Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (mã cổ phiếu CNG - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 24/5 tới đây.
Theo đó, CNG Việt Nam lập kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 3.062 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 88,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,5% và 19% so với mức thực hiện của năm 2023.
Bên cạnh đó, CNG Việt Nam cũng đặt mục tiêu sản lượng CNG và LNG sẽ lần lượt đạt 210 SM3 và 30 SM3 trong năm nay.
CNG Việt Nam đã chính thức cung cấp LNG ra thị trường lần đầu tiên từ giữa tháng 3 vừa qua. LNG nhập khẩu về Việt Nam được phân phối đến khách hàng theo 02 phương thức, gồm đường ống và xe bồn.
Với lợi thế sở hữu 70% thị phần khí CNG cùng với hệ thống phân phối CNG (gồm đường ống và xe bồn), CNG Việt Nam được kỳ vọng sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ xu thế “xanh hóa ngành khí” với sản phẩm LNG.
Hiện ban lãnh đạo CNG Việt Nam xác định, LNG sẽ là sản phẩm kinh doanh chiến lược trong giai đoạn 2024 – 2029. Sau năm 2029, CNG Việt Nam dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn CNG bằng LNG. Hiện công ty đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng khí bình quân đạt 11 – 13%/năm trong giai đoạn từ 2023 - 2025. Sau đó, sản lượng khí cung cấp bình quân giai đoạn 2026 - 2030 cao hơn 75% so với mức trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
Bên cạnh đó, CNG Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 60% thị phần phân phối LNG thông qua xe bồn trên toàn quốc.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, CNG Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành được 21% kế hoạch doanh thu và 1,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm dự kiến trình cổ đông.
Giải trình về việc kết quả kinh doanh quý 1/2024 không đạt kỳ vọng, ban lãnh đạo CNG Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng bán khí trong kỳ giảm và giá mua khí đầu vào tăng.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của CNG Việt Nam đạt 1.084 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tiền gửi và các khoản tương đương tiền đạt 296 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 491 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của CNG Việt Nam đạt 480 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm, chủ yếu là khoản phải trả người bán (đạt 342 tỷ đồng, giảm 23%).
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, mảng LNG dự kiến sẽ bắt đầu đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của CNG Việt Nam kể từ quý 2/2024 với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong 2024 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ở mức cao,
Đặc biệt, trong bối cảnh giá khí tự nhiên duy trì ở mức thấp, giá bán khí được tính toán neo theo % giá dầu thô Brent nên CNG Việt Nam sẽ hưởng lợi khi giá dầu thô Brent tăng cao.
Giá dầu thô thế giới hiện được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới dự báo sẽ neo ở mức cao trong năm nay do liên minh OPEC+ cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác và rủi ro đứt gãy nguồn cung trong bối cảnh các xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu hồi phục trong thời gian tới.
Trong kịch bản lạc quan của một số tổ chức tài chính, lợi nhuận năm nay của CNG Việt Nam có thể tăng tới 35% so với năm 2023.