TIN TỨC - SỰ KIỆN
Chợ truyền thống: Hàng ngoại nhiều hơn hàng nội
Cần có chính sách thông thoáng về sử dụng đất đai, liên doanh, xem lại nghị định về điều hành các mặt hàng thiết yếu, quản lý chặt các mặt hàng nhập lậu... Đó là những ý kiến được nhiều doanh nghiệp lớn thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ VN đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 8/3. Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho hay, chợ Đồng Xuân với hơn 2.000 hộ kinh doanh, mỗi ngày lượng hàng hóa luân chuyển trong chợ trên 20 tấn, doanh thu đạt 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá dưới góc độ của nhà quản lý thì 50-70% lượng hàng hóa tại chợ là hàng nhập ngoại, còn hàng nội chỉ chiếm 30%. Các tiểu thương ở đây chủ yếu kinh doanh hàng hóa tiểu ngạch, trong đó hàng vải, quần áo, mặt hàng lưu niệm 70-80% là hàng Trung Quốc, trong khi đây là những mặt hàng mà ta có thể đáp ứng được. Một vấn đề khác mà đại diện các DN khá bức xúc là vấn đề chính sách đất đai giúp phát triển hệ thống phân phối bán lẻ của DN trong nước chưa được quan tâm như DN bán lẻ nước ngoài. Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối VN cho rằng: Vừa qua các mặt bằng đẹp, ở vị trí tốt đều đưa ra đấu giá hết, khi đó các DN trong nước không thể đủ sức để thắng các DN bán lẻ nước ngoài. Điều này buộc DN trong nước phải ra ngoại thành. Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần ưu tiên, tạo điều kiện giải quyết về cơ chế chính sách lâu dài về đất đai, giá cả... (Tuổi Trẻ 9/3)

Doanh nghiệp bán lẻ lép vế trên sân nhà
Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước hôm 8/3, nhiều doanh nghiệp cho biết, chính sách phân cấp đầu tư trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quy hoạch ngành kém là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam yếu thế trước đối thủ cạnh tranh nước ngoài ộ Công Thương khẳng định chưa cấp phép cho các doanh nghiệp FDI mở chuỗi siêu thị nhưng Metro hiện nay đã mở đến 15 siêu thị trên toàn quốc, BigC mở 11 điểm và Parkson mở 4 điểm. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, doanh nghiệp này đang trở thành cái nôi đào tạo nhân viên cho siêu thị nước ngoài. Với 1.000 nhân viên, chỉ cần tăng lương 100.000 đồng/tháng, quỹ lương đã đội thêm 100 triệu đồng nhưng không tăng lương thì các siêu thị lớn khác sẽ thu hút. Khó khăn nữa là doanh nghiệp nước ngoài có thể ghìm giá để cạnh tranh, cô lập doanh nghiệp trong nước. (Người Lao Động 9/3)

Papua New Guinea cho phép NK cá tra, basa philê Việt Nam
Theo tin từ VASEP, Cơ quan Thanh tra và Kiểm dịch nông nghiệp Papua New Guinea (NAQIA) vừa chính thức cho phép nhập khẩu các sản phẩm cá tra, basa đông lạnh Việt Nam. Theo đó, các cơ sở chế biến cá tra, basa philê đông lạnh xuất khẩu vào Papua New Guinea phải nằm trong danh sách được phép chế biến và xuất khẩu thủy sản do NAFIQAD công nhận. Các lô hàng cá tra, basa xuất khẩu vào Papua New Guinea phải kèm theo chứng thư do NAFIQAD cấp (theo mẫu do NAQIA quy định). Đồng thời, NAQIA cũng thông báo thủ tục nhập khẩu và các yêu cầu đối với nhà nhập khẩu cá tra, basa vào nước này. (Nông Nghiệp Việt Nam 9/3)

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Thiếu điện do hàng tỷ kWh trễ hẹn
Cùng lúc với giá điện tăng, cắt điện luân phiên đã bắt đầu từ 1/3 ở nhiều tỉnh thành. Quy hoạch điện 6 "phá sản" đã cho thấy, thiếu điện không chỉ do hạn hán hay thiếu vốn. Hiệu quả đầu tư nguồn điện đang ở tình trạng báo động đỏ. Nhìn lại 5 năm qua, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bỏ ra để làm điện, nhưng rồi, hoặc chậm chạp, kéo dài tiến độ; hoặc hoạt động hỏng hóc, không đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn cung điện lại ít được nhắc đến như một vấn đề nóng cần nghiêm túc kiểm điểm. Nếu như quy hoạch xi măng, thép, hai ngành ngốn tới hơn 10 tỷ kWh/năm liên tục bị phá vỡ vì bội thực dự án, thì qui hoạch của ngành điện lại phá sản vì "đói" cung. GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết, quy hoạch điện 6 (Quy hoạch điện giai đoạn năm 2006-2010) vừa qua chỉ thực hiện được 63-64% phần lưới điện và 70% phần nguồn điện. Bộ Công Thương đã rốt ráo làm Quy hoạch điện 7, nhưng lại chưa có một đánh giá công khai đầy đủ, toàn diện về những thiệt hại từ việc vỡ Quy hoạch điện 6. Mối liên hệ mật thiết nhân - quả của việc chậm quy hoạch nguồn điện với tình trạng thiếu điện triền miên 3 năm nay vẫn không được lý giải rõ ràng. Báo cáo cập nhật mới đây nhất của Ban chỉ đạo Quy hoạch điện 6 cho thấy, 42 nhà máy điện, gồm cả thủy điện và nhiệt điện đưa vào vận hành giai đoạn 2010-2012 thì có tới 28 nhà máy thuộc diện bị chậm tiến độ 1-2 năm. (Vef.vn 9/3)

