Cầu Long Biên
Cầu Long Biên xưa và
nay
Danh hiệu cây cầu sắt cổ nhất Việt Nam thuộc về cầu Long Biên, do
người Pháp xây dựng từ năm 1899, cho đến năm1902 thì hoàn thành. Cầu dài 2.500m, gồm 19 nhịp
dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Trên cầu có đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho
xe cơ giới và đường đi bộ. Một điểm rất đặc biệt là luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở
phía trái, chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.
Ngày 12-9-1898, lễ khởi công xây dựng cầu được tổ chức. Biết bao
nhiêu nguyên vật liệu và còn nhiều hơn thế nữa là biết mấy sức người đã bỏ ra. Người ta đã phải
tuyển mộ hơn 3000 công nhân làm việc suốt ngày đêm, cùng đội ngũ 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia để
điều hành công việc. Cây cầu được hình thành từ 30.000m3 đá và 5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang,
165 tấn sắt, 7 tấn chì.
Cầu Long Biên được ví như một dải lụa vắt ngang sông Hồng, nối bờ
Nam và bờ Bắc. Lúc bấy giờ cầu Long Biên là cây cầu sắt lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, hơn 100 năm
tuổi, cầu Long Biên cũng từng chịu nhiều biến động. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ
1(1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Còn trong đợt 2 (năm
1972) cầu bị ném bom 4 lần, 1500m cầu bị hỏng và 2 trụ lớn bị cắt đứt.
Cho đến nay, người hai bên sông đã vượt sông Hồng trên
nhiều chiếc cầu, nhưng cầu Long Biên vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử. Nhiều phương án khôi
phục lại cây cầu đã được đưa ra nhưng chưa phương án nào được người dân Hà Nội tán đồng. Bởi
lẽ, trong tâm thức mỗi người, cây cầu như một biểu tượng chứ không đơn thuần chỉ là một cây
cầu.
Cũng ở Hà Nội, người dân Thủ đô tự hào được sở hữu một cây cầu
rộng nhất nước, đó là cầu Vĩnh Tuy. Cây cầu được xây dựng trên địa bàn hai quận Long Biên và Hai Bà
Trưng, mặt cắt rộng 38m. Cầu Vĩnh Tuy khởi công xây dựng ngày 3-2-2005 và thông xe kỹ thuật vào
ngày 2-9-2009, có tổng chiều dài 5.830m.
Cầu Bính
Những cây cầu dây
văng
Cầu Mỹ Thuận chính là cây cầu dây văng đầu tiên của đất
nước. Cầu bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu có tổng chiều dài
1.535m, khởi công ngày 6-7-1997 và hoàn thành vào 21-5-2000.Ở phía Bắc, cầu Bãi Cháy nằm trên Quốc
lộ 18, có chiều dài là 903m, chiều rộng 25,3m, nối Hòn Gai với Bãi Cháy (Quảng Ninh) qua eo Cửa
Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long. Đây là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu
tiên của nước ta. Cây cầu còn lập thêm một kỉ lục nữa: chiều dài nhịp chính lên tới 435m.
Không cách xa cầu Bãi Cháy là cầu Bính, được coi là cây cầu dây
văng đẹp nhất miền Bắc cho đến thời điểm này. Cầu nối liền hai bờ sông Cấm, nối trung tâm thành phố
Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và đi ra tỉnh Quảng Ninh. Cầu Bính dài 1.280 m, rộng 22,5 m, với 4
làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Còn cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh
Vĩnh Long, có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, chiều rộng 23,1 m với 4 làn xe với tốc độ thiết kế
80 km/h, mỗi làn rộng 3,5m cùng 2 làn dành cho người đi bộ rộng 2,75 m. Điểm khởi đầu của cây cầu
là tại km 2061 trên Quốc lộ 1 huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối cầu tại km 2077 Quốc lộ 1
quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đây là cây cầu hết sức quan trọng góp phần thông thương tuyến TP
Hồ Chí Minh đi về TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu
Giang.
Tuy nhiên, trước khi đi vào khánh thành và đưa vào sử dụng, cây
cầu đã gặp sự cố hết sức đáng tiếc. Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là một trong những thảm họa cầu
đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam. Sự cố xảy ra vào ngày 26-9-2007. Hai nhịp
cầu dẫn cao khoảng 30 mét giữa 3 trụ cầu đang được xây dựng thì bị đổ sụp, kéo theo dàn giáo cùng
nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc xuống đất. Khi xảy ra sự cố, có 120 công nhân đang làm việc
trên đoạn dầm và 100 công nhân làm việc ở phía dưới.
Sau sự cố, nhiều công việc điều tra nguyên nhân cũng như khắc
phục đã diễn ra dồn dập. Mỗi khi đi qua cây cầu này, không khỏi nhớ tới sự cố cách đây 7 năm về
trước. Đó cũng là bài học đắt giá trong việc thi công những công trình lớn, nhất là đối với
những cây cầu.
