng cần thảo luận về vấn đề hạ tầng và kết nối hạ tầng để thúc đẩy phát triển logistics, nhất là trong bối cảnh hạ tầng giao thông nước ta chưa đồng bộ, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông với các bến cảng, cảng cạn, nhà ga, sân bay hiện nay…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các Bộ, ngành liên quan cần thảo luận về việc phát triển doanh nghiệp và các nguồn lực dịch vụ logistics để đưa ngành này phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tham luận tại Hội nghị về “Những giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các Bộ, ngành liên quan cần thảo luận việc phát triển doanh nghiệp và nguồn lực dịch vụ logistics; những vấn đề về tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, một ngành…

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về logistics

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức quán triệt nghị quyết 200 của Thủ tướng, đây là nền tảng rất quan trọng của hoạt động logistics. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành mã ngành kinh doanh logistics để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động, kinh doanh logistics của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay của khu vực và trên thế giới.

“Các hoạt động trên nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến vào quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hạ Vũ