
Trong gần một thập kỷ “mất mát” kể từ sau khủng hoảng tài chính, năm 2017 là năm thị trường chứng khoán hứa hẹn những đột biến không ngờ nhất.
Kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán
5 tháng đầu năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục về mức độ phục hồi cũng như sự sôi động sau khi vượt qua được thời kỳ “hàn gắn” hậu khủng hoảng để bước vào chu kỳ phục hồi tăng trưởng.
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng gần 12,8%, lọt vào nhóm những thị trường tăng trưởng tốt nhất của khu vực châu Á. Riêng trong 1 tháng qua, thị trường Việt Nam còn nằm trong Top 7 thị trường mạnh nhất thế giới theo số liệu của World Market Indices, sau thị trường Hàn Quốc, Áo, Ấn Độ, Hồng Kông, Hungary và Nigeria.
Các thị trường quanh khu vực thậm chí còn có mức tăng trưởng kém xa Việt Nam. Ví dụ thị trường chứng khoán Thái Lan từ đầu năm đến nay chỉ tăng trưởng 1,54%, Malaysia tăng trưởng 9,34%, Indonesia tăng trưởng 7,15%, Singapore tăng 12,28%, Pakistan - thị trường vừa được nâng hạng lên mức mới nổi (cao hơn Việt Nam) tăng 4,73%...
Thực tế xu hướng tăng trưởng rõ ràng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu từ đầu năm 2016 sau khi thoát ra khỏi xu hướng đi ngang kéo dài 2 năm 2014-2015. Nếu tính cả xu thế dài hạn đang tăng trưởng hiện tại, VN-Index đã tăng tới gần 44% trong vòng 16 tháng.
Kể từ sau khi chạm đáy khủng hoảng toàn cầu cuối tháng 2/2009, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng kéo dài và mạnh như vậy. Điều này báo hiệu một sự thay đổi trong tính chất của xu thế tăng trưởng, không còn là một xu thế phục hồi hậu khủng hoảng nữa mà là đang lấy lại đà tăng trưởng dài hạn.
Không chỉ có mức độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Với bất cứ thị trường tài chính nào, tăng trưởng điểm số chỉ là một yếu tố đo lường, điều quan trọng nhất vẫn là khả năng hấp thụ và luân chuyển vốn. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế nên càng nhiều tiền đổ vào thị trường càng chứng tỏ nguồn lực to lớn mà kênh đầu tư này thu hút được. Năm 2017 chắc chắn là năm đánh dấu sự thay đổi về chất trong quy mô thanh khoản của thị trường.
Tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 5 tháng đã lên tới trung bình 85.271 tỷ đồng mỗi tháng, cao hơn mức trung bình của năm 2016 khoảng 38%. Đặc biệt trong tháng 5 vừa rồi quy mô giao dịch đã thiết lập kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán kể từ khi khai mở: Giá trị giao dịch trong tháng đạt 123.755 tỷ đồng.
Về bản chất, con số cực lớn nói trên thể hiện tổng lượng vốn hoạt động trên thị trường chứng khoán. Mức độ thu hút nguồn lực từ dân cư càng lớn thì thị trường chứng khoán càng hiệu quả. Nguồn lực này sẽ được đưa tới doanh nghiệp thông qua các nghiệp vụ huy động vốn như cổ phần hóa, phát hành cổ phần tăng vốn.
Trong nguồn lực đang tăng trưởng với tốc độ hai con số đó, nguồn tiền đến từ bên ngoài cũng gia tăng rất đáng kể. Năm 2017 cũng gần như chắc chắn sẽ là năm lượng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam ở mức kỷ lục kể từ sau khủng hoảng.
Thống kê từ đầu năm 2017 đến hết tuần đầu tiên của tháng 6/2017, tổng giá trị vốn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 7.350,6 tỷ đồng. Con số này có vẻ hơi mơ hồ, nhưng kỷ lục cao nhất từng được ghi nhận về quy mô mua ròng tính theo cả năm kể từ 2009 đến nay là 8.748,2 tỷ đồng của năm 2014. Chưa hết nửa năm 2017, dòng vốn vào đã xuýt soát kỷ lục đó thì 6 tháng cuối năm không mấy khó khăn để phá kỷ lục.
Chu kỳ tăng trưởng
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuổi đời còn mới, thậm chí mới trải qua được một chu kỳ tăng trưởng và suy thoái thực sự. Tuy nhiên đặc điểm chung của một chu kỳ tăng trưởng dài hạn thường có biểu hiện rõ ràng là quy mô thị trường gia tăng với mức độ thanh khoản lớn, điểm số tăng trưởng và dòng vốn nước ngoài chảy vào quy mô lớn. Nền tảng cho những diễn biến nói trên từ thị trường chứng khoán là một nền kinh tế tăng trưởng tốt.
Quả thực nếu nhìn lại thời kỳ tăng trưởng 2006-2007 thì tuy quy mô thanh khoản so với hiện tại chỉ bằng một phần nhỏ (giao dịch 1.000 - 1.500 tỷ đồng/ngày đã là khủng khiếp) nhưng so với thời kỳ 2003-2005 đã là tiến bộ vượt bậc. Dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường thì không cần phải bàn cãi, thậm chí còn đem đến cú sốc chưa từng thấy về thu hút ngoại tệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô thời điểm đó cũng đưa Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trên thế giới.
Thị trường chứng khoán hiện tại tái lập các dấu hiệu của thời điểm 2006-2007 với mức độ cao hơn. Khác biệt duy nhất có lẽ là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế không còn nóng với mức lạm phát cao ngất.
Dòng vốn nước ngoài là thước đo nhạy nhất về triển vọng của một thị trường chứng khoán và quy mô chảy vào thị trường Việt Nam rất lớn từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường này đang hấp dẫn. Thời điểm 2006-2007 thị trường chứng khoán Việt Nam và nền kinh tế được kỳ vọng lớn, vốn ngoại vào rất mạnh. Khung hoảng 2008-2009, vốn ngoại tháo chạy kỷ lục. Năm 2016 dòng vốn này dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam cũng bị rút đi khoảng 7.120,6 tỷ đồng.
5 tháng đầu năm 2017, lượng vốn chảy trở lại thị trường Việt Nam đã thừa để bù lại mức vốn rút đi năm 2016. Nếu một thị trường chứng khoán nói riêng là nơi để các dòng vốn thông minh tìm kiếm cơ hội thì trên quy mô toàn cầu, các thị trường chứng khoán quốc gia là nơi để các dòng vốn đầu tư quốc tế lựa chọn. Vì thế, dòng vốn ngoại đổ vào một thị trường càng lớn càng chứng tỏ sức hấp dẫn cũng như mức độ đánh giá triển vọng của nền kinh tế đó.
Hiện tại có nhiều điểm giống với thời kỳ 2006-2007 khi nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều khác biệt sau gần một thập kỷ suy thoái là thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển hơn, quy mô lớn hơn, cộng đồng nhà đầu tư thông minh hơn và hoạt động của thị trường đã hiệu quả hơn.