Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng và ban hành một số chính sách hỗ trợ riêng cho nhà đầu tư:
1. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 1483/QĐ-TTg, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 56/2012/NQ-HĐND và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí đến 200 triệu đồng lập hồ sơ dự án đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư từ ngân sách tỉnh; hỗ trợ kinh phí bố cáo thành lập doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm; Hỗ trợ 100% số tiền doanh nghiệp đã nộp các khoản phí, lệ phí.
2. Ưu tiên cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu từng loại lao động của dự án, phù hợp với quy định của tỉnh với mức hỗ trợ 400.000 VNĐ/người (theo quy định tại Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND; Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 24/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh).
3. Tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng đến hàng rào KCN và áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung quy định của Nhà nước.
4. Đối với nhà đầu tư hạ tầng khi thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND và được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND) mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 100% kinh phí: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp; rà, phá bom, mìn trong cụm công nghiệp; Hỗ trợ những hạng mục kỹ thuật trong hàng rào gồm: Hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, mức cụ thể theo quy mô diện tích cụm công nghiệp: 5 tỷ đồng với diện tích nhỏ hơn 10ha; 7 tỷ đồng với diện tích từ 10 đến 20ha; 10 tỷ đồng với diện tích trên 20ha đến 75ha; Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, được hỗ trợ kinh phí một lần để đào tạo nghề là 700.000 đồng/người.
5. Tỉnh có chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án mang tính ưu tiên khuyến khích đầu tư gồm: Dự án Giáo dục - đào tạo, dạy nghề; Y tế; Thể thao; Xử lý môi trường; Dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô, xe máy, linh kiện điện tử.
6. Đối với dự án lớn, tùy theo từng dự án cụ thể, tỉnh có thể xem xét, quyết định các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư theo Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2013 - 2015 nhằm cải thiện PCI.
Những thành quả đạt được từ cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đã phát huy tác dụng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, thể hiện: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực và cao hơn mức bình quân chung của cả nước, bình quân giai đoạn 2001 - 2005 tăng 15,02%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 tăng 18,0%/năm và giai đoạn 2011 - 2014 bình quân vẫn đạt trên 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh từ 18,6% năm 1997 lên 60,39% năm 2013. GDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 1997 mới chỉ đạt 2,13 triệu đồng/người (khoảng 180 USD/người) bằng 48% bình quân chung của cả nước, đến năm 2007 đã cao hơn so mức bình quân Vùng đồng bằng sông Hồng và mức bình quân cả nước; đến năm 2012 đạt 51,2 triệu đồng/người (khoảng trên 2.320 USD/người). Từ một tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ đạt 110 tỷ đồng vào năm 1997 nhưng đến nay Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh có số thu cao nhất cả nước. Năm 2013 tổng thu ngân sách đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 38,4% so cùng kỳ năm trước.
Du khách tham quan đảo Ngọc - Đại LảiVới phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc đã tập trung cho phát triển công nghiệp và KCN. Năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 KCN với quy mô 50ha, đến nay đã hình thành hệ thống 20 KCN, với quy mô gần 6.000 ha, trong đó có 7 khu đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.852,1ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện.
Các chính sách ưu đãi đầu tư mang lại nhiều kết quả tích cực, thu hút được nhiều dự án công nghiệp thương mại trong nước và nước ngoài, nhất là đầu tư FDI như Honda, Toyota, Nissin, Japfa comfeed, Toyota Boshoku, Piaggio, Deawoo Bus, VPIC... sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, với các dự án có quy mô lớn, chủ yếu là Hàn Quốc; xuất hiện thêm các nhà đầu tư đến từ châu Âu (Hà Lan, Pháp).
Đánh giá chung về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp FDI đã và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Vĩnh Phúc. Theo họ, những yếu tố “được” của môi trường đầu tư - kinh doanh ở đây là sự ổn định về xã hội - chính trị, dễ tuyển dụng lao động và quy mô thị trường gia tăng. Các doanh nghiệp đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân, vì họ nhận thấy tỉnh có nền công nghiệp phát triển và có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng phát triển.
“Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và môi trường đầu tư thông thoáng, tỉnh Vĩnh Phúc hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư ở Vĩnh Phúc thành công, cùng chung sức xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.