Sau những chuyến đi thực tế, được "đồng hành" theo chân những người thợ điện vùng cao trên các tỉnh biên giới phía Bắc, đến từng thôn, bản vào những ngày mưa giăng chớp giật, cả những ngày nắng cháy da người, tôi mới thấm hết nỗi nhọc nhằn của người thợ điện vùng cao và được biết đến nhiều câu chuyện buồn, vui và cả những tình huống "éo le" có một không ai. Trong vô vàn những tình huống đó, chuyện về người thợ điện ở Hà Giang, một tỉnh có địa hình hiểm trở nhất các khu vực vùng cao Tây Bắc, nơi bốn bề là núi đá tai mèo dựng ngược, vực sâu thăm thẳm, quanh năm có mây trắng phủ kín “cổng trời” lạnh giá đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi.
Ông Hoàng Văn Thiện - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Phụ trách địa bàn vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, Công ty Điện lực Hà Giang có nhiệm vụ cung ứng điện trên địa bàn có diện tích 7.831,1 km2, vùng đồi núi chiếm trên 80%, với 22 dân tộc chung sống phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, điện dùng cho thắp sáng sinh hoạt chiếm đến hơn 66%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ở vùng đồng bằng, thành phố, nếu công việc thu tiền điện được cho là khá nhàn nhã, thì đối với những người công nhân của ngành Điện Hà Giang, đây lại là một công việc không hề đơn giản, nhiều lúc gặp những tình huống dở khóc, dở cười… Do mật độ dân cư thưa thớt, nhà này cách nhà kia cả một quả đồi nên công tác thu tiền điện ở đây gặp rất nhiều gian nan. Người dân nơi đây sử dụng điện rất ít, có hộ khoảng 2 - 3 tháng mới dùng hết 1, 2 số điện, mà theo đơn giá mới, mỗi cuống hóa đơn trị giá 9.900 đồng, như vậy là Công ty phải bù lỗ. Đôi khi các hộ dân còn không có tiền, lấy gà, trứng, rau để trả tiền điện…, còn những bản ở xa, công nhân điện lực phải đi 3, 4 ngày đường mới đến nơi, gõ cửa từng nhà nhưng có khi họ đi làm nương rẫy cả ngày mình vẫn phải chờ, hoặc quay đi quay lại đến 5 - 6 lần, chi phí và công sức đi lại lớn hơn chi phí tiền điện rất nhiều - một anh công nhân tâm sự. Những nơi xa quá, Công ty phải nhờ đại lý đọc chỉ số và thu hộ tiền. Còn nếu xảy ra sự cố, Công ty phải cử những thợ điện đi hàng mấy chục km để đến sửa.
Công nhân Công ty Điện lực Hà Giang xuống thôn bản kiểm tra, bảo dưỡng đường điệnMùa khô ở vùng cao Hà Giang thì rét buốt, còn mùa mưa thì những huyện ở phía Tây đường sá thường xuyên sạt lở, rất dễ gây nguy hiểm cho người đi lại. Vậy mà, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân và đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện, những “người lính” điện lực nhiều khi phải lội suối, đi bộ cả chục km đường rừng để lắp đặt mới cho người dân cũng như sửa chữa những điểm xung yếu mất an toàn hoặc bị sự cố do thiên tai. Không chỉ gặp khó khăn về thời tiết, ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn đối với các công nhân điện lực trong việc trao đổi, giao tiếp, chuyển thông tin đến người sử dụng điện là người dân tộc. Mà Hà Giang thì có tới 22 dân tộc sinh sống, việc biết một vài thứ tiếng dân tộc đã khó, biết đủ hết ngần này quả là một thách thức quá lớn đối với công nhân điện lực.
Khó khăn là vậy, nhưng mỗi cán bộ công nhân viên của Điện lực Hà Giang vẫn không ngừng nỗ lực. Trong điều kiện công tác khó khăn, hơn lúc nào hết, vấn đề lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của người thợ điện vùng cao lại được đặt lên hàng đầu. Truyền thống và đạo lý đoàn kết, thương người như thể thương thân đã như ngọn lửa cháy âm ỉ, sưởi ấm tinh thần, nhiệt huyết của họ, dẫn bước họ trên mỗi chặng đường xa. Bên cạnh đó, thợ điện vùng cao còn nhận được sự động viên khích lệ rất lớn từ gia đình và bạn bè đồng nghiệp - những người thấu hiểu tính chất, đặc thù công việc này, từ đó tạo niềm tin để người thợ điện yên tâm công tác. Ngoài ra và rất đỗi dễ thương còn là tình cảm hồn hậu, thủy chung của bà con nhân dân các dân tộc vùng cao đối với “cái cán bộ ngành Điện giỏi giang và dũng cảm”.
Từ sự bền bỉ, nỗ lực đó, cùng tình cảm, trách nhiệm ngày càng sâu đậm mà đất và người nơi đây đã gieo sâu vào lòng mỗi cán bộ công nhân Điện lực Hà Giang, mạng lưới điện đã lần lượt vươn tới các xã thôn bản, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Không thể kể hết những khó khăn gian khổ của công nhân điện lực vùng cao, nhưng công sức của họ được ghi nhận bằng những con số giản đơn, nhiều ý nghĩa đối với những người dân nơi đây. Nhờ có những chuyến đồng hành cùng họ, vượt qua hàng trăm khúc cua tay áo, những con đèo chạm mây xanh, chúng tôi mới hiểu và thấm hết hành trình “cõng” điện lên non, nối dài cung đường ánh sáng, mang lại ánh sáng mới, diện mạo mới cho bà con dân tộc vùng biên giới của những người “chiến sĩ áo vàng” ngành Điện Hà Giang.
Những người thợ điện cần cù chính là ngọn lửa tinh thần mãi rực cháy, mãi trường tồn của ngành truyền tải điện. Khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng người kỹ sư, thợ điện vẫn quyết gắn bó với nghề, vẫn dùng quyết tâm của chính mình vượt qua hiểm nguy gian khó. Thật đáng ngưỡng mộ khi các anh vẫn bám trụ trên cao chót vót, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bất kể nắng hay mưa. Khâm phục biết bao khi thấy những đôi tay dù nứt nẻ, rớm máu nhưng vẫn kiên trì làm việc. Những đôi tay ấy đã khơi dòng năng lượng vô biên, những đôi tay ấy chứa đựng cả niềm tin cho cuộc sống tương lai ấm no hạnh phúc, chứa đựng cả bầu trời tinh thần người thợ điện.