Chuyển dịch của dệt may nhờ chiến thuật tích lũy ngắn nuôi dài

Có hai nguyên nhân khiến gần 90% doanh nghiệp trong nước đứng ngoài cuộc chơi đầu tư vào khâu giữa là suất đầu tư lớn và môi trường. Vậy dệt may Việt Nam dịch chuyển theo hướng nào?
det may

Điều gì đang xảy ra?

Tính đến thời điểm này, ít có ngành nào phát triển thuận lợi như dệt may. Kim ngạch xuất khẩu tăng 2 con số suốt nhiều năm qua; lọt vào top 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới; xuất khẩu dệt may luôn dẫn đầu về tận dụng ưu đãi trong các FTA thông qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) với trên 50%, so với bình quân 35% của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhưng điều quan trọng hơn, trên thực tế các nhà đầu tư vẫn kìn kìn đổ vào dệt may. Tính từ 2012 đến nay, chỉ có quý IV năm 2016 và quý I năm 2017 lượng vốn có chững lại do tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP, nhưng tính trên tổng thể, mỗi năm dệt may thu hút trên 2 tỷ USD, với tỷ lệ giải ngân trên 80%, cao hơn nhiều so với bình quân trên dưới 50% toàn nền kinh tế.

Cuối năm 2017, Tập đoàn TAL (Hồng Kông) trình tỉnh Vĩnh Phúc Dự án nhà máy dệt nhuộm 350 triệu USD tại KCN Bá Thiện II. Trước đó, Vinatex bỏ 5.500 tỷ đồng đầu tư ở cả thượng nguồn và hạ nguồn, gồm sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và chuyền may. Gần đây, Itochu, một trong những Tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, riêng vốn điều lệ đã lên tới 2 tỷ USD, có mặt tại 139 quốc gia trên thế giới đã rót thêm 47 triệu USD vào Vinatex, nâng số tỷ lệ sở hữu Vinatex từ 5% lên 15% để trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây.

Những sự kiện trên cho thấy, cơ hội làm ăn trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt. Thế nhưng, khi nói về dệt may, điểm nhấn đầu tiên được nghe đến bao giờ cũng là hiệu quả không cao. Mặc cho ngành dệt may nhiều lần đưa ra những con số cụ thể, chẳng hạn năm 2022, xuất khẩu đạt 37,6 tỷ USD, nhập khẩu nguyên phụ liệu và vải nguyên liệu 23,8 tỷ USD, cộng trừ đi, thặng dư thương mại còn gần 14 tỷ USD. Đáng chú ý, so với thời điểm trước dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường Canada, Australia, Mexico, Bangladesh, ASEAN… lại tăng trưởng ở mức rất cao, hai con số. Đặc biệt là xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP như Canada, Australia, Mexico cao cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định FTA thế hệ mới. Riêng xuất khẩu sang Canada tăng trưởng rất mạnh trên 20% mỗi năm (trừ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19) nhờ hiệu ứng và tác động của Hiệp định CPTPP.

Có thặng dư thương mại gần 14 tỷ USD, vẫn được coi là không hiệu quả, điều gì đang xảy ra?

90% đứt gãy khúc giữa

Câu trả lời là, trong số dương (+) gần 14 tỷ USD ấy, trên 90% đi vào nhân công. Tại một hội nghị tổng kết Vinatex, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho biết, chi phí bình quân cho mỗi lao động dệt may Việt Nam khoảng 100 triệu đồng, tính cả lương, các loại bảo hiểm, các loại thuế phí, tiền ăn trưa… Nếu con số này tương đối xác thực thì nhân (x) với 2,5 triệu lao động toàn ngành, chi phí nhân công khoảng trên 12 tỷ USD, số lãi ròng còn lại thu về đến túi doanh nghiệp khoảng hơn 1 tỷ USD. So với 37,6 tỷ USD xuất khẩu, tỷ lệ lợi nhuận chưa đến 4%. Nếu đưa con số doanh thu 1,7 tỷ USD và 120 triệu USD lợi nhuận trên thị trường nội địa để tính chi phí nhân công sát thực hơn, tỷ lệ lãi của dệt may là 3,2%, vẫn ở mức thấp so với tổng tài sản và vốn đầu tư.

Thực lãi của ngành thấp do phải nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều. Cụ thể năm 2022, nhập khẩu bông nguyên liệu của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ, tăng 24,5% so với năm 2021, chiếm gần 99% nhu cầu; nhập khẩu vải nguyên liệu đạt 14,7 tỷ USD, chiếm 70% nhu cầu, nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại 2,55 tỷ USD.

Tuy nhiên, có sự phân chia khá rõ nét, các doanh nghiệp FDI phần lớn đầu tư khép kín từ sợi trở đi; còn doanh nghiệp trong nước có thế mạnh chủ yếu ở khâu đầu (sợi) và khâu cuối (may), còn các công đoạn ở khâu giữa (dệt, nhuộm, hoàn tất vải) chỉ thực hiện được với các doanh nghiệp đầu tầu, số này chưa tới 200, chiếm hơn 4% tổng số doanh nghiệp nội địa.

