Dưới đây là một số cách tiếp cận sản xuất thông minh của 3 nền kinh tế Châu Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, gồm: Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Thái Lan 4.0: Tạo lập các cụm công nghiệp công nghệ cao liên hoàn
Được công bố vào năm 2014, Thái Lan 4.0 là mô hình kinh tế chủ đạo trong Chiến lược phát triển quốc gia 20 năm của Thái Lan nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng định hướng bởi công nghiệp nặng (Thái Lan 3.0) sang mô hình phát triển định hướng bởi công nghệ cao, chuyển từ một nền công nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp được thúc đẩy bởi công nghệ, sáng tạo và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Giải pháp cốt lõi để Thái Lan đạt được mục tiêu trên là đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ, tăng cường tự động hoá – số hoá trong sản xuất của 10 nhóm ngành ưu tiên. Đồng thời, tập trung các nhóm ngành này vào cùng một khu vực địa lý có cơ sở hạ tầng tốt, kết nối đồng bộ để tạo ra quần thể liên hoàn các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghệ cao có thể hỗ trợ lẫn nhau, từ đó đạt kết quả cao nhất trong sản xuất công nghiệp và kinh doanh.
Trong năm 2016, Thái Lan đã thành lập Bộ Kinh tế và Xã hội số (MDES) thay cho Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (MICT) nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và tăng cường hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc đổi mới phương thức sản xuất, thành lập các doanh nghiệp – cơ sở sản xuất thông minh với quan điểm công nghệ thông tin sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế quốc gia trong dài hạn.
Đến năm 2017, Thái Lan bắt đầu triển khai Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) - khu vực phát triển đặc biệt gồm 3 tỉnh lớn phía Đông Bangkok với việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung cho các nhóm ngành công nghiệp ưu tiên. EEC được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao tầm cỡ khu vực và thế giới, cửa ngõ logistics trong khu vực.
MDES cũng tung ra nhiều gói hỗ trợ, ưu đãi tài chính để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, tăng cường tự động hoá và nâng cấp dây chuyền sản xuất. Các hệ sinh thái số hoá – tự động hoá giữa các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo nhân lực với các đơn vị nghiên cứu thông qua các dự án được chính phủ Thái Lan tài trợ đang dần được hình thành và hoàn thiện.
Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khu vực EEC và đề xuất đưa 3 tỉnh trong khu vực EEC trở thành vùng đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi thu hút đầu tư. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ Thái Lan đã sửa đổi các quy định để các dự án tại khu vực EEC có thể triển khai trong vòng 8 tháng thay vì 40 tháng như thông thường và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các dự án thông qua quan hệ Đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh đó, Thái Lan đang triển khai nhiều dự án tăng cường kỹ năng cho người lao động làm việc trong khu vực EEC nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo việc thúc đẩy sản xuất công nghệ cao diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
10 nhóm ngành ưu tiên ứng dụng tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số tại Thái Lan gồm: Sản xuất ô tô thế hệ mới, sản xuất thiết bị điện tử thông minh, sản xuất thiết bị y tế, nông nghiệp tiên tiến và công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, sản xuất robot, sản xuất nhiên liệu sinh học và hoá chất sinh học, y tế, hàng không và logistics và các ngành công nghệ kỹ thuật số khác. Đây được kỳ vọng là những nhóm ngành sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn cho Thái Lan.
Malaysia: Đặt trọng tâm vào doanh nghiệp vừa và nhỏ
Malaysia lần đầu tiên đưa ra Chính sách quốc gia về thích ứng với Công nghiệp 4.0 (hay còn gọi là Industry 4WRD) vào năm 2018 với trọng tâm thúc đẩy đổi mới công nghệ - quy trình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học Công nghiệp 4.0 tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Đồng thời, chính sách này khuyến khích các doanh nghiệp SME liên kết với nhau theo cả chiều rộng và chiều sâu dựa trên việc chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo và đặc trưng cao, giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong lĩnh vực sản xuất chế biến – chế tạo tại Malaysia, các doanh nghiệp SME chiếm đến hơn 98% tổng số doanh nghiệp và thu hút gần 42% tổng số lượng lao động trong toàn ngành. Nhằm khắc phục các hạn chế về khả năng nghiên cứu, trình độ nhân lực, quy mô vốn và năng lực tự động hoá của các doanh nghiệp SME, chính sách Industry 4WRD của Malaysia áp dụng chiến lược F.R.I.S.T để thu hút các bên liên quan và tạo lập hệ sinh thái thích hợp, nuôi dũng sự đổi mới và chuyển đổi số trong ngành sản xuất. Cụ thể:
F – Funding (Tài trợ): Chính phủ Malaysia kết hợp với các tổ chức tư nhân cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp SME áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nâng cấp dây chuyền cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển. Các khoản hỗ trợ tài chính này sẽ gắn kèm với các mục tiêu phát triển cụ thể và ưu tiên phân bổ cho những nhóm ngành trọng điểm.