Cầu Thị Nại
Cây cầu vượt biển dài nhất Việt
Nam
Đó là cầu Thị Nại. Cầu nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương
Mai, khởi công tháng 11-2002 và hoàn thành vào tháng 12-2006. Cầu gồm 54 nhịp khẩu độ mỗi nhịp là
120m. Cầu Thị Nại như một dải lụa trải ngang biển, tạo nên một vẻ đẹp rất thơ mộng.
Vị trí xây dựng cây cầu này cũng gắn với những biến động lớn của
lịch sử.
Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn thuộc thành phố Quy Nhơn và huyện
Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định. Đầm rộng hơn 5.000 ha. Từ thời vua Lý Thánh
Tông (1054-1072), triều đình đã đưa quân vào nơi trọng yếu này.
Tuy nhiên, trận chiến được coi là khốc liệt diễn ra tại Thị Nại
vào năm Nhâm Tí (1792), khi Nguyễn Ánh cùng tướng Pháp là Dayot và Vannier (tục gọi là Nguyễn Văn
Phấn) dùng hỏa công đốt cháy thủy trại Tây Sơn. Quân Tây Sơn từ thành Quy Nhơn kéo ra đánh lui.
Ngay năm sau, thủy quân Nguyễn Ánh lại ra đánh Thị Nại. Chiến sự giằng co, năm 1799 Nguyễn Ánh cử
đại binh tiến vào cửa Thị Nại. Thành Quy Nhơn và thành Thị Nại rơi vào tay Nguyễn Ánh.
Hiểu rõ Thị Nại là cứ điểm vô cùng quan trọng, là đất dụng binh,
nên cả phía Nguyễn Ánh lẫn Tây Sơn đều quyết lòng chiễm giữ. Năm 1800, các thủ lĩnh Tây Sơn lẫn
chúa Nguyễn đều tăng cường binh lực. Chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng 3 sĩ quan người Pháp là Vannier,
Chaigneau và De Forsans mang theo 4 chiến thuyền hùng mạnh nhất tiến vào đầm Thị Nại. Năm
sau, trận chiến diễn ra vào năm 1801 tại Thị Nại là trận thủy chiến ghê gớm nhất.
Sau này, viên sĩ quan Chaigneau viết: Trước đây chưa trông thấy
quân Tây Sơn, tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ mới biết là mình lầm. Thật vậy, quân của Tây Sơn
đã là một phòng tuyến không sao vượt được. Bấy giờ thời tiết lại xấu, binh sĩ bệnh tật nhiều, tình
thế thật nguy vô cùng... Trong trận đánh dữ dội ấy, theo Lelabousse, quân chúa Nguyễn "thừa đêm tối
và gió xuôi, nhảy lên đốt phá. Họ xông vào cửa biển, ném vung các bó đuốc và đổ dẫn hoả ra". Thế
rồi trận đánh trở nên dữ dội. Quân Tây Sơn từ trên núi và từ các tàu bắn đến. Đám sĩ quan Tây
phương phải lo bảo vệ Nguyễn Ánh. Chiến trận kéo dài 3 giờ sáng đến đứng trưa 1-3-1801. Chaigneau
than rằng, "người Nam chưa bao giờ phải đánh trận dữ dội như vậy" và nhận xét trận này là "đệ nhất
vũ công".
Ngày nay, bãi chiến trường xưa đã là một vùng biển thanh bình,
với cây cầu vượt biển vô cùng duyên dáng đã và đang biến mảnh đất này thành nơi sầm uất.
Đà Nẵng với 2 cây cầu độc
đáo
Mỗi cây cầu đều mang trong mình điều gì đó đặc biệt. Nhưng danh
hiệu "nhất" thì không phải cây cầu nào cũng có. Đầu tiên, có thể phải kể đến cầu sông Hàn (Đà Nẵng)
là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay duy
nhất ở nước ta hiện nay.
Cầu Sông Hàn khởi công ngày 2-9-1998 và đưa vào sử dụng đúng ngày
29-3-2000. Cây cầu không bề thế nhưng hàng đêm, khoảng 1-2 giờ sáng, phần giữa của cây cầu sẽ quay
quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra
biển và ngược lại. Thời gian để cầu quay khoảng 15 đến 20 phút. Sau khi mở cửa khoảng 4 giờ, cầu
Sông Hàn sẽ được xoay về vị trí cũ. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài
33m.
Cũng ở Đà Nẵng, cầu Rồng được coi là cây cầu có thiết kế
độc đáo nhất Việt Nam. Thiết kế mô phỏng hình dáng một con rồng đang bay trên sông, đầu rồng ngẩng
cao, thân rồng uốn lượn và cùng với hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ. Cầu Rồng được Hiệp hội Cầu
đường thế giới ghi nhận là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và lạ nhất Việt Nam. Cầu do
Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thiết kế.
Hôm nay đến Đà Nẵng, một "thành phố đáng sống", đi ngang sông Hàn
trên những chiếc cầu độc đáo, lại càng thấy yêu thêm cuộc sống, và cũng trào dâng tình cảm đối với
những người thợ làm cầu đã nối hai bờ sông chung một nguồn vui.