Có hai nguyên nhân khiến 90% doanh nghiệp trong nước đứng ngoài cuộc chơi đầu tư vào khâu giữa. Nguyên nhân thứ nhất, suất đầu tư lớn. Đầu tư một vị trí làm của công nhân may, doanh nghiệp cần 3.000 USD, đầu tư một vị trí công nhân sợi cần 35.000 USD, nhưng với dệt, nhuộm thì phải mất 200.000USD.

Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến môi trường. Rất nhiều người nói, các địa phương bây giờ “né” dự án dệt nhuộm. Điều đó chỉ đúng một nửa. Sự thực, các tỉnh chỉ không chấp thuận các dự án không làm tốt khâu xử lý nước thải. Mới đây, nhà máy xử lý nước thải ở KCN dệt may Phố Nối B, Hưng Yên bị xử phạt hơn nửa tỷ đồng và phải đóng cửa do nước thải chỉ đạt tiêu chuẩn B. Trong khi đó, các dự án xây nhà máy dệt nhuộm của nước ngoài vẫn được Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh chấp thuận vì nước thải đạt loại A, và được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải 24/7 tại điểm xả thải kết nối trực tuyến tới Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cả hai nguyên nhân trên thực chất chỉ là một: khả năng tài chính.

Tích lũy ngắn nuôi dài

Lấy một ví dụ để so sánh khả năng huy động vốn đầu tư: Vinatex là doanh nghiệp dệt may trong nước lớn nhất, doanh thu xuất khẩu và kinh doanh trên thị trường nội địa hàng năm hơn 5 tỷ USD; vốn hóa trên TTCK hiện nay trên 6.300 tỷ đồng, thế nhưng, năm đầu tư “hoành tráng” nhất để đón đầu TPP của Vinatex là 2016, triển khai 41 dự án, tổng mức đầu tư 5.523 tỷ đồng, tương đương gần 250 triệu USD. Trong khí đó, chỉ với 1 dự án xây nhà máy dệt nhuộm của tập đoàn TAL (Hongkong) ở Vĩnh Phúc cuối 2017, đã lên tới 350 triệu USD. Có thể kể thêm, dự án của Hyosung 660 triệu USD, Texhong 300 triệu USD, Worldon 300 triệu USD, Polytex Far Eastern 274 triệu USD…

Với tiềm lực đó, doanh nghiệp trong nước chuyển hướng thế nào để dịch chuyển lên phân khúc cao hơn về giá trị gia tăng?

Trước hết, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu đầu tư vào chuyền may, và bằng lòng với lợi nhuận ít ỏi. Số khác khá hơn thì đầu tư vào sợi. Số doanh nghiệp đầu tàu, chưa tới 200 như nói ở trên thì có nhiều phương án. Với doanh nghiệp rất lớn như Vinatex có khả năng đầu tư vào cả 3 khâu, nhưng vẫn ưu tiên cho khâu đầu và khâu cuối theo chiến thuật tích lũy lợi nhuận khâu đầu và khâu cuối để đến thời điểm hội đủ điều kiện sẽ tăng tốc đầu tư khâu giữa.  Cụ thể, trong số 5.523 tỷ đồng, thì đầu tư cho chuyền may 2.000 tỷ đồng, sợi 2.048 tỷ đồng, còn khâu giữa là dệt, nhuộm, hoàn tất là 1.399 tỷ đồng. Một phương án khác của Vinatex và nhiều công ty lớn khác như Phong Phú, Thành Công, Tổng công ty 28… là thu hút vốn nước ngoài theo hình thức bán cổ phần, để lấy vốn đầu tư vào sợi, dệt nhuộm.

So với 5 năm trước đây, doanh nghiệp trong nước đã có bước dịch chuyển rõ nét lên phân khúc giá trị cao hơn, nhưng mạnh mẽ nhất là dịch chuyển sang kéo sợi. Với khâu tốn kém nhất là dệt, nhuộm, hoàn tất, sự dịch chuyển chưa nhiều và có vẻ quá sức với phần lớn doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước tiên phong chuyển dịch phần lớn đầu tư cho sản xuất sợi, cho dệt, nhuộm, hoàn tất như Vinatex, Phong Phú, Sợi Thế Kỷ, Liên Phương, Dệt may Thành Công, Tổng công ty 28… Sự tiên phong đó được thôi thúc chủ yếu bởi các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP với dung lượng nhập khẩu dệt may của các FTA này trên 600 tỷ USD mỗi năm.

Cho đến nay, sự chuyển dịch được thực hiện bởi chiến thuật tích lũy ngắn để nuôi dài; tích lũy may để đầu tư cho sợi; tích lũy may, kéo sợi để đầu tư cho dệt, nhuộm, hoàn tất. Nhưng sự tích lũy sẽ nhanh hơn nếu có chính sách chỉ khuyến khích FDI vào khu vực dệt, nhuộm, hoàn tất; với may và sợi - phù hợp hơn với năng lực doanh nghiệp trong nước, nên để dành cho doanh nghiệp trong nước, nếu FDI quan tâm đến khu vực này, cần có điều kiện phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước.

Nguyên Trung