Chiến lược "hai nhãn hiệu" và những bài học để đời giúp smartphone Trung Quốc cạnh tranh trên thị trường

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc đang tăng cường tập trung vào phân khúc điện thoại cao cấp bằng cách ra mắt thêm các thương hiệu thứ cấp, trong thời điểm ngành công nghiệp di động toàn cầu vừa có một năm giảm sút doanh thu.

Đầu tháng này, hãng smartphone số 3 là Vivo đã ra mắt dòng smartphone chơi game iQoo. Trước đó, vào tháng 1, Xiaomi thông báo dòng Redmi giá rẻ đã trở thành một thương hiệu độc lập sau khi công ty đưa ra thương hiệu Poco cho phân khúc thị trường cao cấp.

Oppo, nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai Trung Quốc, dự kiến sẽ giới thiệu thương hiệu Reno. Các smartphone Reno của Oppo sẽ là những thiết bị cầm tay cao cấp và sẽ có nhiều thiết bị hỗ trợ 5G.

Nhưng chính Huawei mới là hãng đi đầu xu hướng này, tạo ra một thị trường smartphone sôi động với những sản phẩm có mức giá bình dân, cụ thể là dòng Honor từ năm 2013.

"Honor" là thương hiệu duy nhất xuất hiện trên thân máy, còn tên gọi "Huawei" bị ẩn giấu khá kỹ trên hộp đựng. Dường như, Huawei muốn truyền tải thông điệp rằng, "Honor" là thương hiệu độc lập với Huawei". Tại sao? Bởi ngay từ năm 2014, khi Huawei bị Xiaomi vượt mặt để trở thành tên tuổi smartphone đáng chú ý nhất đến từ Trung Quốc, thị trường smartphone toàn cầu nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng đã bắt đầu chứng kiến những bước ngoặt gây sốc. Năm đó, tổng doanh số toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ máy. Các nhà phân tích nhanh chóng đưa ra nhận định rằng, thị trường smartphone không thể tiếp tục bùng nổ như trước.

Smartphone nhãn hiệu Honor của Huawei đã đạt được thành công trên thị trường.
Smartphone nhãn hiệu Honor của Huawei đã đạt được thành công trên thị trường.

 

"Chiến lược 2 nhãn hiệu rất thành công của Huawei đã bao quát mọi phân khúc thị trường bằng những sản phẩm ở nhiều mức giá. Huawei đã tạo nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đi theo", Jia Mo, một nhà phân tích của hãng Canalys nói. "Những công ty khác nhận ra họ cần mở rộng dòng sản phẩm để tiếp cận nhiều khách hàng hơn".

BBK Electronics Corp, một công ty đã thành lập 24 năm, có trụ sở tại thành phố ven biển phía nam Đông Quan, là đối thủ của Huawei, đang leo lên nhanh chóng trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh. BBK chính là công ty đứng sau Oppo và Vivo và gần đây đã thành lập thương hiệu điện thoại thông minh Android OnePlus và Realme. BBK cũng điều hành một trong những chuỗi cung ứng điện tử lớn nhất và tinh vi nhất thế giới để sản xuất một loạt điện thoại thông minh cho thị trường toàn cầu.

Nhà phân tích Jia của Canalys cho biết xu hướng phát triển nhiều thương hiệu đã tăng tốc vì thị trường smartphone Trung Quốc cạnh tranh gay gắt. Khoảng 3 năm trước, có tới 300 công ty điện thoại di động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh đã khiến con số trên giảm xuống còn khoảng 200 vào năm ngoái, do người tiêu dùng Trung Quốc mua ít smartphone hơn và nền kinh tế trong nước phát triển chậm hơn.

Tuy nhiên, Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi chiếm đến gần 80% thị trường vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu IDC. Các công ty này giành được phần lớn thị trường bằng cách lôi kéo người mua trẻ tuổi và giàu có với nhiều mẫu mã đa dạng.

Theo báo Trung Quốc South China Morning Post, sự phát triển các nhãn hiệu smartphone mới của các ông lớn cũng phản ánh thành công của ngành công nghiệp điện thoại di động Trung Quốc trong việc thay đổi nhận thức mọi người: rằng các nhà cung cấp trong nước chỉ tốt với các sản phẩm chất lượng thấp, rẻ tiền.

Nhãn hiệu smartphone mới Reno của Oppo sẽ có những sản phẩm hỗ trợ 5G.
Nhãn hiệu smartphone mới Reno của Oppo sẽ có những sản phẩm hỗ trợ 5G.

 

Đó cũng là chiến lược quan trọng giữa bối cảnh dự đoán doanh số smartphone toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm thứ 3 liên tiếp. Theo công ty nghiên cứu IDC, ngành công nghiệp di động được dự báo sẽ có doanh số 1,39 tỷ chiếc trong năm nay, giảm gần 1% so với năm ngoái.

Câu hỏi lớn nhất vẫn chưa được trả lời là làm thế nào để đưa ngành công nghiệp smartphone tăng trưởng trở lại. Đối với Xiaomi, nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới, câu trả lời nằm ở việc cung cấp điện thoại thông minh cao cấp với mức giá thấp nhất có thể từ cả thương hiệu chính và thương hiệu độc lập mới.

Lei Jun, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Xiaomi, cho biết sự cạnh tranh hay chồng chéo giữa hai thương hiệu rất tốt cho sự phát triển của đội ngũ.

Mới đây, Xiaomi đã chứng tỏ bản lĩnh của mình khi vượt mặt Samsung, trở thành thương hiệu dẫn đầu về smartphone ở Ấn Độ – thị trường nóng nhất hiện nay. Trong quý cuối cùng năm 2017, Xiaomi chiếm 25% doanh số smartphone tại Ấn Độ. Con số này của Samsung chỉ có 23%.

Phân khúc điện thoại cao cấp, bao gồm các thiết bị có giá từ 400 USD, đã trở nên quan trọng hơn với các nhà sản xuất vì phân khúc này đang phát triển nhanh hơn so với thị trường điện thoại thông minh nói chung. Theo dữ liệu từ Counterpoint Research, phân khúc này đã tăng 18% trong năm ngoái, so với mức giảm 3% trên toàn thị trường.

Mẫu điện thoại thông minh Mi Mix 3.

Mẫu điện thoại thông minh Mi Mix 3.

 

Varun Mishra, nhà phân tích nghiên cứu tại Counterpoint, cho rằng các smartphone 5G, màn hình có thể gập lại và giá cả phải chăng ở các thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Các thương hiệu iQoo của Vivo và Reno của Oppo cũng có các sản phẩm điện thoại di động giá cả cạnh tranh với thiết kế và tính năng cao cấp. Smartphone Reno tập trung vào lớp khách hàng cao cấp, trái với nhận thức chung rằng các thương hiệu Trung Quốc chỉ nhắm đến người tiêu dùng trẻ tuổi và những khách hàng đến từ các thành phố cấp thấp của Trung Quốc.

Thuỳ Linh TH