Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc cùng 6 Bộ ngành có liên quan đã chính thức công bố “Biện pháp tạm thời quản lý chất lượng than thương phẩm” (gọi tắt là “Biện pháp”). Theo Biện pháp quy định thì kể từ năm 2015, hàm lượng lưu huỳnh trong than thương phẩm phải đạt tiêu chuẩn, đồng thời, các chỉ số về thủy ngân, asen, photpho, clo, flo cũng có những yêu cầu riêng.
Đối với các khu vực bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nhiều sương mù như Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc thì các chỉ số trên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, những nơi như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử, đồng bằng Châu Giang thì sẽ hạn chế tiêu thụ và sử dụng than có độ tro lớn hơn 16%, hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn hoặc bằng 1%. Tiêu chuẩn này được đánh giá là cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của cả nước Trung Quốc.
Biện pháp quản lý chất lượng than thương phẩm đã thu hút được sự chú ý của các chuyên gia trong ngành. Nguyên nhân chính là do Biện pháp này đã quy định rõ yêu cầu chất lượng sản phẩm than thương phẩm tiêu thụ cũng như yêu cầu đối với cơ chế quản lý, giám sát thị trường. Theo đó, trong các loại than thương phẩm, độ tro của than nâu không cao quá 30%, các loại than khác không quá 40%.
Chuyên gia phân tích nhận định, những quy định trong Biện pháp chủ yếu hạn chế đối với hàm lượng tro, lưu huỳnh và những nguyên tố vi lượng khác trong than thương phẩm. Tuy nhiên xét về phạm vi thì tương đối rộng do hiện nay, tỷ trọng loại than có hàm lượng lưu huỳnh trên 3% chiếm rất nhỏ. Hoạt động sản xuất và tiêu thụ than có hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, thế nhưng tỷ lệ này cũng không cao.
Trên thực tế điều tra cho thấy, rất nhiều chuyên gia phân tích trong ngành đánh giá không cao hiệu quả sau khi thực hiện của Biện pháp quản lý mới này. Một chuyên gia cho rằng, những quy định về chất lượng than thương phẩm có thể có tác dụng tích cực nhất định nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường than hiện nay, tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì đó lại là một tin xấu. Đồng thời, cũng chỉ có tác động tương đối nhỏ tới sản lượng than quốc nội cũng như lượng than nhập khẩu. Ngoài ra, phần lớn nguồn than có hàm lượng tro và lưu huỳnh cao hiện nay đều không được trực tiếp sử dụng mà chủ yếu được trộn trong các nhà máy rửa than, nhằm tiết kiệm chi phí, giảm độ tro và lưu huỳnh.