Việt Nam sản xuất thành công máy biến áp 500kV
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 8/3 đưa tin: máy biến áp 500kV đầu tiên do Việt Nam sản xuất vừa thử nghiệm thành công hạng mục cuối cùng (xung sét 1.550kV) và đã sẵn sàng đưa và khai thác vận hành. Đây là máy biến áp 500kV đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam bởi công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Với thành công trên, Việt Nam trở thành nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á sản xuất được máy biến áp 500kV. Trên thế giới, hiện chỉ có một số nước (như Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sản xuất được loại máy biến áp nói trên nên giá nhập khẩu của máy rất đắt. Lãnh đạo EEMC cho biết, máy biến áp 500kV do công ty sản xuất có giá thành thấp hơn 25 – 30% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. (Sài Gòn Tiếp Thị 9/3)

Quảng Bình: Hàn Quốc gần 16 triệu USD đầu tư cấp điện mặt trời
Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) sẽ đầu tư dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho 10 xã vùng núi của tỉnh Quảng Bình. Đây là các xã mà lưới điện Quốc gia chưa đến được. Theo ông Kwak Dae Geun - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dohwa, dự án này được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp vốn đầu tư với tổng mức đầu tư 15,572 triệu USD, thực hiện trong 3 năm (từ năm 2011 đến 2013). Dự án sẽ lắp đặt tổng số 1,312kWp thiết bị cung cấp điện năng lượng mặt trời độc lập cho 1.514 hộ gia đình ở 55 làng, bản mà lưới điện quốc gia không đến được thuộc 4 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa. (An Ninh Thủ Đô 9/3)

Bình Định: Chậm triển khai xây dựng thủy điện Trà Xom
Ông Trần Quốc Lại - Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Thời gian qua, công tác đền bù, tái định cư của Dự án xây dựng thủy điện Trà Xom được triển khai khá chậm, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, đời sống của người dân trong vùng dự án. Theo phương án chi tiết được ngành chức năng phê duyệt, bên phía phía chủ đầu tư xây dựng thủy điện Trà Xôm phải chi trả số tiền 42,6 tỉ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư công trình mới thực hiện chi trả số tiền 29,46 tỉ đồng. Ngoài ra, công tác định canh cho người dân cũng chưa được giải quyết kịp thời đã gây không ít khó khăn cho đời sống người dân. Một số hộ không có đất sản xuất đã phải vào rừng phát, đốt rừng làm nương rẫy khá nhiều trên địa bàn xã Vĩnh Sơn. (Nông Nghiệp Việt Nam 8/3)

Cộng hòa Séc muốn xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc vừa diễn ra sáng 8/3 tại Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Diễn đàn tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực năng lượng. Tại diễn đàn, ông Vistezslav Jonás - Thượng nghị sĩ Thượng viện Cộng hòa Séc tin rằng Việt Nam là một đối tác thương mại tốt và là môi trường đầu tư ổn định cho các doanh nghiệp Cộng hòa Séc. Hiện Việt Nam đang có chiến lược phát triển về năng lượng hạt nhân và năng lượng. Ông Vistezslav Jonás cũng bày tỏ, Cộng hòa Séc có nhiều công ty năng lượng và đồng thời cũng có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này nên muốn hợp tác với Việt Nam xây dựng các nhà máy điện và điện hạt nhân. Cụ thể là giúp đỡ kỹ thuật, linh kiện và xây dựng. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 8/3)

Quảng Ninh: Thiếu hơn 65 triệu kWh điện
Theo kế hoạch phân bổ sản lượng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho Công ty Điện lực Quảng Ninh trong 4 tháng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 6) là 568,58 triệu kWh, như vậy sẽ thiếu 65,7 triệu KWh. Vì vậy trung bình hàng ngày lượng điện phải tiết giảm từ hơn 300.000kWh đến hơn 700.000kWh. Trên kế hoạch phân bổ này, Công ty Điện lực tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch cung cấp điện từ tháng 3 đến tháng 6.2011 cho điện lực 13 huyện, thị xã, TP và 674 khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, công suất 100kVA trở lên trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi cho các Điện lực, khách hàng thực hiện. (Đại Biểu Nhân Dân 8/3)

DẦU KHÍ
PV Oil: Lập công ty kinh doanh xăng dầu tại Singapore
Ông Lê Như Linh - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) cho biết, sẽ thành lập công ty kinh doanh xăng dầu quốc tế 100% vốn của PV Oil tại Singapore. Vốn điều lệ ban đầu dự kiến 5 triệu USD. Công ty này sẽ có nhiệm vụ kinh doanh dầu thô trên thị trường quốc tế, mua và nhập xăng dầu cho thị trường VN... Hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang làm thủ tục cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài cho PV Oil. Ngoài kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa, PV Oil hiện là đơn vị nhập khẩu dầu thô cung ứng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đồng thời xuất khẩu dầu thô khai thác được ở VN. PV Oil cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xăng sinh học ở Campuchia. Cách đây hai năm, PV Oil đã nhảy vào lĩnh vực phân phối bán lẻ xăng dầu ở thị trường Lào qua việc mua lại một công ty kinh doanh xăng dầu tại Lào của Tập đoàn Shell. (Tuổi Trẻ 9/3)

