Kết thúc quý 1/2024, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên mức 3.710 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 34%, đạt gần 305 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây của tổng công ty.
Ngoại trừ mảng xây lắp cơ khí (M&C), sự cải thiện được ghi nhận trên tất cả các mảng kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong quý 1/2024. Trong đó, lợi nhuận từ cho thuê kho nổi FSO/FPSO chiếm phần lớn (65%) lợi nhuận của tổng công ty, đạt 197 tỷ đồng, tương đương mức tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận từ tỷ giá hối đoái trong quý của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 64 tỷ đồng, cao gấp 16 lần so với quý 1/2023, cũng góp phần tạo khác biệt so với cùng kỳ năm trước.
Đối với mảng M&C, doanh và lợi nhuận gộp của mảng này đã lần lượt giảm 15% và 27% trong quý 1/2024. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tổ chức tài chính, điều này không đáng lo ngại do đặc thù ghi nhận doanh thu không đồng đều của mảng này. Trên thực tế, mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được nhận định sẽ hưởng lợi đáng kể từ việc Việt Nam đẩy nhanh các dự án dầu khí ngoài khơi, bắt đầu từ cuối năm 2024.
Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, mảng FSO/FPSO được kỳ vọng sẽ trở thành trợ lực tăng trưởng mới cho của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Với việc hoạt động phát triển mỏ thuộc chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn đã được triển khai từ năm ngoái, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang chuẩn bị đấu thầu một kho FSO chứa condensate cho mỏ này.
Theo nhận định của nhiều tổ chức tài chính, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có khả năng cao sẽ giành được hợp đồng FSO trên dựa vào vị thế thị trường, kinh nghiệm, và năng lực đã được chứng minh trong việc cung cấp, vận hành các kho nổi FSO/FPSO tại Việt Nam.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu và đồng sở hữu 06 FSO/FPSO, tổ chức cung cấp các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng 09 FSO/FPSO/FSU trong và ngoài nước, là đơn vị đứng đầu tại Việt Nam và trong khu vực về việc hoán cải, quản lý, bảo dưỡng các kho chứa nổi.
Hợp đồng FSO cho Lô B có thể bắt đầu đóng góp doanh thu và lợi nhuận vào kết quả chung của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ năm 2026 - thời điểm Lô B đón dòng khí thương mại đầu tiên.
Bên cạnh đó, theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Maybank Investment Bank, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí còn có khả năng thắng thầu một hợp đồng FSO khác cho mỏ Lạc Đà Vàng. Kế hoạch phát triển mỏ Lạc Đà Vàng đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2023 với quy mô đầu tư gần 700 triệu USD, dự kiến khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên vào năm 2026.
Nếu trúng thầu hai hợp đồng FSO trên, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến sẽ mở rộng đội kho nổi lên 8 tàu, theo Maybank Investment Bank.
Liên quan đến Lô B, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hiện là doanh nghiệp dầu khí trong nước hưởng lợi lớn nhất với giá trị hợp đồng EPC ước tính lên tới 1,4 tỷ USD (bao gồm giá trị của cả các gói thầu đã trúng và gói thầu tiềm năng).
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm nay của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí liên quan đến Lô B dự kiến sẽ không quá cao do công việc chủ yếu là thiết kế và đánh giá lại thiết kế kỹ thuật tổng thể. Kết quả kinh doanh từ Lô B sẽ tăng tốc đáng kể từ năm 2025 trở đi, khi khối lượng công việc gia tăng và bước vào các phần việc thi công, lắp đặt.
Dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại, Maybank Investment Bank dự phóng lợi nhuận sau thuế năm nay của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ tăng 5% so với năm 2023, đạt 1.080 tỷ đồng và dự kiến bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh kể từ năm 2025.