Ngoài nhiệm vụ chính, cán bộ quản lý thị trường (QLTT) còn là những tuyên truyền viên đắc lực. Chia sẻ rõ hơn những nội dung này, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên:Chúng ta đã trải qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 cao điểm. Trong đó, công tác bình ổn, quản lý thị trường nội địa trong thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng tiên phong trong tuyến đầu chống dịch. Xin ông cho biết đánh giá của mình về những điểm nổi bật của hoạt động quản lý thị trường trong thời gian qua?
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Về tổng thể, công tác quản lý thị trường đã thể hiện vai trò nổi bật trong giai đoạn cao điểm phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Thời kỳ đầu, khi dịch lây lan, xuất hiện một số tình huống phức tạp mới, như găm hàng, nâng giá bán khẩu trang hoặc làm hàng giả, hàng nhái, gây sức ép cho người tiêu dùng làm ảnh hưởng tới mục tiêu cũng như công tác phòng, chống dịch của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã vào cuộc, kết hợp cùng các Bộ, ngành khác kiểm tra, xử lý và đặc biệt là xử nghiêm những trường hợp vi phạm, thậm chí là tạm thời đóng cửa. Tất cả những giải pháp trên đã giúp bình ổn thị trường khẩu trang trong nước.
Qua thời gian cao điểm chống dịch, chúng ta thấy rõ, một khi các cơ quan chức năng vào một cách nghiêm túc, đồng bộ và được sự chỉ đạo sát sao, cùng với sự phát hiện và thông tin nhanh chóng của quần chúng, công tác kiểm soát thị trường sẽ được quản lý rất tốt.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, chúng ta đã có những biện pháp chống dịch mạnh mẽ ở các tỉnh, thành có đường biên giới, do đó, hàng nhập lậu hầu như không xuất hiện và vì thế hàng hóa trong nước đã đảm bảo được chất lượng.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức viên chức quản lý thị trường còn góp phần bình ổn thị trường, hạ nhiệt tình trạng găm hàng, tích trữ hàng hóa. Khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa, xảy ra hiện tượng sốt hàng cục bộ... tại thủ đô.
Nắm bắt tình hình này, ngành Công Thương đã sớm vào cuộc công bố thông tin, cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, đồng thời gia tăng dự trữ, điều phối các nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung, giúp người dân bình tâm, dập tắt được nạn đầu cơ mua vét không cần thiết.
Phóng viên: Những kết quả này đã gợi cho chúng ta những bài học gì trong hoạt động bình ổn thị trường, chống gian lận thương mại, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình của lực lượng quản lý thị trường, chúng ta rút ra được 5 bài học.
Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải vào cuộc kịp thời, nghiêm túc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lực lượng QLTT, các cơ sở kinh doanh đã buộc phải ký cam kết niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Trên khắp mạng xã hội đều đăng hình ảnh “Ai bán khẩu trang đắt gấp 10 - 15 lần, gọi ngay theo số điện thoại nóng của QLTT”.
Thứ hai, việc chuẩn bị các nguồn cung để cân đối với nguồn cầu cũng rất quan trọng. Giải pháp này góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cân đối với thị trường khi có biến động và giảm thiểu tình trạng khan hiếm, thiếu hụt, khi đứt đoạn các nguồn cung từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra 5 bài học trong hơn 100 ngày phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng Quản lý thị trường cả nước
Thứ ba, công tác thông tin tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Khi các ngành chức năng thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, thị trường, về khả năng cung ứng hàng hóa cũng như chính sách, quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành... thì chắc chắn những tin đồn sẽ được dập tắt, sẽ loại bỏ được những hành vi đám đông trong mua bán, tích trữ hàng hóa.
Thứ tư, chế tài cần phải nghiêm khắc. Phạt thật nặng, tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần những hành vi đầu cơ, nâng giá, sản xuất khẩu trang giả...
Cuối cùng, để có được những thành quả đó, tôi cho rằng vai trò của Bộ chức năng rất quan trọng, mà ở đây là Bộ Công Thương. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo xuyên suốt, yêu cầu các đơn vị trong Bộ vào cuộc nhanh chóng, xử lý kịp thời những tình huống khẩn cấp.
Đáng chú ý, ngay cả với những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định, triển khai hàng loạt giải pháp nhằm vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Đây là một phần thể hiện năng lực, trách nhiệm, khả năng điều hành của Bộ Công Thương cũng như các bộ chức năng dưới chỉ đạo chung của Chính phủ.
Phóng viên: Từ cuối năm 2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT. Từ đó, Tổng cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc, theo ông mô hình mới này đã giúp lực lượng QLTT nâng cao khả năng đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Rõ ràng là việc thành lập Tổng cục QLTT theo ngành dọc đã đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, của Tổng cục trưởng theo nguyên tắc nhất quán, từ trung ương đến địa phương, giúp mạng lưới kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn, đảm bảo các chính sách được triển khai một cách rộng rãi, thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, mô hình hoạt động theo ngành dọc đã khắc phục được điểm yếu cốt tử - sự chia cắt theo địa bàn. Vì hiện nay gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Hành vi vi phạm không chỉ ở một địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh nữa, mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng, thậm chí móc nối với nước ngoài... do vậy, mô hình quản lý theo ngành dọc giúp lực lượng xử lý kịp thời, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước.
Thứ ba, với nhiệm vụ chuyên trách, tinh thần, kỷ luật làm việc của cán bộ, công chức, viên chức lực lượng quản lý thị trường cũng như nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát được nâng lên, giúp cho công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tốt hơn.
Kể từ khi Tổng cục QLTT được thành lập, trên thị trường tình trạng hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã đã sụt giảm đáng kể.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.