Lào Cai quy hoạch cửa hàng bán lẻ xăng dầu đến năm 2020
Tỉnh Lào Cai vừa công bố Quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch này, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 86 cửa hàng và 3 kho xăng dầu tại 9 huyện, thành phố. Trong định hướng đến năm 2020 sẽ có 116 cửa hàng và từ 4 - 5 kho xăng dầu, trong đó 17 cửa hàng xây dựng loại 1, 35 cửa hàng loại 2 và 64 cửa hàng loại 3. Các cửa hàng xăng dầu khi xây dựng ngoài việc phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật thì phải đủ diện tích và mỹ quan để phát triển dịch vụ, trồng cây xanh. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa các cửa hàng được áp dụng quy mô nhỏ hơn, điều kiện trang thiết bị thấp hơn và cho phép hộ gia đình kinh doanh. Việc công bố quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong công tác chọn địa điểm cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư, đặc biệt mặt bằng xây dựng. (Chinhphu.vn 8/3)

KHAI KHOÁNG
Vinacomin sẽ rút vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành
Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc quyết định dừng tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản. Theo đó, với những doanh nghiệp mà mới chỉ có cam kết hoặc đăng ký góp vốn, Vinacomin thôi góp vốn. Với những doanh nghiệp đã góp vốn, tập đoàn sẽ tìm cách thoái vốn vào thời điểm phù hợp để không bị thiệt hại về tài chính và không vi phạm điều lệ của doanh nghiệp đó. Đến nay Vinacomin chỉ còn tham gia đầu tư vốn ở một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản. Theo báo cáo của Vinacomin, đến thời điểm hiện tại, Vinacomin có 66 doanh nghiệp thành viên cấp II, trong đó có 22 công ty TNHH một thành viên, 35 công ty cổ phần, 4 công ty ở nước ngoài, 5 đơn vị sự nghiệp. Từ năm 2011 trở đi, tập đoàn sẽ xem xét tiếp tục cổ phần hóa một số công ty TNHH một thành viên không thuộc lĩnh vực khai thác than và giảm tỷ lệ cổ phần chi phối ở một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch, tin học... để thu hồi vốn đầu tư trở lại cho các dự án trong lĩnh vực khai thác, chế biến than, khoáng sản. (Tiền Phong 7/3)

Hòa Phát mua 80.000 tấn tinh quặng sắt của Công ty HAGL
Công ty CP Thép Hòa Phát vừa ký hợp đồng mua 80.000 tấn tinh quặng sắt của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với tổng giá trị hợp đồng khoảng 150 tỷ đồng. Theo hợp đồng, HAGL đã tiến hành giao hàng đợt đầu tiên tại Cảng Quy Nhơn vào ngày 2/3/2011. Toàn bộ số hàng trên sẽ được chuyển theo hình thức vận tải đường thủy về Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát trong vòng 2 tháng. (Đầu Tư 9/3)

DỆT MAY – DA GIÀY
Nhiều DN xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 3/2011
Những tháng đầu năm không chỉ kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng mạnh mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2011. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may đã thu về 2,2 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh tăng về lượng ( trên 30%), giá xuất khẩu cũng đã tăng khoảng 20%.
Tuy nhiên, thời điểm này ông Trường cho rằng điều làm các doanh nghiệp không khỏi lo lắng đó là tỷ giá niêm yết trên thị trường tự do và tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn có sự chênh lệch. Giá của nhiều nguyên liệu đầu vào gần đây cũng tăng mạnh, giá bông chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng tới 300% lên mức 5,2 USD/ kg, rồi lại giảm xuống 4,8 USD/kg, khiến doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào ở mức giá cao sẽ bị lỗ nặng. Thêm vào đó, mặc dù đơn hàng hiện nay “đổ” về Việt Nam khá nhiều nhưng các doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc tiếp tục mở rộng các xí nghiệp sản xuất. Ngoài ra, việc đưa các cơ sở sản xuất về nông thôn lại khiến doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện nhiều hơn vào mùa khô, so với việc đặt cơ sở sản xuất tại các thành phố lớn. Kết thúc năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục tăng 23%, so với năm trước, khi đạt trên 11 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 trong các nước xuất khẩu hàng dệt may toàn thế giới. Trong năm 2011, toàn ngành đặt chỉ tiêu phấn đấu là thu về kim ngạch từ 12,7- 13 tỷ USD. (Vneconomy 8/3)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Giá điện tăng ngành thép sẽ ra sao?
Trước hiện tượng bùng nổ đầu tư thép trong vài năm gần đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra như tình trạng cung vượt cầu, mất cân đối trong các chủng loại sản phẩm thép hay công nghệ lạc hậu gây chi phí sản xuất cao, ô nhiễm môi trường… Nhiều năm qua tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo VSA, sau ba năm triển khai theo quy hoạch nhưng do buông lỏng quản lý (chủ yếu do các địa phương cấp phép), đã dẫn đến hiện tượng đầu tư tràn lan trong ngành thép, cung vượt xa cầu. Hậu quả, hai năm nay, các DN thép của Việt Nam phải cạnh tranh nhau khốc liệt. Tính đến nay, công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất thép cho kết cấu bê tông (thép xây dựng) của Việt Nam đã đạt 8,5 triệu tấn/năm và năng lực sản xuất thực đã đạt 5,5 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu hiện tại mới chỉ cần trên dưới 4 triệu tấn/năm. Sản xuất thép ống đã đạt 1,9 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mới ở mức một triệu tấn/năm. Thép cuộn cán nguội (thép lá) cũng đã đạt 2,7 triệu tấn/năm, tiêu thụ chỉ một triệu tấn/năm. Tôn mạ, phủ màu (dùng cho lợp mái) sản xuất đạt 1,750 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 1,2 triệu tấn… Trong khi đó, chủng loại thép mà Việt Nam còn thiếu là thép cho sản xuất công nghiệp như các loại thép hợp kim, thép không gỉ dùng cho chế tạo cơ khí (máy móc, đóng tàu) và thép tấm cán nóng (làm nguyên liệu cho cán nguội). Giá điện ở nước ta thấp hơn so với giá điện khu vực và thế giới. Giá điện thấp đã "khuyến khích" các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài móc nối nhau tìm cách đưa vào Việt Nam các loại công nghệ tiêu tốn năng lượng nhằm mục đích trục lợi như thực tế đã, đang xảy ra đối với các nhà máy sản xuất thép, xi măng hiện nay cung đã vượt cầu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo VSA, chi phí cho điện sản xuất thép chỉ chiếm 5,5% trong giá thành. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường sẽ góp phần loại bỏ tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất thép. Luyện phôi, thép phế tiêu tốn điện gấp 4-5 lần gia công thép, trung bình ở mức 600 kWh/tấn. Tuy nhiên, với công nghệ tiên tiến, mức tiêu thụ chỉ khoảng 350 kWh/tấn. Hiện nay, trong số 32 DN của Hiệp hội chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ. Theo VSA, giá than, điện, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần minh bạch nền kinh tế, để nền kinh tế có lãi thực, không còn tình trạng lãi, lỗ ảo. Trước mắt, để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô năm nay, ngành điện và ngành thép đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện cho ngành sản xuất thép. VSA sẽ xây dựng danh sách những DN đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những DN sử dụng công nghệ tiên tiến hoặc đã cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả. (Hà Nội Mới 9/3)

