“Hộ chiếu vắc-xin” là gì?
Đây là chứng nhận một cá nhân đã được tiêm phòng vắc-xin COVID 19 hoặc đã bị nhiễm COVID 19 và đã điều trị khỏi, tức là trong cơ thể đã có kháng thể COVID 19.
Hộ chiếu vắc-xin thể hiện các thông tin thể hiện các thông tin cho biết cá nhân đã được tiêm phòng vắc xin virus corona. Cá nhân có thể lưu trữ hộ chiếu vắc-xin của mình trên điện thoại, ví điện tử, và có thể xuất trình dưới dạng mã QR.
Các chính phủ áp dụng hộ chiếu vắc-xin đều hướng tới một mục đích chung là mở lại biên giới một cách an toàn, giải phóng nền kinh tế khỏi tình trạng phong tỏa và khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân.
Tình hình triển khai “hộ chiếu vắc-xin” ở một số quốc gia
Hiện nay, đã có một số quốc gia chính thức cấp hộ chiếu vắc-xin với các tên gọi khác nhau: Trung Quốc là “giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế”, Israel là hộ chiếu vắc-xin “thẻ xanh”, Ả rập Xê-út là “hộ chiếu sức khỏe”, và Iceland là “chứng nhận tiêm chủng”.
“Giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế” của Trung Quốc đóng vai trò như một phiên bản quốc tế của hệ thống mã sức khỏe lâu đời của nước này. Người dân Trung Quốc đã có thể sở hữu chứng nhận y tế điện tử thông qua một chương trình trên nền tảng mạng xã hội WeChat kể từ ngày 8.3. Tuy nhiên, chứng nhận này hiện chỉ áp dụng cho công dân Trung Quốc. Nước này cũng không tiết lộ kế hoạch cấp giấy chứng nhận cho công dân nước ngoài sống trong hoặc ngoài nước.
Israel cũng đã triển khai việc cấp “thẻ xanh” cho những người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin ngừa COVID-19, cho phép họ ra vào các địa điểm hạn chế vì dịch như khách sạn, phòng gym, nhà hát và các cơ sở giải trí. Ngoài ra, Bahrain đã áp dụng hộ chiếu vắc-xin từ tháng 2.2021 thông qua ứng dụng Be Aware.
EU đã công bố các đề xuất cho “hộ chiếu vắc-xin” ở EU với tên chính thức là “thẻ xanh kỹ thuật số” hôm 17.3. Theo đó, thẻ được cấp miễn phí dưới cả 2 dạng giấy và kỹ thuật số, bao gồm giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và giấy chứng nhận dành cho người đã khỏi COVID-19 trong 180 ngày qua. EU hi vọng đến tháng 6.2021 sẽ áp dụng “thẻ xanh” này.
Trong khi đó, một số quốc gia khác vẫn đang nghiên cứu và thảo luận về cơ chế này như Mỹ, Anh, Việt Nam…
Các mối lo ngại khi áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”
Có thể thấy hiện nay đang thiếu sự thống nhất hay quy chuẩn về vai trò và cách thức sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” trên toàn thế giới. Có hai nguyên nhân chính cho thực trạng này.
Thứ nhất, do vắc-xin phòng COVID-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp nên còn đó nhiều câu hỏi về thời gian tác dụng của vắc-xin, tính hiệu quả của từng loại vắc-xin hay tính hiệu quả của vắc-xin đối với các biến thể mới của virus.
Thứ hai, quan điểm chống dịch của mỗi quốc gia là khác nhau. Một số quốc gia bao gồm Trung Quốc theo đuổi mô hình ngăn chặn triệt để các ca lây nhiễm, trong khi nhiều quốc gia phương Tây muốn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm để đổi lấy việc hạn chế các tác động tiêu cực lên kinh tế, xã hội.
Ưu điểm của chương trình “hộ chiếu vắc-xin” là rõ ràng. Tuy nhiên, trong một báo cáo tạm thời hồi tháng 2, WHO đã đưa ra nhiều lo ngại về mặt khoa học, đạo đức, luật pháp và công nghệ nhằm khuyến cáo chính phủ các nước cần thận trọng khi theo đuổi chương trình này.
Đáng chú ý, tấm “hộ chiếu vắc-xin” trong đại dịch COVID-19 có thể sẽ gây ra nguy cơ phân biệt đối xử giữa nhóm người được tiêm chủng và nhóm người chưa tiếp cận được vắc-xin, cũng như không công bằng với nhiều quốc gia chưa thể tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19. Những người lớn tuổi không am hiểu công nghệ hoặc những người nghèo không đủ tiền mua điện thoại thông minh khó có thể tiếp cận hộ chiếu vắc-xin điện tử.
Bên cạnh đó, việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” vô hình trung đã vi phạm quyền bảo vệ thông tin y tế của các cá nhân như tuổi tác, dân tộc, giới tính, tiền sử bệnh. Ngoài ra, vấn đề về gian lận cũng có thể phát sinh như hộ chiếu vắc-xin giả.