Chương trình SDNLTK&HQ giai đoạn 2011-2015 thiết thực và hiệu quả

Ngày 25/3/2011, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn I (2006 -2010). Trong 5 năm qua, cả nước đã tiết kiệm
Đến thời điểm này, Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2006 -2015, cơ bản đã hình thành khung pháp lý trong lĩnh vực SDNLTK&HQ. Việc ra đời Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2011 là một công cụ pháp lý quan trọng và hữu hiệu trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ hướng dẫn thi hành Luật đã và đang lần lượt được ban hành, là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động trong Chương trình. Hệ thống mạng lưới các Trung tâm tiết kiệm năng lượng, đơn vị tư vấn năng lượng được hình thành là chỗ dựa về kỹ thuật và trợ giúp các doanh nghiệp làm kiểm toán năng lượng, tư vấn đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, các hoạt động về truyền thông phổ biến kiến thức trong việc sử dụng thiết bị năng lượng gia dụng, các dự án xây dựng mô hình gia đình tiết kiệm năng lượng, phát triển sử dụng năng lượng tái tạo đã được triển khai đến các phường, xã ở thành phố và nông thôn. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án của Chương trình đạt hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng, góp phần giảm chi phí năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Đại diện các tập thể nhận bằng khen của Bộ Công Thương.


Theo Ban Chỉ đạo Chương trình cho biết, với tổng kinh phí cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 1 là 169,1 tỷ đồng; trong đó, 124,1 tỷ đồng thuộc kinh phí sự nghiệp và 45 tỷ đồng dành cho các dự án hỗ trợ đầu tư, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng được các Chương trình Tiết kiệm năng lượng trên địa bàn quản lý. Qua đó, nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ ở các địa phương. Mạng lưới các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và các Trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ được hình thành trên phạm vi toàn quốc đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai có hiệu quả hoạt động của chương trình. 

Đối với các doanh nghiệp, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, tư vấn các giải pháp kỹ thuật cho các doanh nghiệp, các tòa nhà, thực hiện các hoạt động đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2010, sản lượng điện tiết kiệm của các tỉnh, thành phố đã bằng khoảng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm, tập trung vào lĩnh vực cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt - dịch vụ. Riêng năm 2010, tổng số điện tiết kiệm đạt 1,184 tỷ kWh, tăng 42% so với kế hoạch. 

Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã cho rằng, hiện nay, công nghiệp và xây dựng hiện là lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm điện lớn nhưng chưa thực hiện hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên do là phần lớn các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhận thức của chủ doanh nghiệp còn hạn chế; kinh phí và vốn đầu tư để thay thế, cải tiến về công nghệ là vấn đề khó khăn và cần có thời gian. Để đảm bảo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác đối với từng đối tượng sử dụng điện, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; trong đó có việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi Luật SDNLTK&HQ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và văn bản hướng dẫn đối với các nhóm khách hàng công nghiệp trọng điểm, tòa nhà thương mại, trang thiết bị sử dụng năng lượng... xây dựng và áp dụng giá năng lượng phù hợp để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng. 

Về thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình (2011-2015), Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chỉ ra những khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ, tiềm năng TKNL ngày càng khó khăn..., vì vậy, để thực hiện có kết quả giai đoạn II mà mục tiêu cụ thể là tiết kiệm năng lượng từ 5-8%, thì cần phải có sự hợp tác của các bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng xã hội cùng chung sức thúc đẩy các hoạt SDNLTK&HQ mạnh mẽ hơn. Thứ trưởng cũng cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch SDNLTK&HQ của địa phương, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các Tập đoàn kinh tế cũng cần chủ động, tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm điện nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt chú trọng đối với một số lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai thác khoáng sản, đóng tàu, hóa chất....