Ô TÔ – XE MÁY
Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam : Cần có định hướng rõ ràng
Dù mới đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Ford Việt Nam nhưng Mr Laurent Charpentier rất kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường cũng như ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải có định hướng rõ ràng, cụ thể và kiên định để phát triển. Ông Laurent Charpentier đồng ý với quan điểm cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu. Không thể qua một đêm là có thể phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ trở thành một ngành công nghiệp mạnh mang tầm cỡ của khu vực. Tuy nhiên, ông cũng đã có một vài dự án để tìm nhà cung ứng nội địa cho Ford Fiesta và Ford Transit ở Việt Nam. Ông nghĩ rằng việc này hoàn toàn có thể làm được, mặc dù, dự án đang được kiểm tra để thực hiện. Đối với Việt Nam, ông cho rằng Ford có thể phát triển được ngành công nghiệp này. Công ty có những yếu tố tốt như cơ sở hạ tầng, chính sách của nhà nước, nguyện vọng, mong muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như ngành công nghiệp phụ trợ và yếu tố quan trọng nhất là con người. Nguồn nhân lực của Việt Nam thực sự rất tốt, tốt hơn cả sự tưởng tượng của tôi khi còn ở Châu Âu. Điều quan trọng với Việt Nam là phải tìm ra được một con đường đúng đắn để phát triển, không phải là sao chép, áp dụng nguyên cách thức của các nước khác, mà phải thay đổi để thích ứng với thị trường VN và phải kiên định theo con đường đã đưa ra. Theo ông Laurent Charpentier, rõ ràng là khi thị trường có nhiều tiềm năng thì mới có nhiều đối thủ cạnh tranh nhảy vào. Và tất nhiên, nếu trong thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh thì bạn sẽ phải nỗ lực dể giành được thị phần cho mình. Về bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam, ông cũng rất đồng ý với ý kiến về những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt. Và tất nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế của các khu vực khác luôn có những vấn đề riêng của nó. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 9/3)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Đối mặt với nhiều thách thức
Nhiều DN xuất khẩu gỗ cho biết, hiện tại hầu hết các đơn hàng cho xuất khẩu với số lượng lớn đều đã được đặt hàng đến hết năm. Tuy nhiên, DN chế biến gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt với hai thách thức lớn về nguyên liệu và sự cạnh tranh từ các DN nước ngoài. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện DN chế biến gỗ xuất khẩu của VN đang phải nhập nhẩu từ 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, DN còn đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các DN xuất khẩu gỗ của Trung Quốc, Malaysia... do các nước này có thể cung ứng đủ nguyên liệu gỗ cho các DN của họ mà không cần nhập khẩu. Bên cạnh đó, họ lại mạnh hơn về tài chính cũng như công nghệ.
Vì vậy, làm thế nào để sản phẩm gỗ của DN VN cạnh tranh được và không để giảm thị phần ở thị trường Mỹ và EU thực sự là thách thức lớn. Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định, việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng gây rất nhiều bất lợi cho các DN gỗ, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ. Khi giá nguyên liệu tăng, bắt buộc các nhà sản xuất sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để cân đối kinh doanh. Như vậy sẽ bất lợi khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có sẵn nguyên liệu hoặc nhập khẩu nguyên liệu gần hơn. Nếu không mua được nguyên liệu với giá hợp lý, hoặc không tiết giảm chi phí để cân đối giá bán thì không loại trừ trường hợp các DN Việt Nam sẽ bị trễ hợp đồng trong năm tới hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới trong các năm tiếp theo. (Web Chính Phủ 8/3)

