Thomas Smith là một lính Mỹ sang chiến trường Nam Việt Nam lần thứ hai năm 1967 với chức vụ Đại đội trưởng Đại đội A, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn American.
Tháng 1/1969, vào một đêm gần sáng, đơn vị của Thomas đóng ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi bị Quân giải phóng tập kích. Quân Mỹ dù bị động nhưng cũng chống trả dữ dội. Thomas đang nấp trong công sự để chỉ huy, bỗng một chiến sĩ Quân giải phóng vừa nổ từng loạt đạn, vừa lao tới trong cự li rất gần phía trước chỗ anh ta. Thomas liền bắn trả và người chiến sĩ trúng đạn, ngã xuống.
Trận tập kích chớp nhoáng kết thúc trước khi trời sáng, phía Mỹ bị thương vong một số, bên ta đã cơ động về căn cứ nhưng chưa kịp đưa theo mấy chiến sĩ hy sinh.
Khi ngớt tiếng súng, trực thăng của Mỹ chuyển số quân bị thương vong và yểm trợ cho lính bộ binh thu dọn chiến trường. Thomas liền rời vị trí tiến đến chỗ người chiến sĩ Quân giải phóng vừa hy sinh để tìm tài liệu…
Mãi về sau khi Thomas kể lại, ông cho biết người chiến sĩ này còn rất trẻ, vầng trán cao, hy sinh trong tư thế tay phải vẫn nắm chặt khẩu AK, bàn tay trái xòe ra đặt lên lồng ngực như để giữ một vật gì đó bên trong.
Thomas lục soát rất kĩ nhưng không tìm thấy tài liệu gì mà chỉ lấy được một lá cờ đỏ búa liềm gấp cất giữ cẩn thận trong ngực áo người chiến sĩ. Lá cờ được khâu bằng tay, có kích thước 50 x 80 cm và Thomas đã giữ lá cờ này…
Sau đó, Thomas bị thương trong một trận đánh khác cũng ở gần khu vực xảy ra trận đánh trước đó và được đưa về Mỹ chữa trị. Khi đang điều trị tại một bệnh viện quân đội, Thomas nhận được chiếc balô cá nhân, trong đó ngoài tư trang, còn có lá cờ đỏ búa liềm mà ông cất giữ.
Ra viện, Thomas mang theo lá cờ đó về quê nhà với niềm tự hào mà ông coi là “một kỷ vật chiến tranh, một chiến tích đặc biệt” không phải lính Mỹ nào ở chiến trường Việt Nam cũng có được…
Nhưng sau hơn 30 năm lưu giữ lá cờ như một vật sở hữu cá nhân, bỗng Thomas nảy ra ý định sẽ mang lá cờ trao lại cho Việt Nam. Thế rồi nhân chuyến sang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, ông xin gặp đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự để trao lại kỷ vật là lá cờ ấy.
Tại Bảo tàng, Thomas trịnh trọng mở lá cờ ra và trình bày quyết định của mình trao lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho Bảo tàng, lá cờ ông đã lưu giữ 32 năm.
Ông đã thuật lại hoàn cảnh có được lá cờ này và nói: “Từ chỗ tôi tự hào khi có một lá cờ cộng sản nhưng dần dần những tin tức về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đưa về Mỹ với bản thống kê danh sách binh lính Mỹ chết trận ngày càng dài thêm và nhiều dân thường Việt Nam bị giết hại trong cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Tôi ân hận vì đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam. Từ đó, mỗi khi nhìn thấy lá cờ treo trong phòng là nỗi buồn sâu lắng lại xâm chiếm tâm trí tôi.
Mỗi khi thấy mình đang sống hạnh phúc bên người vợ trẻ và hai đứa con gái bé bỏng, tôi lại nghĩ nhiều đến người lính trẻ Việt Nam mà tôi đã bắn chết, tôi thấy đau lòng. Tôi thấy có lỗi với anh ấy. Đã bao năm rồi anh ấy không còn nữa nhưng lá cờ thiêng liêng mà Đảng Cộng sản đã giao cho anh mang theo ra trận thì nay vẫn hiện diện trong nhà tôi. Tôi hình dung trong lá cờ có anh ấy và anh là bạn tôi.
Từ nước Mỹ xa xôi, tôi định khi có cơ hội trở lại Việt Nam, tôi sẽ đưa người bạn thân thiết của mình trở lại quê hương anh ấy. Tôi nghĩ là lúc này anh đã hóa thân trong lá cờ kia và anh thuộc về đồng bào của mình. Tôi đã khóc vì không còn dịp để trò chuyện với anh và nhận ở anh những lời khuyên lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi đã nghiệm ra rằng, từ khi tôi coi anh là người bạn, tôi trở thành người tốt hơn với mọi người. Tôi tự hào vì tình bạn của anh với niềm kính trọng, ngưỡng mộ sâu sắc”.
Kết thúc lời tâm sự, ông Thomas bùi ngùi xúc động nói: “Sau khi trao lại lá cờ cho Bảo tàng, giờ đây người lính ấy đã ‘về nhà’. Còn tôi thì vừa vui lại vừa buồn nhưng tôi tin rằng đồng bào anh luôn tôn vinh sự hi sinh của anh và sẽ bảo vệ anh ở nơi thiêng liêng nhất vì sự trung thành với Tổ quốc và sự hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”.
Sau khi về nước, Thomas làm việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ, là thành viên của Văn phòng trợ giúp nhân đạo và tháo gỡ bom mìn ở Việt Nam. Trong một bức thư gửi tới Việt Nam, ông viết: “... Giờ đây tôi càng thấu hiểu rõ hơn nỗi đau của những người mẹ Việt Nam đã mất con trong chiến tranh. Tôi rất mong được góp phần vào những cố gắng hợp tác nhân đạo thường xuyên để giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xóa bỏ sự đe dọa của bom mìn còn sót lại trong chiến tranh ở Việt Nam”.