I – Infrastructure (Hạ tầng): Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo việc truy cập, chia sẻ, truyền dẫn, xử lý dữ liệu tốc độ cao tại các khu công nghiệp trọng điểm, các cơ sở đào tạo nhân lực và các viện nghiên cứu; từ đó, tạo ra kết nối số thông suốt giữa các đơn vị sản xuất và các bên liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện mô hình Chính phủ số nhằm giải quyết hiệu quả, nhanh chóng các thủ tục, chính sách đối với các doanh nghiệp SME, từ đó giúp nâng cao tốc độ luân chuyển hàng hoá và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
R – Regulations (Chính sách): Hoàn thiện các khung pháp lý và hệ thống chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp SME chuyển đổi, áp dụng các tiến bộ của Công nghiệp 4.0 thuận lợi hơn; tạo cơ chế ưu tiên triển khai các sáng kiến của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp SME.
S – Skills (Kỹ năng): Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đến việc đào tạo nhân lực thuộc khối ngành STEM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học); cũng như triển khai các chính sách tái đào tạo kỹ nghề nghiệp và nâng cao trình độ của những nhóm lao động có trình độ thấp sang các lĩnh vực khác.
T – Technology (Công nghệ): Hợp tác với các bên thông qua quan hệ Đối tác công tư (PPP) nhằm thiết lập các nền tảng, phòng thí nghiệm và mô hình trình diễn về ứng dụng Công nghệ 4.0 vào trong sản xuất với những đặc thù của ngành sản xuất chế tạo Malaysia, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao mức độ tự động hoá tại các doanh nghiệp SME.
Hiện Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI), một trong những đơn vị chính thực thi chính sách Industry4WRD, đang triển khai nhiều hành động cụ thể như đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng mạng Internet tốc độ cao tại các khu công nghiệp trọng điểm, nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu và đào tạo.
Trong thời gian tới, MITI cho biết sẽ tập trung tái đào tạo kỹ năng công nghệ và kỹ năng quản lý cho nhân sự tại các doanh nghiệp SME cũng như đẩy mạnh việc phân bổ vốn hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất.
Trung Quốc: Công – Tư kết hợp
Được lấy cảm hứng từ chiến lược Công nghiệp 4.0 của Đức, Trung Quốc đã xây dựng và công bố kế hoạch Made in China 2025 vào năm 2015 với mục tiêu trở thành cường quốc chế tạo vào năm 2025 thông qua việc tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong 10 lĩnh vực công nghệ cao trọng điểm. Từ đó, đưa Trung Quốc dịch chuyển từ phân khúc sản xuất dựa trên thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp lên phân khúc sản xuất có giá trị gia tăng cao dựa trên thâm dụng vốn và công nghệ kỹ thuật.
Về định hướng phát triển, Chính phủ Trung Quốc tập trung trước vào các lĩnh vực sản xuất đòi hỏi công nghệ tầm trung rồi tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ cấp cao như trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot...