“Đại gia” mì tôm Nhật tiến vào Việt Nam
Công ty Nissin Foods Holdings của Nhật cho biết, sẽ xây nhà máy mì ăn liền tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, với tổng số vốn đầu tư vào khoảng 3,4 tỷ Yên (41 triệu USD). Theo đánh giá của Nissin, năm 2009, Việt Nam tiêu thụ khoảng 4,3 tỷ mì gói (mì ly) ăn liền, cao thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Hiện các nhà sản xuất mì ăn liền lớn tại Việt Nam gồm Vina Acecook, Asian Food, Vifon, Masan, Viet Hung... Trong đó, Vina Acecook được cho là đối thủ hàng đầu, tiếp đó là Asia Food. Ngoài ra, xét về nhân khẩu, Việt Nam cũng là thị trường có nhiều triển vọng với công dân dưới 30 tuổi chiếm khoảng 60% dân số. Nissin là công ty Nhật Bản mới nhất thâm nhập thị trường Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường nội địa Nhật giảm cũng như có quá nhiều người cao tuổi, chưa kể kinh tế yếu kém tạo áp lực về nhu cầu tiêu dùng. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 9/3)

Thị trường thức ăn chăn nuôi: Bất ổn vì “sính” ngoại
Hết USD đến vàng, điện, xăng cứ nối đuôi nhau tăng giá, kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã", tăng 15 lần trong năm 2010, tăng 3, 4 lần trong hai tháng đầu năm 2011. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng bởi có đến trên 80% nguyên liệu để sản xuất ra thức ăn thành phẩm phải nhập khẩu. Ngành chăn nuôi dự kiến, tháng 3, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng đột biến khi giá xăng, điện tăng. Đúng như cảnh báo của Bộ Công Thương, giá thức ăn chăn nuôi vừa qua đã tăng từ 20 tới 25% tùy loại. Điều đáng buồn là Việt Nam, một nước nông nghiệp, được đánh giá có nhiều ưu thế để sản xuất và tự cung ứng, thậm chí là dồi dào nguồn nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao. Để bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất nên tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của ta vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún, chưa được chú trọng quy hoạch theo vùng để đầu tư phát triển. Ông Lê Bá Lịch cho biết, hiện chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm trong danh sách những doanh nghiệp có nhiệm vụ bình ổn giá. Khi các doanh nghiệp này muốn tăng giá sản phẩm, họ phải có văn bản giải trình với cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả nước hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhỏ, nếu chỉ có 10 doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bình ổn giá chắc chắn vấn đề không được giải quyết triệt để. Sự cố vừa rồi khi Bộ NN&PTNT buộc phải tái xuất 50.000 tấn thức ăn chăn nuôi bị nhiễm mọt độc nhập từ Ấn Độ cũng đã tác động, đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao khiến chúng ta cần nhìn lại cách quản lý nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Mặc dù về lô hàng trên, có nhiều ý kiến song không thể không tái xuất. Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong năm 2010 phát hiện 16 vụ với khối lượng gần 27.000 tấn. Sang đầu năm 2011, tiếp tục phát hiện 239 container bị nhiễm mọt TG với khối lượng gần 6.000 tấn. Và gần đây nhất là một lượng hàng nhập khẩu lớn gồm ngô và đậu tương với khối lượng lên đến gần 50.000 tấn tiếp tục bị nhiễm mọt TG. Những sự cố này khiến chúng ta phải suy nghĩ, tại sao chúng ta phải nhập khẩu những nông sản trên khi mà nguồn nguyên liệu đó có sẵn trong nước? Phải chăng, Chính phủ và các bộ, ngành thay vì tìm chiến lược bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cần nghiên cứu hình thành vùng cung ứng biến nguồn nông sản ấy thành nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước! Cần có chiến lược và quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cùng với ban hành cơ chế hợp lý khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. (Hà Nội Mới 9/3)

CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Phú Thọ: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 14%
2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh thực hiện được hơn 1.925 tỷ đồng, đạt 14,6% kế hoạch năm, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khối công nghiệp Trung ương 66,8 tỷ đồng, tăng 34%; khối công nghiệp địa phương 748,4 tỷ đồng, đạt 11,8% kế hoạch; khối công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 516,1 tỷ đồng, tăng 15,5%. Có 11/16 loại sản phẩm chủ yếu tăng như: bia, vải lụa thành phẩm, sợi, xi măng… Kết quả trên là do ngay từ đầu năm ngành Công Thương đã phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, dự án, tránh tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả gây lãng phí. (Đại Biểu Nhân Dân 9/3)

Hòa Bình: Giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 1.000 tỷ đồng
Theo Sở KH-ĐT, giá trị sản xuất CN - TTCN tháng 2 đạt 480 tỷ đồng, bằng 92,3% so với tháng trước. Luỹ kế 2 tháng ước đạt 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thủy điện Hòa Bình thực hiện đạt 202 tỷ đồng, luỹ kế 2 tháng ước đạt 390 tỷ đồng. Khu vực DN Nhà nước thực hiện ước đạt 51 tỷ đồng, luỹ kế 2 tháng ước đạt 106,7 tỷ đồng. Khu vực DN ngoài quốc doanh thực hiện ước đạt 204 tỷ đồng.... (Đại Biểu Nhân Dân 8/3)

