Chuyển đổi mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn: Thách thức đối với ngành Dệt may Việt Nam

Mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn đang trở thành giải pháp cấp thiết để các chuỗi cung ứng có thể vừa đạt được mục tiêu tối ưu hóa hoạt động, vừa đạt được mục tiêu trách nhiệm xã hội.

Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên, sự thay đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh chóng, dấu chân carbon các ngành công nghiệp in trên bề mặt hành tinh xanh ngày càng lớn, trách nhiệm của các chuỗi cung ứng trong việc bảo vệ môi trường ngày càng cao. 

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhưng Dệt may lại là ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, để tạo ra 1 kg sợi, cần tới 200 lít nước. Công đoạn có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu và sau đó là làm sạch sản phẩm cuối cùng.

Trên thế giới, cứ mỗi giây lại có một xe tải chở hàng dệt may được chôn lấp hoặc đốt. Sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp 2 lần từ năm 2000 đến năm 2015 và mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh là tốc độ phát xả chất thải, khí thải ra môi trường ngày càng cao của ngành này.

Đáng chú ý là mới đây, các nước liên minh châu Âu - EU đã ban hành Chiến lược “Dệt may bền vững” và thông qua 3 tiêu chuẩn chính là: độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc; cấm công ty không vứt bỏ quần áo không bán được, hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ… cộng thêm việc siết chặt các chỉ tiêu bao gồm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism  - CBAM) và Chỉ thị thẩm định tính bền vững (The Corporate Sustainability Due Diligence Directive - CSDDD). Điều này càng gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

ngành dệt may
Hơn 80% doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Tính đến hiện nay, ngành Dệt may Việt Nam đã có khoảng 7.000 doanh nghiệp và gần 3 triệu lao động, thuộc Top 2 các ngành xuất khẩu trong nước. Trong ngành, có 70% là doanh nghiệp may, 6% là sợi, 17% là dệt, 4% là nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ. Những tập đoàn dệt may lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty May 10,… đã và đang thực hiện nhiều chính sách, thay đổi trong quy trình để chuyển đổi sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Cụ thể, các Tổng Công ty, Công ty trong Tập đoàn đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Nhiều nhà máy của Vinatex cũng đã lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời. Chỉ riêng trong năm 2023, các nhà máy đã sản xuất ra hơn 25 triệu kWh điện năng lượng mặt trời. Với mục tiêu giảm dần ô nhiễm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn dường như dễ dàng thực hiện hơn đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Trong khi đó, hơn 80% doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam nằm trong đối tượng này, thiếu vốn đầu tư để thực hiện việc chuyển đổi. Khó khăn nữa đến từ việc thiếu quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, đặc biệt về xử lý nước thải, gây áp lực lên tài nguyên nước. Quy trình chuyển đổi còn bị chậm do việc duy trì quan niệm cũ về cấp phép dự án dệt, nhuộm ở một số địa phương. Yếu tố chi phí cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, hoạt động xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp liên ngành, cùng tham gia vào quá trình xử lý các sản phẩm cuối vòng đời, chất thải ở cuối chuỗi cung ứng vẫn còn yếu, dẫn tới việc chuyển đổi sang chuỗi cung ứng tuần hoàn còn chậm chạp.

Mặc dù mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn được xem là mô hình lý tưởng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhưng việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đẩy nhanh ứng dụng mô hình tuần hoàn trong các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đòi hỏi cần phải có lộ trình rõ ràng và sự phối kết hợp của nhiều bên liên quan.

Việc chuyển đổi sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Dệt May Việt Nam vẫn là một khó khăn và thách thức đối với cả doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế và mối quan tâm về môi trường ngày càng lớn của các quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Dệt may Việt Nam cần chủ động tích cực và có lộ trình rõ ràng, quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn cho các chuỗi cung ứng của ngành.

 

Minh Quân