"Gửi cháu.
Cháu nói đúng, dường như văn học dân gian chẳng mấy
khi cho ta một hình ảnh đẹp về chuyện "đi bước nữa", dù điều ấy xảy
ra ở người đàn ông hay người phụ nữ. Nào là “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ
đi lấy chồng con ở với ai?”. Nào là “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ
biết thương con chồng”. Những câu chuyện cổ tích ta đọc thời thơ ấu “Tấm Cám”,
“Lọ Lem”, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”,… cũng khiến những đứa trẻ
"nâng cao cảnh giác" trước những bà mẹ kế tham lam độc ác và thường
cuộc đời có kết cục chẳng ra gì.
Nhưng cháu ơi, cuộc đời không hẳn là thế. Cuộc đời
sinh động và phong phú hơn những câu chuyện trong sách ta đã đọc.
Thực ra, tôi thấy bố cháu không làm điều gì sai với
vong linh của mẹ cháu cũng như thiếu trách nhiệm với hai chị em cháu. Bố cháu
hoàn toàn có quyền tục huyền. Vả lại bố cháu đã qua thời kỳ mãn tang vợ (các cụ
còn gọi là "đoạn tang", được tính là 3 năm sau ngày mất người bạn đời)
mà vì thế, ngay cả ông bà ngoại các cháu cũng không phải chạnh lòng khi nhìn một
phụ nữ khác bước vào nhà thay thế vị trí của con gái mình.
Chắc cháu cũng nhận thấy: Một người đàn bà goá gánh
vác gia đình đã khó khăn vất vả lắm rồi, thì cảnh "gà trống nuôi con"
của bố cháu còn khó khăn vất vả đến đâu?
Đành rằng những việc nấu nướng giặt giũ có thể thuê
người giúp việc nhưng yêu thương dạy dỗ chị em cháu đâu thể giao cho họ làm
luôn được? Bố cháu cần có đời sống riêng của mình nữa chứ?
Rồi sau này chị em cháu đã trưởng thành, ai sẽ là
người bầu bạn với bố cháu đây? Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông" mà, phải
không cháu?
Trên thực tế có nhiều bà mẹ đến sau còn yêu thương
con riêng của chồng hơn cả con ruột, để bù đắp sự thiếu vắng tình mẫu tử mà em
bé đã phải gánh chịu và cũng là để chiến thắng định kiến của miệng lưỡi thế
gian về cảnh mẹ kế - con chồng.
Có ai đó đã nói rằng: Khi cuộc hôn nhân nửa đường
gãy gánh, chẳng khác nào đôi giày bị mất một chiếc. Đừng vứt chiếc còn lại đi.
Hãy tìm cho nó một chiếc cùng kiểu, cùng chất liệu để có thể làm thành một đôi,
nâng bước ta đi tiếp trên đường đời và đến được nẻo hạnh phúc.
"Tình Yêu là tìm được niềm vui trong sự tốt
lành. Sự tốt lành là lý do duy nhất để yêu. Yêu là muốn làm điều tốt lành cho
người mình yêu" – sách đã viết như thế. Nhưng đời thường hơn cháu chỉ cần
nghĩ: Chị em cháu yêu bố. Sao cháu không coi cô ấy như những người bạn đồng
nghiệp của bố mẹ mình? Sao cháu không hỏi ý kiến ông bà nội ngoại của cháu, trò
chuyện với em trai cháu, rồi gợi ý bố đưa cô ấy về nhà? Cả hai phía sẽ làm quen
với nhau và đó là cách giúp bố cháu tìm hiểu cô ấy kỹ càng hơn trước khi quyết
định. Khỏi phải nói, bố cháu sẽ thương quý chị em cháu hơn vì cách xử sự chững
chạc ấy và hương hồn mẹ cháu rất tự hào vì sự trưởng thành của các con mình. Biết
đâu các cháu và cô ấy sẽ tìm thấy nhiều điểm chung, mà điểm chung quan trong nhất
là hai bên cùng yêu thương gắn bó với một người - đó là bố cháu.
Chuyện bánh đúc và xương
TCCT
Khuyên bảo một cô bé đang học lớp 10 có người mẹ đã qua đời hơn 3 năm thế nào khi cô đang rất buồn vì phát hiện ra bố mình có bạn gái? Sự thơ ngây và đau đớn của cô bé đã khiến mối quan hệ giữa “bánh