Phần 2: Tin Thương mại
XUẤT NHẬP KHẨU
Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê trong tháng ba
Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, dự kiến xuất được 110 đến 130 nghìn tấn hoặc 1,83 triệu đến 2,2 triệu bao cà phê trong tháng này, tăng từ dự kiến 90 nghìn bao tháng trước. Một thương nhân ở Việt Nam cho biết, việc bốc hàng tháng ba sẽ tăng lên sau khi có đợt nghỉ ngắn ngày trong tháng hai, với sự hỗ trợ giá tiếp tục đạt mức cao kỷ lực trong tháng trước. Theo số liệu thống kê của chính phủ, trong tháng 3/2011 các đơn hàng xuất từ Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai sau Brazil, giảm xuống gần 10% so với cùng tháng năm trước đó, đạt 123 nghìn tấn. Một bao chứa 60 kilogam hạt cà phê. (Vinanet 8/3)

Hàng dệt may xuất khẩu giá tăng cao nhất trong 4 năm qua
Ngày 7/3, ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Hiện xuất khẩu hàng dệt may tăng khoảng 20% về giá, là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua. Theo tổng kết từ Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, ngành Dệt may, da giày cũng đạt được mức tăng trưởng cao, đơn hàng lớn, nhiều DN phải tổ chức tăng ca để đáp ứng tiến độ giao hàng. Trong 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 2,16 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ. Các DN da giày cũng có hoạt động sản xuất ổn định, góp phần rất lớn cho tiến độ giao hàng xuất khẩu, đẩy kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tăng 37,8% so với cùng kỳ. (Công An Nhân Dân 8/3)

Quảng Ninh: Giá cao su xuất khẩu giảm, còn 117 – 120 triệu đồng/tấn
Thị trường cao su xuất khẩu trong tuần đầu tháng 3 đang có xu hướng giảm nhẹ, giá còn khoảng 117 – 120 triệu đồng/tấn tại cửa khẩu Móng Cái. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, hiện doanh nghiệp Trung Quốc giảm sản lượng mua do chuẩn bị đủ lượng dự trữ sử dụng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm nhu cầu sử dụng cao su của Trung Quốc vẫn còn rất lớn nên giá chỉ giảm nhẹ trong thời gian ngắn và sẽ ổn định trở lại. (Tài nguyên & Môi trường 8/3)

Bình Dương: Xuất khẩu lô thanh long đầu tiên đi Hàn Quốc
Ngày 8/3, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka xuất khẩu lô thanh long đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc, bốn tháng sau khi Hàn Quốc mở cửa cho trái thanh long tươi của VN. Theo ông Nguyễn Hồng Hưng - Phó giám đốc Công ty Yasaka, lô hàng đầu tiên gồm 4 tấn thanh long sẽ được vận chuyển tới Hàn Quốc bằng đường biển. Đây là đơn hàng mà Yasaka bán cho một nhà phân phối của Mỹ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự kiến thời gian vận chuyển đến Hàn Quốc khoảng sáu ngày. Ông Hưng cho biết Yasaka cũng đang đàm phán với các đối tác của Hàn Quốc để mở rộng kênh phân phối trái thanh long tại thị trường này. Do là loại trái cây mới nên kế hoạch xuất khẩu năm đầu tiên của công ty sang Hàn Quốc khoảng 400-500 tấn. Đến thời điểm hiện tại, thanh long là loại trái cây tươi đầu tiên của VN được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Để được xuất khẩu, trái thanh long phải được xử lý ruồi đục quả bằng phương pháp hơi nước nóng. Trước đó vào cuối năm 2009, Yasaka cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu thanh long vào thị trường Nhật Bản. (Tuổi Trẻ 9/3)

Thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Tăng trưởng cao
Những năm qua, thương mại Việt Nam - Ấn Độ không ngừng tăng trưởng, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 7/2007. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng cao: năm 2009 so với năm 2008 tăng trưởng 10,8% và năm 2010 so với năm 2009 tăng trưởng 136,2%. heo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ trong tháng 1/2011 đạt 364,7 triệu USD, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 97,4 triệu USD, tăng 85,8% và nhập khẩu đạt: 267,3 triệu USD, tăng 56,1%. Hiện hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng với nhiều mặt hàng hơn thay vì chỉ có những mặt hàng nông sản. Năm 2010, những mặt hàng có giá trị cao của Việt Nam được xuất khẩu bao gồm: than đá: 78,67 triệu USD, cao su và sản phẩm từ cao su: 76,87 triệu USD, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép: 76,03 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 67,12 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: 61,15 triệu USD,… Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của 2 nước tương đối giống nhau, thế mạnh của Việt Nam cũng là thế mạnh của Ấn Độ như các mặt hàng nông, thủy sản, dệt may… nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường Ấn Độ. (Website Kinh Tế Việt Nam 8/3)

