Vào lúc 14h26 hôm nay (theo giờ Việt Nam), giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 0,4% lên 5.908 USD/tấn; giá đồng đã xác lập tuần tăng giá thứ ba liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay, giá đồng giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cũng tăng 0,3% lên 47.320 NDT (6.722,64 USD)/tấn.
Giá nickel giao sau 3 tháng trên sàn LME đã tăng 1,1%; giá nickel theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn SHFE trong hôm nay cũng đã bật tăng trở lại, tăng 1,9%, sau 8 ngày giảm giá liên tiếp. Giá thiếc trên sàn LME tăng 0,9%; trong khi đó, giá thiếc trên sàn SHFE tăng 0,3%. Trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,1% nhưng giá nhôm trên sàn SHFE đã giảm 0,7%.
Giá của các kim loại công nghiệp được hỗ trợ từ thông tin tích cực về triển vọng thoả thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Trong ngày 4/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cho biết các phiên đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra “rất tốt” và “đi đúng hướng” bất chấp việc Trung Quốc vẫn kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ thuế quan nhắm vào hàng hoá nhập khẩu từ nước này thì Trung Quốc mới đồng ý thông qua thoả thuận thương mại sơ bộ giữa hai nước.
Phát biểu của ông Donald Trump đã giúp thị trường kỳ vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm hoàn tất thoả thuận thương mại sơ bộ, qua đó cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới. Trước đó, ông Donald Trump trong ngày 3/12 đã cho biết thoả thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể phải hoãn đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 vào tháng 11/2020.
Các thông tin trái chiều về tiến triển thoả thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là nhân tố chính chi phối diễn biến giá của các kim loại công nghiệp trong tuần này. Thị trường hiện lo ngại nếu như Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể đạt được một thoả thuận trước ngày 15/12 thì Hoa Kỳ có thể áp đặt thêm thuế quan lên lượng hàng hoá trị giá 156 tỷ USD của Trung Quốc. Điều này có thể khiến các xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn.
Thị trường tiếp tục quan sát kỹ các diễn biến đàm phán thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường hiện chờ đợi các số liệu mới về nền kinh tế Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần tới. Trước đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 11/2019 đã cho thấy ngành sản xuất của nước này đã được mở rộng và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuối năm 2016.
Trong thời gian tới, giá nickel được dự báo sẽ có sự biến động trong bối cảnh sản lượng nickel của Indonesia được dự báo sẽ đạt 70 triệu tấn/năm từ nay đến năm 2022, thấp hơn mức dự báo 91 triệu tấn/năm được đưa ra trong tháng 11/2019.