Thị trường thế giới đang đối mặt với một vấn đề đơn giản nhưng nghiêm trọng: Không có đủ đồng dollar Mỹ (USD) để thực hiện các giao dịch. Điều này đã khiến chỉ số Dollar Index (DXY) tăng hơn 4% trong tuần trước. Chỉ số DXY đo lường giá trị của đồng với một rổ các đồng tiền chính trên thế giới bao gồm đồng EUR Châu Âu, đồng Bảng Anh, đồng Yên Nhật Bản, đồng dollar Canada, đồng Franc Thuỵ Sĩ và đồng Krona Thuỵ Điển.
Trong bối cảnh đồng USD trở nên khan hiếm trên thị trường, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong tuần trước cho biết đã thiết lập các kênh hợp tác với 9 ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, bao gồm Ngân hàng Trung ương Australia và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore, để gia tăng nguồn cung đồng USD trên thị trường thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với mục tiêu bình ổn thị trường tiền tệ toàn cầu. Điều này cho phép các ngân hàng cung cấp ra thị trường khoảng 450 tỷ USD từ các quỹ bổ sung và sự hợp tác giữa FED với 9 ngân hàng trung ướng lớn sẽ kéo dài trong ít nhất 6 tháng tới đây.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định hiện vẫn chưa chắc chắn liệu các động thái trên của FED có đủ để kiềm chế sự gia tăng tích trữ USD của giới đầu tư trong bối cảnh các thị trường đều chao đảo trong thời gian gần đây.
Ông Khoon Goh, trưởng ban nghiên cứu tập đoàn Ngân hàng ANZ, nhận định chỉ số DXY có thể sẽ vượt lên mức 105 điểm trong ngắn hạn. Lần gần nhất chỉ số DXY đạt ngưỡng 105 điểm là hồi cuối năm 2020; trong phiên giao dịch ngày 23/3, chỉ số DXY đã đạt gần ngưỡng 102 điểm.
Ông Khoon Goh cũng cho biết “Việc các ngân hàng trung ương hợp tác thực hiện các hợp đồng hoán đổi tiền tệ đã giúp bình ổn thị trường phần nào. Tuy nhiên, những động thái này không chắc sẽ đủ kiềm chế nhu cầu ngày càng gia tăng về đồng USD. Dựa trên góc độ kỹ thuật, đồng USD có thể đang trong tình trạng “quá mua”, do đó một số điều chỉnh có thể xảy ra trên thị trường. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là sự tạm dừng trước khi đồng USD được đẩy giá lên cao hơn nữa”.
Sự gia tăng mạnh của đồng USD không phải là điều quá ngạc nhiên trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh. Tuy nhiên, sự gia tăng của đồng USD đang gây tác động lên một số khía cạnh:
Tin xấu cho các thị trường mới nổi: Nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như đồng Real của Brazil, đồng Rupee của Ấn Độ và đồng Rupiah của Indonesia đang giảm xuống mức thấp kỷ lục. Giới phân tích nhận định nhóm các nước nền kinh tế lớn G20 có thể sẽ can thiệp thị trường tiền tệ trong thời gian tới.
FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ về mức 0%, đồng thời hầu hết các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi cũng cắt giảm mạnh lãi suất để đối phó với các tác động kinh tế của đại dịch toàn cầu virus Covid-19.
Tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục khẳng định ông không thích việc đồng USD tăng giá, việc đồng USD tăng giá cao sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của nước này suy giảm, đặc biệt là khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất được phục hồi. Việc đồng USD tăng giá mạnh sẽ khiến hàng hoá của Hoa Kỳ trở nên kém cạnh tranh hơn do giá cả trở nên đắt hơn so với hàng hoá của các nước có bệ đỡ tiền có giá thấp hơn.
Thế giới quá phụ thuộc vào đồng USD: Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hơn 61% tổng lượng dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng ngoài Hoa Kỳ là bằng đồng USD. Bên cạnh đó, gần 40% số nợ của thế giới được tính bằng đồng USD. Đồng USD và đồng EUR hiện là hai loại tiền tệ thống trị đến 80% dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu.
Diễn biến cặp tiền tệ đồng USD – EUR: Thị trường ngoại hối toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cặp tiền tệ USD – EUR. Theo ông Divya Devesh, chuyên gia phân tích ngoại hối tại ngân hàng đầu tư Standard Chartered, cho biết “Chúng tôi (Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ là -3,3%, trong khi đó, dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ là -0,3%. Tăng trưởng kinh tế thấp có thể ảnh hưởng đến diễn biến của đồng EUR”.
Ông Khoon Goh nhận định đà tăng giá của đồng USD sẽ liên quan đến tốc độ lây lan của dịch virus Covid-19; đồng USD sẽ chỉ giảm xuống khi dịch virus Covid-19 đạt đỉnh và số ca nhiễm bệnh bắt đầu giảm xuống, đồng thời tình trạng bán tháo trên thị trường dừng lại.
Tuy nhiên, ông Divya Devesh cho biết các động thái của FED có thể giúp kìm hãm đà tăng của đồng USD. Mục tiêu của hoạt động hoán đổi tiền tệ giữa FED với các ngân hàng trung ương lớn là cho thị trường thấy sẽ có đủ số USD, điều này sẽ giúp nâng cao mức độ tự tin của các tổ chức tín dụng cho việc hỗ trợ thị trường tài chính.
Hiện thị trường đang theo dõi chặt chẽ sự chênh lệch giữa mức lãi suất LIBOR và tỷ giá Hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS). Mức chênh lệch này được coi là một chỉ báo rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra. Theo ông Divya Devesh, vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là đảm bảo các thách thức kinh tế hiện nay không dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh khoản.