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Cà phê trong nước tăng theo giá thế giới
Giá cà phê trong nước ngày 9/3 lên cao nhất từ trước tới nay, trong khi giá thế giới cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Giá cà phê nhân xô trong nước tăng hai phiên liên tục ngày 7 và 8/3 lên mức cao nhất trong lịch sử cà phê Việt Nam do thị trường cà phê thế giới tăng mạnh. Một nông dân trồng cà phê ở Đăk-Lăk cho biết, với mức giá 47.000 đồng/kg người trồng cà phê đã có lãi lớn và mong giá cà phê có thể tăng lên trên 50.000 đồng/kg. Trong bối cảnh giá cà phê tăng cao như hiện nay, tâm lý găm hàng chờ giá lên của những người trồng cà phê, và các nhà thu mua cà phê trở nên phổ biến hơn. (DVT.vn 9/3)

Giá giấy các loại chỉ tăng bình quân khoảng 5%
Chủ tịch Hiệp hội Giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo cho biết, mặc dù giá nguyên nhiên liệu đầu vào, giá cước vận tải tăng mạnh nhưng giá giấy bán ra của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thuộc hiệp hội chỉ tăng bình quân khoảng 5%. Sở dĩ mức giấy chỉ tăng ở mức khiêm tốn như vậy bởi nếu giá tăng cao nữa sẽ khó khăn cho tiêu thụ. Hiện giá giấy in, giấy viết định lượng trên 70g/m2 có giá 23,1 triệu đồng/tấn, giấy in báo khoảng 14,5 triệu đồng/tấn. Về phía hiệp hội, ông Bảo cũng cho biết, đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần cân nhắc hiệu quả sản xuất để có các quyết định đầu tư đúng đắn. Với lãi suất vay ngân hàng ở mức 17-18% như hiện nay, cộng với biến động tỷ giá ngoại tệ và biến động giá nguyên nhiên liệu đầu vào, các nhà sản xuất giấy trong nước đang gặp khó khăn lớn. Còn theo Bộ Công Thương, mặc dù giá nguyên nhiên liệu đầu vào đều tăng cao nhưng giá giấy trong nước sản xuất chỉ tăng nhẹ là do giá hiện nay đã cao hơn giá giấy nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia khoảng 1 triệu đồng/tấn. Vì vậy, trong các tháng tới đây, các doanh nghiệp cần có biện pháp cụ thể nhằm giảm tiêu hao nguyên phụ liệu trong quá trình sản xuất, xây dựng lộ trình tăng giá sản phẩm vừa phù hợp với mặt bằng giá cạnh tranh vừa góp phần sát cánh cùng cả nước kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô. Hai tháng qua, sản xuất giấy các loại tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giấy các loại ước đạt 150 triệu USD, với khoảng 163.000 tấn, tăng 33,4% về lượng và tăng 42,4% về kim ngạch. (Vietnamplus 8/3)

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
VN sắp đàm phán hiệp định thương mại tự do với EFTA
VN chuẩn bị đàm phán hiệp định thương mại tự do với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm có Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Tại buổi hội thảo ngày 8/3 ở TP.HCM, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện Chính phủ VN chưa quyết định đàm phán với EFTA nhưng bắt đầu tổ chức nhiều hội thảo, thu thập ý kiến đóng góp của doanh nghiệp nhằm giúp đoàn đàm phán VN chủ động đàm phán những nội dung sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là cách làm khác với những lần đàm phán các hiệp định thương mại tự do trước đây. Trong bốn nước thành viên EFTA, VN có quan hệ thương mại nhiều nhất với Thụy Sĩ với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2010 trị giá trên 2,8 tỉ USD. Ông Ngô Chung Khanh - Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương cho biết, ở trình độ phát triển thấp hơn, khi đàm phán với EFTA, VN sẽ được hưởng một số nguyên tắc như lộ trình mở cửa thị trường chậm hơn, được hỗ trợ kỹ thuật... (Tuổi Trẻ 9/3)

Mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa Đông xuân 2011 : Tác động tích cực!
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để bình ổn giá vụ đông-xuân (do VFA đề xuất) tại ĐBSCL đã chính thức bắt đầu hôm 1/3/2011. Dù động thái thu mua của các doanh nghiệp còn khá chậm chạp, nhưng giá lúa gạo cũng đã có những tín hiệu khả quan và liên tục tăng nhẹ. Tổng giám đốc Gentraco (Thành phố Cần Thơ) Nguyễn Trung Kiên cho biết: đơn vị này được giao thu mua tạm trữ 55.000 tấn trong đợt này. Hiện Công ty đã bắt đầu mua tạm trữ được hơn 10.000 tấn và việc thu mua đang diễn ra khá suôn sẻ. Hiện các HTX sản xuất lúa ở Cần Thơ và Kiên Giang đã ký hợp đồng với Cty với tổng sản lượng 40.000 tấn. Ngoài ra, Cty còn cho một hệ thống thương lái (hàng xáo) và đơn vị xay xát liên kết khá đông đảo, đang bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động thu mua và chế biến... Với hệ thống kho có tổng sức chứa 100.000 tấn - ông Kiên cho biết Gentraco tự tin hoàn thành kế hoạch đúng chỉ tiêu và tiến độ. Đại diện Cty TNHH Trung An (Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cũng khẳng định: chỉ tiêu 15.000 tấn trong đợt này đối với Cty là không khó khăn vì có vùng nguyên liệu khá rộng. Trong khi đó, đại diện một Cty lương thực ở Đồng Tháp, lại bày tỏ quan ngại: Việc thu mua nói chung của các DN trên địa bàn là khá chậm. Nguyên nhân do “đầu ra” các hợp đồng mới vẫn chưa “thông”, trong khi các hợp đồng cũ chủ yếu xuất qua Trung Đông, Châu Á và Châu Phi... cũng đang khó khăn vì tình hình biến động chính trị nói chung. Một số Cty được phân bổ chỉ tiêu đợt này cũng khẳng định, rất khó thu mua dứt điểm theo kế hoạch chương trình thu mua tạm trữ, vì hiện việc xúc tiến ký các hợp đồng xuất khẩu mới vẫn còn rất chậm. Đại diện Cty CP thương mại du lịch Kiên Giang (KTC) cho biết: Cty được phân bổ chỉ tiêu cao nhất trong các DN tỉnh này (25.000 tấn), nhưng hiện Cty vẫn chưa thu mua. Còn một cán bộ Phòng kinh doanh của Cty này chia sẻ: Việc ký hợp đồng mới còn khó khăn vì giá sàn trong nước đưa ra khá cao trong khi phía đối tác lại đang kỳ kèo, ép giá... Cty phải trì hoãn việc ký mới hợp đồng để có giá tốt hơn. Tuy nhiên, khi khai thông được đầu ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu mua sớm và chỉ tiêu này cũng như trách nhiệm tiêu thụ lúa trong dân trên địa bàn tỉnh là không quá lớn! Dù giá lúa cao và chương trình thu mua tạm trữ năm nay triển khai sớm, nhưng nông dân vẫn chưa hết lo. Trong tháng 3, ĐBSCL sẽ vào thu hoạch rộ khoảng 1 triệu ha, áp lực tiêu thụ lúa vì thế cũng sẽ tăng cao. Bởi lượng thu hoạch đến 6 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 3 triệu tấn gạo), trong khi chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ chiếm khoảng 1/3 sản lượng lúa gạo của vùng này. Bên cạnh đó cũng cần cẩn trọng với ra tình trạng thu mua gián đoạn. Bởi khi DN đã thu mua đủ lượng, tạm ngưng mua thì giá sẽ đi xuống, việc này đã xảy ra ở nhiều vụ mùa trước. Câu chuyện DN đầu mùa vụ thu xôm tụ, đến khi nông dân thu hoạch lúa đầy nhà, DN nấn ná ghìm giá không mới ở ĐBSCL. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 9/3)

DOANH NGHIỆP - THƯƠNG HIỆU
DN sản xuất công nghiệp : Thiếu bảo hộ sản xuất trong nước
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm hàng gia công xuất khẩu cho rằng: giá điện, giá xăng dầu dù khó khăn nhưng ít nhiều còn có cách gỡ, còn khó khăn từ những bất cập của các chính sách thì họ “bó tay”. Thực tế, lâu nay, các doanh nghiệp này đang còn phải chịu áp lực từ những bất cập trong một số quy định, chính sách nhà nước, và hơn lúc nào hết họ đang cần được dỡ bỏ để có thể trụ vững trong cơn “sóng cả” hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietubes dẫn chứng, năm 2010, đơn vị thực hiện 1 hợp đồng gia công cho khách hàng Sumitomo Nhật Bản để đối tác này bán cho một khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, khi hàng làm xong, phía Sumitomo bị vỡ hợp đồng, buộc lòng Vietubes phải giữ hàng lại cho khách chờ khắc phục. Thế nhưng theo quy định của Hải quan, tại điều 8, Thông tư 74/2010: đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đến ngày xuất khẩu theo hợp đồng mà không xuất hàng đi được, doanh nghiệp phải cam kết: trong vòng 30 ngày bằng mọi giá phải xuất khẩu ra khỏi đất nước nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Trường hợp đơn hàng của Vietubes với Sumitomo là bất khả kháng, không thể xuất hàng ra khỏi Việt Nam trong bối cảnh đã nêu. Với khối lượng hàng rất lớn, khách hàng buộc phải thuê chuyển hàng sang một nước khác để chờ bán. Điều này rất khó cho các nhà thầu nước ngoài và chắc chắn những quy định khó khăn như vậy họ sẽ không thuê các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Tuyên bức xúc: “Trong trường hợp ấy, các đơn vị gia công như chúng tôi thì không thể dám đặt bút cam kết là 1 tháng sẽ xuất hàng đi bởi mình biết ai đâu mà xuất, mình làm thuê thôi. Mà trong làm ăn, thường xuyên xảy ra trường hợp hợp đồng đã ký kết nhưng phải hủy bỏ vì những lý do khách quan và chủ quan nào đó. Nếu chính sách cứng nhắc như Hải quan thì rất khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ”. Cùng đó, theo các doanh nghiệp, một sân chơi bình đẳng để thúc đẩy sản xuất trong nước cũng chưa có. Đơn cử, hiện nay có những sản phẩm chuyên ngành dầu khí các đơn vị trong nước đã làm được nhưng Nhà nước vẫn cho phép nhập khẩu thành phẩm từ nước ngoài mà lại không đánh thuế. Điều này dẫn đến nghịch lý đối với hoạt động gia công là: Cty nước ngoài thắng thầu thì mang hàng vào Việt Nam thuê doanh nghiệp Việt Nam gia công. Doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu thì lại ra nước ngoài nhập sản phẩm. Nghịch lý này kìm hãm sản xuất trong nước, làm mất rất nhiều cơ hội của doanh nghiệp trong nước cũng như việc làm cho lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietubes cũng cho biết: Đây là điều mà các doanh nghiệp đã kêu khóc từ lâu nhưng chưa có thay đổi. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 9/3)./.