Theo ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung Tâm Phân tích PSI, giá dầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao nhờ vào triển vọng nhu cầu tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi chiến dịch tiêm vaccine mang lại hiệu quả tốt, cùng với đó là nguồn cung được kiểm soát khi sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ và Mỹ khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm.
Về phía nhu cầu, Thứ nhất tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ bắt đầu hồi phục nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Thứ hai, đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ nằm trong tầm kiểm soát, được hỗ trợ bởi các chương trình tiêm chủng và cải thiện việc điều trị bệnh nhân, cho phép nhu cầu dầu tăng đều đặn. Thứ ba, mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng dẫn đến nhu cầu chuyển đổi sang tiêu thụ nhiên liệu dầu khí tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu. Thứ tư, trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ cho biết có 66% khả năng hiện tượng La Nina quay trở lại làm mùa đông lạnh hơn khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sưởi ấm tại khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu cao hơn so cùng kỳ.
Ước tính từ OPEC về tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 6,0 triệu thùng ngày lên 96,6 triệu thùng/ngày trong cuối năm 2021. Vào năm 2022, nhu cầu dầu thế giới ước tính sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng ngày và chạm ngưỡng trung bình 99,9 triệu thùng ngày.Về phía nguồn cung,mặc dù giá dầu đang tăng tích cực nhưng Một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi là OPEC+) sẽ gặp nhiều khó khăn để tăng sản lượng sau nhiều năm đầu tư thấp hoặc trì hoãn công việc bảo trì trong thời kỳ đại dịch. Tổng nguồn cung dầu toàn cầu hiện tại mới chỉ đạt 95,69 triệu thùng ngày.
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi COVID-19, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021 với tổng doanh thu hơn 390.700 tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch 8 tháng, và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn đạt 30.200 tỷ đồng, vượt 177% so với kế hoạch 8 tháng và gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
PVN cho biết, trong 8 tháng đầu năm, cơ bản các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn đều đạt kế hoạch đề ra, khai thác dầu thô vượt 12,7% so với với kế hoạch 8 tháng; sản xuất các sản phẩm như đạm, xăng dầu, LPG… đều vượt 2 - 11%. Các chỉ tiêu tài chính của PVN đều vượt và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Do có sự tương quan mật thiết với giá dầu Brent, việc giá dầu neo ở mức cao sẽ là động lực dẫn dắt kết quả kinh doanh cũng như giá của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới. Sau thời điểm khó khăn nhất trong Quý 3 2021 bởi làn sóng Covid-19, đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành dầu khí trong giai đoạn 2021 – 2022.
Đánh giá về cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khí trong những tháng cuối năm 2021, ông Trần Anh Tuấn cho rằng các dự án dầu khí lớn được khởi động là tiền đề để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của các công ty thượng nguồn như PVS, PVD.
Lợi nhuận của PVD được dự báo sẽ ghi nhận dương trở lại do giá giàn thuê hồi phục và giàn TAD bắt đầu thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd.
Đối với PVS, trong năm 2021, với năng lực và kinh nghiệm sẽ tiêp tục được các đối tác tin tưởng. Mới đây Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) cho biết đã ký kết hợp đồng dự án Gallaf Batch 3 – gói thầu EPCI05 với chủ đầu tư North Oil Company. Dự án Gallaf Batch 3 là giai đoạn phát triển tiếp theo của mỏ Al-Shaheen, nằm ngoài khơi vùng biển Qatar. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới do North Oil Company điều hành.
Còn đối với các công ty trung nguồn như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) và công ty hạ nguồn như BSR, OIL sẽ ghi nhận lợi nhuận tích cực trong cuối năm 2021 nhờ xu hướng tăng ổn định của giá dầu, dẫn đến giá bán cao hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.