Nhằm giải quyết bài toán quan trọng về việc phụ thuộc công nghệ nước ngoài cũng như tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa trong các ngành công nghiệp trọng yếu, kế hoạch Made in China 202 tập trung xây dựng 40 trung tâm đổi mới sản xuất quốc gia và 48 trung tâm đổi mới sản xuất cấp tỉnh cho đến năm 2025. Các trung tâm này chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và phổ biến các công nghệ sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng sản xuất thông minh và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp cùng liên kết nhằm tạo ra các chính sách và mô hình phát triển “trọng cung”, cho phép các doanh nghiệp nội địa nước này phát triển mạnh mẽ các chuỗi sản xuất.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất thông minh, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đưa ra nhiều gói hỗ trợ tài chính trực tiếp, tín dụng lãi suất thấp quy mô lớn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp SME. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ tài chính này thường gắn với việc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ nội địa thay vì công nghệ nước ngoài và tăng cường chi cho các hoạt động nghiên cứu chế tạo trong dài hạn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân cũng được khuyến khích rót vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên công nghệ.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn như Alibaba, Tencent, Huawei, ZTE, Baidu… vốn dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất – công nghệ, Chính phủ Trung Quốc đưa ra các chính sách ưu đãi kinh doanh và đổi lại, các doanh nghiệp này tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt của tương lai như công nghệ mạng không dây, chip công nghệ cao, pin xe điện dung lượng cao, xe ô tô tự hành, vật liệu mới…
Sau 6 năm thực hiến kế hoạch Made in China 2025, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như vi mạch, phần cứng điện tử, chip giá rẻ… Dựa trên những thành tựu của kế hoạch sản xuất chế tạo Made in China 2025, Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra bản chiến lược mới China Standards 2035 (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035) với mục đích xây dựng các tiêu chuẩn ở cấp độ quốc gia lẫn cấp độ toàn cầu đối với các công nghệ định hình tương lai trong thập kỷ tới như mạng không dây 5G, trí tuệ thông minh nhân tạo…
Giới phân tích nhận định quốc gia nào nắm giữ các công nghệ tương lai sẽ có được vị thế cạnh tranh to lớn do đó sau khi đã củng cố phần nào năng lực sản xuất, Trung Quốc hướng đến việc định hình sân chơi và viễn cảnh của các công nghệ trong tương lai thông qua việc tạo lập các tiêu chuẩn công nghệ thống nhất trong cả nước và đưa ra nhiều đề xuất hơn cho các tiêu chuẩn toàn cầu.
Các tiêu chuẩn do Trung Quốc tiên phong tạo dựng có thể đem lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nước này và hạn chế phần nào sự cạnh tranh của các đối thủ. Hiện tại, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thiết lập và sử dụng thống nhất các tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
10 lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển của Trung Quốc theo kế hoạch Made in China 2025 gồm: xe hơi chạy bằng điện; công nghệ thông tin - viễn thông thế hệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nano; robot tiên tiến; nông nghiệp sạch; kỹ thuật hàng không vũ trụ; vật liệu mới tổng hợp; y-sinh học chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đường sắt cao tốc.
Giá trị tham khảo đối với Việt Nam
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến việc tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đều đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang sản xuất thông minh, xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia với những đặc điểm, thế mạnh của mình có những cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển sản xuất thông minh khác nhau. Tựu trung lại, có các giá trị tham khảo chủ yếu sau đối với Việt Nam:
Thứ nhất, các quốc gia đều xây dựng kế hoạch, chiến lược tổng thể trong dài hạn nhằm tạo khuôn khổ ở cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp cho phát triển công nghiệp gắn với các tiến bộ khoa học công nghệ trong tương lai. Các kế hoạch, chiến lược này đều xác định rõ các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, nguồn lực thực hiện, vai trò của các bên tham gia cũng như các chính sách khung thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME với nguồn lực hạn chế, chuyển đổi thành công công nghệ sản xuất, một số quốc gia xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các kế hoạch này gắn liền với các nguồn tài chính lớn, ổn định để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận.
Thứ hai, các quốc gia đều quan tâm tạo lập các hệ sinh thái chuyển đổi số - tự động hoá gồm doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo nhân lực, quỹ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước nhằm thiết lập các kết nối ý nghĩa và tạo ra sự hợp lực giữa các bên có liên quan trong quá trình phát triển nền công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau cùng liên kết để phát huy lợi thế riêng của mỗi doanh nghiệp, hoàn thiện và nâng cao sức cạnh tranh của ngành sản xuất trong nước.
Thứ ba, các quốc gia đều chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực thuộc các khối ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật nhằm chủ động thích ứng với nhiều công nghệ phức tạp. Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo và thực hành giữa các đơn vị giáo dục với các doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện liên tục việc tái đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng mới dựa trên yêu cầu thực tiễn phát triển để lực lượng lao động bắt kịp các xu hướng công nghệ số vốn thay đổi nhanh.
Cuối cùng, các quốc gia đều khuyến khích khu vực tư nhân chủ động tham gia quá trình phát triển sản xuất thông minh thông qua quan hệ Đối tác công tư (PPP); nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác. Ngoài ra, việc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đều gắn liền với các mục tiêu cụ thể, có khả năng đo lường và có hiệu ứng lan toả.