Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Bước tiến mới về chất

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được tái khởi động một cách quyết liệt hơn từ năm 2014 với sự ra đời của Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 và nối tiếp sau đó là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg

Khai thông bế tắc

Tiến trình cổ phần hóa đã có chậm lại trong vài năm gần đây, một phần do tình hình thị trường chứng khoán kém khả quan, một phần do vướng mắc giữa quan điểm “bán được giá” khi cổ phần hóa, hay thực hiện cổ phần hóa để tái cấu trúc doanh nghiệp. Chính việc đặt cao hơn yếu tố “bán được giá” đã khiến cho thời gian suốt từ năm 2008 đến nay - thời điểm thị trường chứng khoán suy giảm, quá trình này đã không đạt được mục tiêu.

Bên cạnh yếu tố có phần khách quan đó là yếu tố chủ quan: Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước không muốn hoặc lần lữa trong việc cổ phần hóa, dẫn đến những chậm chạp và khó đoán về mặt thời gian. Điều này cũng đã được các nhà đầu tư nước ngoài nêu lên trong nhiều kỳ Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VBF). Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong đợi cơ hội đầu tư từ quá trình cổ phần hóa, tuy nhiên điều đơn giản nhất mà họ chờ đợi là một danh mục kế hoạch cổ phần hóa trong từng thời kỳ, cũng không có được.


Chính vì vậy, Hội nghị triển khai nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2014 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 18/2/2014 đã tạo bước đột phá lớn khi xác định mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm. Để khai thông những bế tắc từ thực tiễn nhiều năm qua, Quyết định 51 ra đời cũng đánh dấu một bước chuyển mới, đẩy nhanh quá trình này với phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới.

Lần đầu tiên, khung pháp lý cho phép doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn cổ phần hóa, đây là điểm nghẽn rất lớn, đồng thời thể hiện quan điểm cứng nhắc trong việc tiếp cận. “Bán được giá” không chỉ đem lại lợi ích cho ngân sách mà còn tạo “hình ảnh” tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này trong nhiều trường hợp lại bỏ qua yếu tố thị trường: Một nguyên tắc cơ bản là thị trường định giá hàng hóa chứ không phải yếu tố chủ quan. Đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lớn vào các công ty con có hoạt động kinh doanh kém, thị trường đánh giá rất khắt khe và chỉ có tôn trọng thị trường mới có thể thoái vốn thành công.

Quyết định 51 cũng không cứng nhắc một mức giá đối với các giao dịch bán vốn không thành công. Theo đó, các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, khi không bán hết phần vốn thì sau 3 tháng được phép điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với giá bình quân 15 ngày trước đó. Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, đăng ký giao dịch, khi đấu giá cổ phần dưới mệnh giá mà vẫn “ế”, được phép chuyển sang bán thỏa thuận. Nếu vẫn không bán hết sẽ được giảm giá tối đa 10% để bán đấu giá lần hai.

Quyết định 51 đã phát đi một thông điệp rõ ràng và dứt khoát về tiến trình cổ phần hóa khi chấp nhận những thay đổi lớn về khung pháp lý. Ngoài ra, lần đầu tiên trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải cổ phần hóa được đặt ra. Chỉ thị 06 ngày 12/3/2014 của Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm về hành chính đối với lãnh đạo doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hồi tháng 3/2014, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc 29 doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh đã cùng ký cam kết chịu trách nhiệm với các hình thức kỷ luật bậc lương, khiển trách hoặc chuyển công tác, bị cách chức nếu không hoàn thành cổ phần hóa đúng hẹn đến cuối năm 2015.

Đây là lần đầu tiên tiến trình cổ phần hóa chứng kiến những bước đi mạnh bạo và thay đổi về chất.

Chấm dứt tình trạng “bình mới rượu cũ”

Năm 2014, thị trường đã được chứng kiến những đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng quy mô lớn và dồn dập chưa từng có, với những cái tên "đình đám" nhất, bao gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam…

Những cái tên này được chú ý không chỉ bởi quy mô, mà chỉ trong vài tháng nữa sẽ xuất hiện đồng loạt trên sàn chứng khoán. Nếu như vài năm trước, cổ phần hóa chỉ là một thao tác khoác chiếc áo mới lên một cơ chế cũ, thì giờ đây, tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ phải hoàn toàn hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần và tuân thủ những tiêu chuẩn quản trị tốt nhất của thị trường chứng khoán.

Những doanh nghiệp cổ phần hóa theo Quyết định 51 sẽ chỉ có 90 ngày kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, sẽ phải thực hiện đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung và đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCom của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ngay cả khi doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối thì khi đã lên sàn chứng khoán, vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công bố thông tin, bảo vệ cổ đông nhỏ, tuân thủ quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất và đưa cổ phiếu vào giao dịch. Quy định mới này được thiết kế để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào quá trình cổ phần hóa theo cơ chế cũ. Thực tế đã cho thấy sức hút đối với các đợt IPO gần đây thấp do nhà đầu tư không thấy doanh nghiệp có lộ trình niêm yết cụ thể, điều này dẫn tới việc kém minh bạch trong công bố thông tin cũng như giảm tính thanh khoản của cổ phiếu.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố ngày 27/12/2014, tính đến ngày 25/12/2014, cả nước đã cổ phần hóa 143 doanh nghiệp trong tổng số 432 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 - 2015. Mặc dù con số này cao gấp 2 lần năm 2013 nhưng cũng chỉ đạt hơn 1/3 kế hoạch 2 năm. Do đó, nhiệm vụ năm 2015 còn hết sức nặng nề. Tuy vậy, thị trường chứng khoán đang hồi phục và nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn sẽ là những động lực mới để thu hút dòng vốn, hỗ trợ cho tiến trình cổ phần hóa thuận lợi hơn.